Tổng Giám đốc VAMC: "Xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, ra mắt vào quý III"

(Dân trí) - "Hiện tại, chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III sẽ ra đời; cùng với đó sẽ lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên...", Tổng Giám đốc VAMC nói.

Đã xử lý được khoảng 530.000 tỷ đồng nợ xấu

Chia sẻ tại tọa đàm "Nợ xấu trong đại dịch Covid-19, giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp" sáng nay (23/6), ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết: Sau 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Từ cuối năm 2018 đến ngày 30/4, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 530.000 tỷ đồng nợ xấu.

Lũy kế từ 15/8/2017 đến ngày 30/4 năm nay, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đạt trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012-2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực). Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, đặc biệt dịch Covid-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại.

Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), VAMC là doanh nghiệp, thực tế là công cụ của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý nền kinh tế.

Tổng Giám đốc VAMC: Xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, ra mắt vào quý III - 1

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Ngay sau khi có Nghị quyết 42, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ tối đa cho hoạt động xử lý, thu hồi nợ của VAMC. Cho đến thời điểm hiện nay có 21 tổ chức tín dụng đã tất toán dư nợ cho VAMC.

Ông Thắng cho biết, Nghị quyết 42 ra đời, cùng với việc quy định về đấu giá tài sản, từ năm 2018 đến nay, VAMC đã bán đấu giá thành công gần 3.000 tỷ các khoản nợ và tài sản bảo đảm.

"Hiện tại, chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý III sẽ ra đời. Ngoài ra, được phép Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, thành lập câu lạc bộ VAMC với 23 thành viên, tạo diễn đàn để các AMC lên tiếng, hướng tới các đơn vị tham gia thị trường mua bán nợ", ông Đoàn Văn Thắng chia sẻ.

Đề xuất nâng Nghị quyết 42 thành luật

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu (nhưng chứng khoán hóa) chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ; làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này; khiến quá trình mua - bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.

Để quá trình xử lý nợ xấu và thực hiện Nghị quyết 42 mang lại hiệu quả cao hơn, nhất là trong giai đoạn 2021-2025, ông Lực kiến nghị: Thứ nhất, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương tháo gỡ, xử lý dứt điểm những vướng mắc chính nêu trên theo chức năng - nhiệm vụ, nhất là khâu hướng dẫn triển khai đồng bộ, nhất quán và phối kết hợp tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trên tinh thần vì cái chung.

Thứ hai, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh, thực chất tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao năng lực tài chính - quản trị, tạo điều kiện để hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý nợ xấu. Các bộ chủ quản cần chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay nghĩa vụ bảo lãnh đối với các khoản vay tại các tổ chức tín dụng mà các đơn vị đứng ra bảo lãnh cho các công ty con, công ty thành viên của mình.

Thứ ba, trên cơ sở thực tế, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021-2025 nhằm tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cũng theo kiến nghị của ông Lực, Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, các quy định pháp luật đã có tác dụng rất tốt trong việc xử lý nợ xấu, tuy nhiên, chính sách vẫn có những điểm "xấu" và vẫn cần phải hoàn thiện để bảo đảm việc xử lý nợ xấu nói chung của nền kinh tế và nợ xấu nói riêng của ngành ngân hàng cần tốt hơn.

"Về Nghị quyết 42 cần sửa đổi, triển khai, hiện thực hóa thủ tục rút gọn theo Nghị quyết 42 và 03 cho các khoản nợ xấu cho vay từ 15/8/2017 các khoản nợ xấu phát sinh sau ngày 15/8/2022. Cần phải tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42.

Tốt nhất là nâng lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào hệ thống tòa án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn. Quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, hợp lý hơn, khả thi hơn. Giờ không làm ngay thì lại không kịp", ông Đức nhấn mạnh.