TPHCM:
Tổng Giám đốc ký lệnh chuyển tiền mà… không hiểu vì sao lại ký
(Dân trí) - Ông Yee Lip Chee, Tổng giám đốc Công ty L&M Việt Nam (công ty con của L&M Singapore) xác nhận chữ ký trên hàng chục lệnh chuyển tiền là của mình nhưng… không hiểu vì sao lại ký.
“Bốc hơi”… gần 13 tỷ đồng
Theo hồ sơ vụ án, Công ty TNHH L&M Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có trụ sở đặt tại P.2, Q.Tân Bình, TPHCM. Công ty TNHH L&M Việt Nam là công ty con của Công ty L&M Singapore. Người đại diện pháp luật cho L&M Việt Nam là ông Wong Kong Hee (quốc tịch Malaysia) và Tổng Giám đốc là ông Yee Lip Chee (SN 1968, quốc tịch Malaysia). Nguyễn Thị Bạch Tuyết (SN 1973, ngụ Q.Phú Nhuận) là kế toán trưởng của công ty này từ tháng 4/2010 đến tháng 3/2012.
Toàn bộ số tiền này được Tuyết rút hết bằng tiền mặt và bằng tấm séc. Trong đó có khoản tiền Tuyết rút đem nộp vào tài khoản cá nhân của mình ở Ngân hàng ANZ và cho hai người khác với số tiền 70 triệu đồng.
Tổng Giám đốc Yee Lip Chee (phải) không nhớ rõ vì sao mình ký hàng chục lệnh chuyển tiền
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết cho biết, khi về làm cho công ty, ông Yee Lip Chee có kí bản cam ngày 5/1/2010 kết thể hiện rõ những nội dung: Cty L&M Việt Nam sẽ phải trả cho công ty mẹ (Công ty L&M Singapore) bằng tiền mặt với số tiền gần 2 triệu USD. Ông Yee Lip Chee sẽ ký chuyển khoản số tiền cần thiết đến tài khoản của bà Tuyết mở tại ngân hàng An Bình. Bà Tuyết sẽ đương nhiên được hưởng 3% trên số tiền mỗi lần chuyển vào tài khoản này mà không cần có biên nhận giữa hai bên. Cam kết quy định bà Tuyết phải có trách nhiệm rút tiền mặt từ tài khoản này để trả lại cho ông Yee Lip Chee. Cuối bản cam kết có điều khoản ông Yee Lip Chee sẽ chịu trách nhiệm về việc chuyển tiền theo thỏa thuận này.
Phiên tòa có sự tham dự của đại diện Công ty L&M Singapore, tức công ty mẹ và cũng là đơn vị cho Công ty L&M Việt Nam vay 700.000 USD tiền mặt và bằng máy móc thiết bị trị giá 1.500.000 USD. Trong phần xét hỏi vào buổi sáng 29/5, đối với khoản tiền thất thoát 13 tỷ đồng nêu trên, đại diện công ty L&M Singapore đã không yêu cầu bồi thường cũng như không có ý kiến về vụ án. Tuy nhiên, vào phiên buổi chiều, thì đại diện công ty mẹ ở Singapore lại thừa nhận buổi sáng khi luật sư hỏi thì phiên dịch có sai sót chứ không phải L&M Singapore không có yêu cầu bồi thường như lúc sáng đã trình bày.
Không hiểu vì sao ký lệnh chuyển tiền
Tại phiên tòa, ông Yee Lip Chee, Tổng Giám đốc Công ty L&M Việt Nam thừa nhận có ký, đóng dấu để lập một bản cam kết với bị cáo Tuyết với nội dung như trên. Ông Yee Lip Chee thừa nhận chỉ có 21 chữ ký vào các lệnh chuyển tiền của Công ty L&M Việt Nam cho Công ty Đại Hồng Tùng là thật. Với 23 lệnh chuyển tiền khác, ông Yee Lip Chee cho là giả mạo chữ ký của ông, 7 lệnh chuyển tiền còn lại, ông không chắc là chữ ký của ông vì khác loại mực ông hay dùng.
HĐXX tập trung làm rõ vấn đề vì sao trong số 51 lệnh chuyển tiền được cho là chuyển không hợp lệ thì ông Yee Lip Chee lại thừa nhận chỉ có 21 lệnh chuyển là chữ ký của mình. Từ đó, làm rõ động cơ của vị Tổng Giám đốc này cũng như tránh sót người, lọt tội trong vụ án.
Khi bị HĐXX “truy vấn” sát sườn thì vị Tổng Giám đốc này cho biết không hiểu vì sao lại ký các lệnh chuyển đó. Ông Yee Lip Chee “biện hộ” là có thể khi từ công trình trở về đã thấy giấy tờ trình ký để trên bàn nhiều quá nên ký hoặc vì quá tin tưởng vào kế toán trưởng. Đối với chữ ký, con dấu ở giấy cam kết (rút tiền chia 3%) dù ông Yee Lip Chee khẳng định hoàn toàn không ký cam kết nào với bà Tuyết và cho đó là giấy giả nhưng ông cũng không giải thích được chữ ký, con dấu (xác định là thật) là của mình vì sao lại có?.
Thỏa thuận này, Yee Lip Chee đồng ý cho Tuyết 3% trong tổng số tiền mỗi lần chuyển khoản
Có dấu hiệu sót người, lọt tội (!)
Luật sư bào chữa cho bị cáo Tuyết cho rằng, tại tòa, ông Yee Lip Chee đã thừa nhận có ký, đóng dấu và lập cam kết ngày 5/1/2010 với bà Tuyết và đã thừa nhận 21 chữ ký vào các lệnh chuyển tiền của Công ty L&M Việt Nam cho công ty Đại Hồng Tùng là có thật. Tình tiết nêu trên cho thấy nếu hành vi của bị cáo Nguyễn Thị Bạch Tuyết là trái pháp luật cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì hành vi của ông Yee Lip Chee có dấu hiệu đồng phạm với tội danh như VKS đã truy tố bị cáo Tuyết. Ngoài ra, hành vi của ông Yee Lip Chee còn có dấu hiệu phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên tòa trở nên gay cấn thì HĐXX quyết định tạm dừng để hội ý. Qua đó, nhận thấy vụ án có nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, HĐXX đã tuyên trả hồ sơ điều tra lại.
Trước khi bế mạc phiên tòa, hai luật sư là Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) và luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Đoàn Luật sư Hà Nội) đồng loạt yêu cầu HĐXX tiến hành thủ tục khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Yee Lip Chee, để tránh bỏ sót người, lọt tội. Đồng thời, luật sư đề nghị tòa ra quyết định cấm xuất cảnh đối với ông Yee Lip Chee để phục vụ cho việc điều tra.