Tổng giám đốc Air Asia 'bán' vé máy bay đi xem chung kết AFF Cup cho CĐV Việt Nam
(Dân trí) - "Chúc đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng tại trận bán kết này", Tony Fernandes nói và tranh thủ quảng cáo rằng, Air Asia đã sẵn sàng bán vé đi xem chung kết khi Việt Nam chiến thắng.
Mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 diễn ra sáng nay (6/12), ông Tony Fernandes, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Air Asia bất ngờ nhắc đến trận bóng đá tối nay giữa Việt Nam và Philippines.
"Chúc đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng tại trận bán kết này", Tony Fernandes nói và tranh thủ quảng cáo rằng, Air Asia đã sẵn sàng bán vé đi xem chung kết khi Việt Nam chiến thắng.
Đại diện một hãng hàng không giá rẻ, ông Tony cho rằng, để phát triển du lịch, cần phải thiết lập các sân bay dành riêng cho hàng không giá rẻ. Ông dẫn trường hợp tại Malaysia có sân bay dành riêng cho giá rẻ, hoặc nhà ga cho hàng không giá rẻ, thi công nhanh quay vòng vốn cao.
"Xây nhanh thì đơn giản và hiệu quả. Nhìn vào sân bay thấy cao to đẹp đẽ nhưng phục vụ hãng giá rẻ sẽ không phù hơp. Khi xây dựng sân bay giá rẻ, chi phí rẻ hơn, kích thích nhiều người hơn nữa di chuyển", ông nói.
Ông Tony cho rằng, Việt Nam có tiềm năng du lịch nhưng cần có những bước nhảy vọt. Theo đó, xây thêm nhà ga có chi phí thấp là hướng đi của Việt Nam.
"Người làm du lịch cần làm cho Việt Nam nổi tiếng"
Thảo luận tại Diễn đàn, ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng, du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng, tăng trưởng nhanh và đã đạt được nhiều thành tựu nhưng khó khăn là làm sao để đưa ngành công nghiệp không khói lên tầm cao mới.
Theo ông, trước tiên, những người làm du lịch cần làm cho quốc gia trở lên nổi tiếng và đưa Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Việt Nam cần tạo thương hiệu và quảng bá thương hiệu này đến với các khách hàng tiềm năng. Để tạo thương hiệu, chúng ta cần nguồn ngân sách và có những chính sách phù hợp.
Tuy nhiên, John Lindquist cho rằng, trên thực tế, Việt Nam chưa khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, đặc biệt khâu quảng bá hình ảnh. Dẫn nguồn từ Diễn đàn kinh tế Thế giới về phát triển du lịch, ông cho biết Việt Nam hiện chỉ xếp 80 trong tổng số 136 quốc gia, thậm chí sau Lào, Campuchia.
"Nếu Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu du lịch cần đầu tư hơn. Khi nhìn vào các thương hiệu du lịch đã duy trì bền vững qua hàng thế kỷ, ta có thể thấy điều cần thiết là nguồn tài chính ổn định", vị này nhấn mạnh.
Theo ông, Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu thông qua các chiến dịch rộng rãi hơn. Ông dẫn một số ví dụ thành công như tại Anh, Chính phủ dùng thông điệp "Great - vĩ đại" nhất quán tại nhiều lĩnh vực, thể hiện cho một quốc gia. Hay như Dubai - điểm đến "cực kỳ thành công" khi định vị thương hiệu cho toàn quốc gia có 3 trụ cột, gồm: mua sắm, sang trọng, nghỉ dưỡng - giải trí.
"Một thương hiệu sẽ giúp nâng cao nhận thức nhưng cần định hướng giá trị rõ ràng với từng nhóm du khách. Như tại Malaysia họ thành công trong cả thập kỷ cũng nhờ 4 trụ cột là: đa dạng văn hóa, sang trọng, niềm vui gia đình và phiêu lưu với thiên nhiên. Họ nhắm đến từng đối tượng khách chuyên biệt, ít du khách nhưng mức chi tiêu cao", ông nói.
Ông cũng cho biết, Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch.
"Cần tăng đầu tư hơn nữa cho du lịch bởi đây là sản phẩm tiêu dùng cần cung cấp nhiều lựa chọn cho du khách. Ngoài nguồn tiền, nhiều nước còn có quỹ phát triển du lịch và quỹ quảng cáo", ông nói thêm.
Ông John Lindquist chỉ ra rằng, hiện chênh lệch số ngày lưu lại trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam là 9,5 ngày trong khi là của Thái Lan là 9,6 ngày. Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều nhưng số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan con số này lên đến 163 USD. Do đó, ông cho rằng, Việt Nam cần thiết phải xây dựng các hình thức để khách du lịch chi tiêu nhiều hơn.
"Nếu không thay đổi, du lịch Việt Nam đã chạm giới hạn"
Trước đó, phát biểu khai mạc phiên sáng nay, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh, du lịch là ngành tăng trưởng 2 lần trong nhiều năm qua đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP.
"Nhưng chúng ta cũng thấy sự lo lắng trong những năm tiếp theo. Trong nhiều năm Việt Nam chỉ xây dựng 2 sân bay mới. Nếu không thay đổi thì chúng ta đã đến ngưỡng giới hạn", ông Bình nói.
Có nhiều đề xuất những đột phá cụ thể được nêu ra, trong đó có thể linh động cho khu vực kinh tế tư nhân giải quyết vấn đề sân bay, dùng công nghệ số đào tạo nhân lực, quảng bá du lịch, sử dụng các căn hộ dư thừa để huy động sức xã hội cho ngành du lịch.
"Hôm nay sẽ có nhiều vấn đề hơn nữa để giải quyết. Sự ngạc nhiên lớn nhất ngành kinh tế quan trọng mà lần đầu tiên chúng ta tổ chức hội thảo với sự góp mặt các bên liên quan. Tôi hy vọng chúng ta sẽ gỡ được nhiều hơn nữa những ách tắc của du lịch đề phát triển thời gian tới", ông Bình kỳ vọng.
Phương Dung