1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM: Chỉ còn 27 chợ hoạt động, tăng cường xe bán hàng lưu động

Việt Đức

(Dân trí) - Phần lớn chợ truyền thống tạm dừng trong khi siêu thị chỉ mở cửa đến 17h khiến việc cung ứng hàng hóa đến tay người dân TPHCM đang gặp nhiều áp lực.

Chỉ còn 27/237 chợ truyền thống hoạt động

Chia sẻ tại cuộc họp báo chiều 30/7 về tình hình cung ứng hàng hóa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết tại các địa phương, nhiều nông sản đã vào mùa thu hoạch, nhiều hàng hóa đang tồn đọng cần phải tiêu thụ. Việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về TPHCM có khó khăn, dẫn đến chi phí tăng nhưng về cơ bản lượng hàng về đến thành phố không thiếu.

"Vấn đề là kênh phân phối, số lượng điểm bán cung ứng cho người dân có đáp ứng yêu cầu hay không. Đến ngày hôm nay, tổng số chợ còn hoạt động chỉ 27 trên tổng số 237 chợ truyền thống. Các chợ này chủ yếu nằm ở vùng ven ngoại thành. Gần như trong nội thành, chợ đã dừng hoạt động hết", ông Phương thông tin. 

Theo đại diện Sở Công Thương, áp lực mua sắm hàng hóa đang đè lên hệ thống phân phối hiện đại, nhất là sau quy định mới của TPHCM về việc người dân hạn chế ra đường, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh đóng cửa sau 18h.

Trước đây, các siêu thị hoạt động đến 10h tối, khi người dân có nhu cầu mở đến nửa đêm hay một số cửa hàng Bách Hóa Xanh thậm chí hoạt động 24/24. Nhưng với yêu cầu mới, các hệ thống siêu thị chỉ hoạt động 7h sáng đến 17h. Thời gian mua sắm của người dân theo đó cũng ngắn lại.

"Hàng hóa không thiếu, nhưng để cung ứng cho người dân rất khó khăn và cần nhiều nỗ lực. Ở một số địa bàn có số lượng siêu thị, điểm bán ít, dân cư đông, việc cung ứng hàng hóa rất khó khăn. Các địa bàn nhiều siêu thị, nhiều cửa hàng cung ứng thực phẩm sẽ thuận lợi hơn. Chợ đã ngưng hoạt động gần hết. Một số cửa hàng, siêu thị vướng vào lây nhiễm phải ngưng hoạt động, việc cung ứng cũng hết sức khó khăn", ông Phương chia sẻ.

TPHCM: Chỉ còn 27 chợ hoạt động, tăng cường xe bán hàng lưu động - 1

Gần như toàn bộ chợ truyền thống trong nội thành TPHCM đã tạm dừng hoạt động (Ảnh: Đại Việt).

Tăng số lượng xe bán hàng lưu động, sớm mở lại chợ

Trong bối cảnh đó, việc đầu tiên là Sở Công Thương TPHCM đang tăng cường nỗ lực thực hiện phương án mở lại điểm bán lương thực thực phẩm tại các chợ truyền thống trên cơ sở phải đảm bảo hoạt động an toàn, có tính toán cụ thể.

Ông Phương cho biết Sở Công Thương đang tích cực làm việc với các quận, huyện để triển khai phương án trên. Theo mô hình mẫu của Sở, ông đánh giá chợ truyền thống khi hoạt động lại an toàn hơn cả siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 

Trong các trường hợp chợ truyền thống không thể đảm bảo điều kiện mở lại, địa phương có thể tính đến tổ chức điểm bán ở địa điểm lân cận chợ, sử dụng đội ngũ tiểu thương của các chợ đang tạm nghỉ. Sở Công Thương sẽ hỗ trợ giới thiệu nguồn hàng.

Sở cũng đặt ra giải pháp tăng cường nguồn hàng tại các điểm bán hiện nay. Ngoài ra, các hệ thống siêu thị lớn cũng sẽ tổ chức cho người dân đăng ký mua hàng trước theo "combo" giỏ hàng. Việc này sẽ giúp siêu thị thuận lợi hơn trong việc chuẩn bị hàng hóa.

Song song đó, Sở Công Thương cũng sẽ tăng số lượng xe bán hàng lưu động. Ông Phương chia sẻ tổng số xe hoạt động trong ngày mai (31/7) là 50 xe và có thể tăng lên tổng cộng 150 xe.

TPHCM: Chỉ còn 27 chợ hoạt động, tăng cường xe bán hàng lưu động - 2

Người dân TPHCM xếp hàng chờ đến lượt mua sắm tại một điểm bán lưu động ở quận Bình Thạnh (Ảnh: Nguyễn Quang).

Tuy nhiên, xe và tài xế có sẵn nhưng mô hình này lại gặp khó về người bán. Ông cho biết các quận, huyện có thể cho tiểu thương đăng ký tham gia việc bán hàng bằng các xe nói trên. Xe sẽ lấy hàng theo chỉ định, tiểu thương bán hàng còn địa phương sẽ giám sát. 

Về vấn đề có nhiều ý kiến xung quanh khái niệm kiểm tra "hàng thiết yếu" với shipper vận chuyển, ông Phương cho biết thời gian đầu, lực lượng tại các chốt kiểm soát trong thành phố có sự hiểu biết khác nhau về khái niệm nên cũng áp dụng khác nhau.

Tuy nhiên, chủ trương chung hiện tại là không đặt nặng vấn đề "hàng thiết yếu" mà kiểm soát đúng đối tượng được lưu thông trên đường. Chiều nay (30/7), Sở Công Thương đã làm việc với các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper, hầu như các chốt trong nội thành không còn hỏi về "hàng thiết yếu". Sở cũng đã thông tin đến lực lượng tại các chốt để không còn vướng mắc về lưu thông hàng hóa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm