Toyota với cam kết tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam
(Dân trí) - Tích cực đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam luôn là những mục tiêu hàng đầu của Toyota Việt Nam. Trao đổi với ông Toru Kinoshita – Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam về những nỗ lực của doanh nghiệp (DN) này trong suốt hơn 20 năm qua và trong tương lai.
Từ khi đặt chân vào Việt Nam, Toyota đã cam kết gì về tỉ lệ nội địa hóa thưa ông?
Ngay từ những ngày đầu xây dựng nhà máy tại Việt Nam, Toyota đã luôn nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp Ô tô Việt Nam theo định hướng của Chính phủ, trong đó nâng cao tỉ lệ nội địa hóa luôn là ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển lâu dài của chúng tôi. Ở thời điểm năm 1995, khi đặt chân đến Việt Nam, Toyota đã gặp rất nhiều khó khăn khi muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa do thị trường xe hơi lúc bấy giờ có quy mô rất nhỏ, chỉ khoảng vài ngàn xe mỗi năm nhưng có tới 10 nhà sản xuất với 20 nhãn hiệu khác nhau.
Để giải quyết khó khăn này, chúng tôi xác định phải tăng quy mô kinh doanh và quy mô sản xuất. Vì chỉ có kinh doanh tốt thì sản xuất mới có thể tăng được, sản xuất nhiều mới cần sản xuất lượng linh kiện phụ tùng lớn, khi đó tỉ lệ nội địa hóa sẽ tăng. Chuỗi quan hệ này cần giải quyết ở ngọn thì mới phát triển được gốc. Và đến nay Toyota đã trở thành DN ô tô FDI có tỉ lệ nội địa hóa cao trong ngành và sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu nâng tỉ lệ nội địa hóa cao hơn nữa.
Hiện nay, quy mô thị trường Việt Nam vẫn được coi là nhỏ và công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, Toyota có kế hoạch gì để nâng cao tỉ lệ nội địa hóa?
Mục tiêu của Toyota là đóng góp cho sự phát triển của xã hội Việt Nam thông qua những đóng góp cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà từ sản xuất lắp ráp đến bán hàng và dịch vụ sau bán hàng.
Ở thời kì đầu, chúng tôi đã thuyết phục được các công ty sản xuất phụ tùng linh kiện của Nhật vào Việt Nam đầu tư. Từ năm 2004 đến nay, các nhà sản xuất này không chỉ cung cấp cho Toyota và các DN trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu đô la Mỹ (tính đến tháng 6/2018) thông qua Trung tâm xuất khẩu phụ tùng Toyota bên cạnh việc tự xuất khẩu. Bên cạnh đó, Toyota đã phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng ngay tại nhà máy với quyết định đầu tư xưởng dập thân vỏ xe quy mô đầu tiên của cả nước hoạt động vào năm 2003, góp phần đưa Toyota trở thành nhà sản xuất đầu tiên trong ngành hoàn thiện cả 5 công đoạn dập, hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra tại nhà máy. Đến năm 2008, chúng tôi tiếp tục đưa vào hoạt động xưởng sản xuất khung gầm với công suất 21,000 khung xe/năm.
Đối với từng sản phẩm, ví dụ như mẫu xe Vios, mẫu xe CKD chiến lược của TMV, số lượng phụ tùng trong nước đã tăng gấp 3 lần so với thế hệ cũ, từ 51 phụ tùng lên 151 phụ tùng. Hiện tại, về số lượng nhà cung cấp, đã tăng lên 29 nhà cung cấp với trên 400 sản phẩm, trong đó có 4 nhà cung cấp Việt Nam.
Trong suốt hơn 20 năm qua, chúng tôi cũng luôn tích cực tìm kiếm và hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước nâng cao năng lực quản lý đáp ứng yêu cầu chất lượng của TMV. Đặc biệt từ năm nay, chúng tôi đã thành lập riêng một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các nhà cung cấp, ưu tiên cho các nhà cung cấp Việt Nam, giúp họ cải tổ năng lực quản lý sản xuất, từ đó tăng hiệu suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chương trình này được Ban lãnh đạo Toyota Việt Nam đặc biệt chú trọng và đánh giá là yếu tố tiên quyết để nâng cao tỉ lệ nội địa hoá của Toyota nói riêng và đóng góp cho ngành Công nghiệp Ô tô Việt Nam nói chung. Điều này cũng là minh chứng rõ nét cho nguyên lý "Tôn trọng mạng lưới đối tác và các nhà cung cấp bằng cách thử thách họ và giúp họ cải tiến" trong 14 phương thức hoạt động của Toyota toàn cầu.
Ông vui lòng đưa ra một số hoạt động và dẫn chứng cụ thể về chương trình hỗ trợ nhà cung cấp nội địa?
Toyota xác định phát triển số lượng và quy mô nhà cung cấp Việt là nhiệm vụ ưu tiên và dài hạn. Các doanh nghiệp Việt Nam thường hạn chế về mặt kinh nghiệm cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng để trở thành nhà cung cấp phụ tùng linh kiện toàn cầu. Ban đầu, Toyota nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp Việt về 5S, an toàn, quản lý chất lượng. Chúng tôi đã thành lập bộ phận chức năng chuyên trách, đào tạo và phát triển nhân sự cho nhà cung cấp, chuyển giao về 5S, bí quyết sản xuất của Toyota (TPS), quản lý chất lượng (QCC), cử chuyên gia trực tiếp xuống tận cơ sở để hỗ trợ, hướng dẫn, tư vấn, kiểm tra, đánh giá và đồng hành sát sao hàng ngày, hàng tuần.
Chúng tôi cũng đã ghi nhận kết quả triển vọng bước đầu. Lấy nhà máy Nhựa Hà Nội – đơn vị cung cấp cho Toyota từ năm 2012 là một ví dụ. Năm 2017, Toyota thành lập ban dự án hỗ trợ chuyển giao đầu tiên tại Nhựa Hà Nội. Sau 1 năm, Nhựa Hà Nội đã thực sự “thay đổi cả chất và lượng” nhờ áp dụng quy tắc 5S Toyota và tiêu chuẩn hóa công việc. Nhà máy ngăn nắp, sạch sẽ hơn, ý thức tuân thủ của người lao động tăng lên rõ rệt. Về hiệu quả kinh tế, thống kê 6 tháng đầu năm 2018, Nhựa Hà Nội đã cắt giảm chi phí ước tính khoảng 2,8 tỷ VND qua cải tiến về khuôn, trung bình năng suất lao động tăng 10%. Riêng với dòng xe Vios thế hệ mới, số lượng phụ tùng cung cấp bởi nhà máy nhựa Hà Nội đã tăng từ 3 lên 29 phụ tùng. Điều này cho thấy tiềm năng của ngành Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam và chúng tôi hi vọng rằng các nhà cung cấp sẽ không ngừng nâng cao năng lực của mình, và xa hơn là tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng của khu vực và toàn cầu.
Toyota Việt Nam có gặp khó khăn gì trong việc nội địa hóa sản phẩm không, thưa ông? Toyota mong muốn hỗ trợ gì từ phía Chính phủ Việt Nam và các DN Việt?
Khó khăn lớn nhất hiện nay mà Toyota Việt Nam gặp phải vẫn là qui mô thị trường còn nhỏ dẫn đến chi phí sản xuất cao và chênh lệch nhiều so với các nước trong khu vực, đặc biệt khi thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về Việt Nam là 0%.
Đầu tiên, về phía Chính phủ Việt Nam, chúng tôi mong muốn xây dựng các chính sách dài hạn nhằm đảm bảo sự tăng trưởng ổn định của thị trường ô tô, giữ tỉ lệ hợp lý giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu nguyên chiếc. Tiếp đến, có chương trình hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách giữa xe sản xuất lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu, có những chính sách phù hợp với tất cả các nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Do đó, chúng tôi cùng các thành viên VAMA rất ủng hộ ý tưởng về ưu đãi thuế SCT cho xe sản xuất và lắp ráp trong nước CKD đang được bàn thảo bởi Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương. Cũng giống như các quốc gia khác, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ sẽ cân nhắc những hỗ trợ trực tiếp cho việc đầu tư khuôn và đồ gá để bù đắp sự thiếu hụt về dung lượng thị trường so với các nước trong khu vực. Nếu được như vậy thì doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn nhiều trong quyết định đẩy mạnh nội địa hóa.