Top ngành lương cao ít thay đổi

(Dân trí) - Mức lương bình quân cao nhất nằm ở nhóm ngành mỏ, luyện kim, ngân hàng, điện tử viễn thông…Trong đó, tại một số doanh nghiệp, sự chênh lệch tiền lương giữa lao động quản lý so với lao động giản đơn tới 21 lần.

Vụ Lao động - Tiền lương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB &XH) vừa hoàn thành cuộc điều tra về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội.
 
Vụ trưởng Tống Thị Minh cho biết, cuộc điều tra tiến hành tại 1.581 doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên và 14.451 người lao động trong các loại hình doanh nghiệp, bao gồm: công ty nhà nước, công ty cổ phần có vốn nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng tại 15 tỉnh, thành phố lớn đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước, gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắc Lắc, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Cần Thơ.
 
Kết quả của cuộc điều tra cho thấy năm 2010 tiền lương, tiền công của người lao động vẫn tiếp tục ổn định và xu hướng tăng. Tuy nhiên, ở mỗi khu vực, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau có những mức tăng khác nhau.
 
Đơn cử như, tiền lương bình quân của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp năm 2010 là 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng 10,3% so với năm 2009. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước có mức lương bình quân là 3,8 triệu đồng, tăng 8,6%; doanh nghiệp cổ phần có vốn đầu tư nhà nước là 3,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 10,0%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 3 triệu đồng, tăng 11,1%; doanh nghiệp dân doanh là 2,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,5% so với năm 2009.
 
Đáng chú ý ngành trả lương cao trên thị trường lao động hiện nay là: mỏ, luyện kim với mức bình quân khoảng 9,2 triệu đồng/người/tháng; ngân hàng với mức lương bình quân 7,6 triệu đồng/người/tháng; dược với mức bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; điện tử viễn thông 5,5 triệu đồng/người/tháng…
 
Trong khi đó cũng có những ngành có mức lương bình quân chỉ đạt 2,1 - 2,3 triệu đồng/người/tháng, tập trung chủ yếu ở những ngành mang tính chất gia công, sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm…
 
Bà Minh nhận định, giữa các nghề, vị trí lao động, khoảng cách chênh lệch tiền lương có xu hướng tăng dần. Đối với lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, lao động quản lý giỏi, đóng góp nhiều vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh thì tiền lương cao hơn rất nhiều so với mức trung bình và lao động giản đơn.
 
Top ngành lương cao ít thay đổi  - 1

Chênh lệch lương giữa lao động quản lý so với giản đơn có nơi đến 21 lần. (Ảnh minh họa)
 
Lương tăng vẫn chưa đáp ứng thực tế
 
Cũng theo kết quả điều tra của Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, trong năm 2010 chỉ số giá sinh hoạt tăng ở mức cao (11,75%) nên dù tiền lương có tăng cũng mới đảm bảo hoặc đảm bảo một phần tiền lương thực tế của người lao động.
 
Cùng đó, sự chênh lệch tiền lương giữa các nghề, vị trí công việc, giữa lao động chuyên môn, kỹ thuật cao, quản lý giỏi với lao động lao giản đơn có xu hướng tăng dần cho thấy các doanh nghiệp đã chú ý nhiều hơn đến vai trò đòn bẩy, tính hiệu quả của vấn đề trả lương trong các doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, chênh lệch này còn ở mức thấp đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước cho thấy tính bình quân trong trả lương ở khu vực này còn lớn.
 
“Năm 2011, theo lộ trình của đề án cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội giai đoạn 2008 - 2012, Bộ sẽ căn cứ vào GDP, CPI và mức tăng tiền lương, tiền công trên thị trường để xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các loại hình doanh nghiệp trình Chính phủ ban hành áp dụng vào năm 2012.
 
Cũng trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ sẽ tiếp tục tiến hành cuộc điều tra này với quy mô lớn hơn nhằm tiến tới công bố mức tiền lương, tiền công theo nghề, công việc trên thị trường hàng quý, hàng tháng” - bà Minh thông báo.
 
P. Thanh