1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tôn gian, tôn giả hoành hành: Từ tinh vi đến… thô thiển

(Dân trí) - Thị trường tôn trong nước đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi vấn nạn tôn giả, tôn “ăn gian” độ dày. Điều này không chỉ khiến các DN tôn bị tổn hại, mà còn “móc túi” người tiêu dùng và khiến nhà nước thất thu nhiều khoản thuế.

Theo thống kê của Hiệp hội thép VN trong bản tin tháng 9/2014, thị phần tôn mạ thương hiệu Việt Nam 8 tháng chiếm 74,7%, tôn mang thương hiệu nước ngoài hoặc liên doanh 25,3% trên thị trường. Tuy nhiên số lượng này chưa tính tôn nhập từ Trung Quốc qua đường chính ngạch hoặc tiểu ngạch, do nhiều DN, đặc biệt là là các DN có dấu hiệu làm ăn bất minh, không tham gia Hiệp hội nên thống kê này chưa phản ánh hết thực tế thị trường

Theo ước tính của nhiều DN thuộc Hiệp hội, nếu như vài năm trước, các DN kinh doanh tôn giả, tôn “đôn dem” chỉ chiếm vài % thị phần, thì nay với các chiêu trò ngày càng tinh vi đến… thô thiển, thị phần của nhóm này đã đạt 12-13%. Phóng viên Dân trí đã cuộc điều tra xâm nhập thị trường tôn gian, tôn giả.

Bài 1: “Làm xiếc” tấm tôn, móc túi khách hàng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Hai con ‘cá mập’ khủng đến từ Thái Lan
* Trà Việt Nam không nhiễm dioxin
* 20 bước dễ dàng để trở thành triệu phú
* Ngân hàng là nạn nhân của nợ xấu
* Bất thường tình hình nhập khẩu thép từ Trung Quốc
* Chính thức nới một số điều kiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng

Chỉ việc cán mỏng tấm tôn và in ăn gian độ dày thực tế của tấm tôn, các nhà máy tôn bất chính có thể kiếm lời tới hàng chục nghìn đồng mỗi mét, đồng nghĩa với việc kiếm hàng chục tới cả trăm triệu đồng mỗi ngày với một nhà máy có quy mô vừa phải.

Ma thuật “đôn dem”

Một ngày đầu tháng 11, trong vai những người thợ đi mua tôn để lợp nhà xưởng chúng tôi tìm đến Xưởng sản xuất tấm lợp mạ màu Phan Hùng Cường, một trong những cơ sở cán tôn lớn nhất Hải Phòng.

Tại điểm bán hàng ở số 326 Nguyễn Bỉnh Khiêm, là nơi để khách hàng tìm tới đặt mua sản phẩm tôn, sau khi dò hỏi về các loại tôn mà cửa hàng này buôn bán, chúng tôi chọn mua hai loại tôn màu khác nhau là đỏ (63.000 đồng/m2) và xanh ngọc (71.000 đồng/m2) với độ dày lần lượt là 0,35mm và 0,4mm.

Cơ sở phát hiện tôn bị đôn dem tại Hải Phòng

Cơ sở phát hiện tôn bị "đôn dem" tại Hải Phòng

Nhà máy cán tôn thực tế nằm ở một địa điểm khác trên con đường này, đây là một công xưởng rộng lớn chuyên dùng để cán tôn số lượng lớn được đề tên Công ty cổ phần Vĩnh Hưng, người ra vào mua tôn nườm nượp. Sau khi nhận phiếu mua hàng từ chúng tôi, hai công nhân mặc áo màu xanh nhanh chóng vào bên trong xưởng lăn ra hai cuộn tôn đỏ và xanh ngọc rồi dùng cáp treo móc vào hai bên lõi cuộc tôn đưa lên máy cán. Chỉ khoảng 10 phút, hai cuộn tôn của chúng tôi mua đã được đặt trước mặt.

Bên trong xưởng cán tôn bị đôn dem

Bên trong xưởng cán tôn bị "đôn dem"

Để kiểm chứng cho việc gian lận trong thị trường tôn hiện nay, chúng tôi đã nhờ một kỹ sư chuyên về vật liệu tôn với dụng cụ đo tiêu chuẩn trong xây dựng. Kết quả cho thấy, cuộc tôn màu đỏ với độ dày 0,35mm khi đo thực tế chỉ có 0,28mm. Theo người kỹ sư thực hiện việc kiểm tra kỹ thuật cho phóng viên, thông thường độ dày của tôn có dung sai +/-0,02mm. Tuy nhiên, tấm tôn mà chúng tôi mua từ cơ sở ở thành phố Hải Phòng lại bị thiếu tới 0,07mm.

Tấm tôn màu đỏ có độ dày rao bán là 0,35mm thực tế đo được chỉ nhỉnh hơn 0,29mm
Tấm tôn màu đỏ có độ dày rao bán là 0,35mm thực tế đo được chỉ nhỉnh hơn 0,29mm

Thử tiến hành đo độ dày của tấm tôn màu xanh ngọc còn lại, khi mua là 0,4mm nhưng kết quả đo bằng máy chỉ có 0,32mm tức là đã bị thiếu 0,08mm. Đây là bằng chứng cho thấy rõ việc gian lận trong buôn bán vật liệu tôn mà giới buôn tôn kém chất lượng vẫn gọi bằng thuật ngữ “đôn dem”. Điều đáng nói là ở mặt sau của cả hai tấm tôn vẫn được in những dòng chữ ghi chú độ dày “khống” trong khi độ dày thực tế thấp hơn rất nhiều.

Tấm tôn có độ dày rao bán là 0,40mm thực tế đo chỉ nhỉnh hơn 0,32mm

Tấm tôn có độ dày rao bán là 0,40mm thực tế đo chỉ nhỉnh hơn 0,32mm

Theo tìm hiểu của phóng viên từ giới kinh doanh vật liệu tôn thì những loại tôn bị đôn dem thường có giá thành rẻ hơn từ 15.000 – 25.000/m2 so với giá thành được chào bán.

Chỉ cần làm phép tính đơn giản, với việc đôn dem 0,08mm/m2 tôn, mỗi ngày hàng nghìn m2 tôn xuất xưởng chủ cơ sở gian lận đã thu về hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Món lợi nhuận này được coi là kếch xù như đi buôn thuốc phiện.

Tại xã Trung Thành, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), PV tiếp tục xâm nhập một cơ sở có tên Hòa Tuyết. Tương tự như ở Hải Phòng, khi tới cửa hàng Hòa Tuyết hỏi mua vật liệu tôn chúng tôi được dẫn tới một xưởng cán tôn nằm gần đó có tên Xuân Hòa.

Bên trong cơ sở bán tôn đôn dem tại Thái Nguyên

Bên trong cơ sở bán tôn "đôn dem" tại Thái Nguyên

Những cuộn tôn đôn dem nằm trong xưởng chờ cán cho khách hàng

Những cuộn tôn "đôn dem" nằm trong xưởng chờ cán cho khách hàng

Bà chủ của xưởng cán tôn cho hay rằng, xưởng của bà chỉ bán hai loại tôn là loại tiêu chuẩn Việt - Nhật và loại tôn Zacs của Úc. Hỏi mua loại tôn tiêu chuẩn Việt - Nhật với độ dày 0,35mm, chủ cơ sở này cho biết giá bán là 69.000 đồng/m2. Sau một hồi trả giá, bà chủ đồng ý bán cho chúng tôi với giá 67.000 và nói thêm rằng: “Mua giá rẻ thế thì độ dày tôn nó âm một tí nhé”.

Không biết “độ âm” của tấm tôn tới đâu nhưng khi bà chủ đặt trước mặt chúng tôi, tấm tôn phẳng màu xanh mỏng như “lá lúa”. Sau khi cuộn tròn đem về và nhờ tới dụng cụ đo đạt chuẩn. Tấm tôn mà chúng tôi mua được chỉ có gần 0,26mm tức là đã bị thiếu tới 0,09mm, một sai số theo đánh giá của các kỹ sư vật liệu tôn là quá lớn, không thể chấp nhận được.

Thông thường khách hàng khi mua tôn thường chọn mua loại có độ dày từ 0,35mm trở lên. Tuy nhiên, do độ dày của tấm tôn không thể phân biệt và xác định đúng được bằng mắt thường nên chủ cơ sở kinh doanh tôn đã lợi dụng yếu tố này để bán tôn giả, tôn kém chất lượng, sản phẩm mà khách hàng mùa đuợc thường mỏng hơn nhiều so với yêu cầu.

Lấy ví dụ, một miếng phôi tôn ban đầu nếu chủ kinh doanh cán đúng với độ dày 0,35mm có thể chỉ ra được thành phẩm khoảng 10m nhưng với chiêu trò “đôn dem” bán tôn thiếu độ dày, những nhà máy tôn có thể cán mỏng đi để sản xuất ra 12-15m.

Theo tìm hiểu của phóng viên, những tấm tôn được “đôn dem” trên thị trường hiện nay phần lớn đều là loại tôn kém chất lượng do Trung Quốc sản xuất được các nhà máy tôn mua về theo dạng phôi trắng hoặc đã in màu một mặt rồi đem in mẫu mã nhãn mác theo ý mình.

Ví dụ sản phẩm tôn 0,35mm sẽ báo người tiêu dùng là 0,4mm dem hoặc 0,45mm và bán với giá cao hơn giá trị thực là 0,35mm nhưng lại thấp hơn giá thị trường cùng độ dày công bố, khiến người tiêu dùng lầm tưởng mua được hàng rẻ.

Ký hiệu ngầm của tôn dởm

Bên cạnh đó, trên những tấm tôn giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường hiện nay vẫn có những “ký hiệu ngầm” để giới buôn tôn ra hiệu cho nhau biết rằng đó là tôn kém chất lượng có thể đã bị “đôn dem” hoặc tôn làm giả.

Nhờ tham khảo thông tin từ các kỹ sư vật liệu tôn, phóng viên đã nắm được quy luật này và trong thực tế xâm nhập đã chứng minh. Trên những cuộc tôn kém chất lượng bị “đôn dem” thường có ký hiệu “MSC” hoặc “MC” trong chuỗi mã số ký hiệu in ở mặt sau của tấm tôn để người bán biết rằng tôn đã được “đôn dem” và có thể hạ một chút giá thành để đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng và móc túi một cách dễ dàng.

Ký hiệu của tôn gian được phóng viên phát hiện tại xưởng cán tôn ở Kiến An (Hải Phòng)

Ký hiệu của tôn gian được phóng viên phát hiện tại xưởng cán tôn ở Kiến An (Hải Phòng)

Đặc biệt, trong thị trường tôn giả, kém chất lượng hiện nay còn xuất hiện một thương hiệu chuyên sử dụng tôn Trung Quốc và thực hiện hành vi đôn dem. Trên các cuộn tôn của hãng này thường xuất hiện ký tự “DTL” như một quy định bất thành văn để giới kinh doanh “nhìn là biết”.

Ngoài ra, bằng mắt thường có thể nhìn mặt sau của tấm tôn khi in độ dày, những tấm tôn kém chất lượng thường chỉ ghi độ dày là 0.35 hoặc 0.4 thay vì viết đầy đủ là 0,35mm và 0,4mm.

Được biết, trên thị trường tôn ở Việt Nam hiện nay, tình trạng gian lận độ dày của tôn rất phổ biến tại khu vực phía bắc.

Như tại nhà máy tôn Vĩnh Hưng tại 1089 Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Phòng) khi phóng viên trực tiếp mua tôn có ký hiệu “MC 0.35” để thể hiện đồ dày tôn là 0,35mm nhưng thực tế khi đo bằng máy chỉ có 0,28mm. Hoặc như tại phân xưởng của nhà máy tôn ở Hải Phòng khi xâm nhập thực tế có phát hiện những cuộn tôn Tovico có in ký hiệu “MSC 0.42”.
 

Tôn dởm “đội lốt” thương hiệu lớn

Không chỉ dùng chiêu trò “đôn dem”, một số cơ sở kinh doanh vật liệu tôn còn ngang nhiên bày bán loại tôn nhái thương hiệu tôn trong nước được tiêu dùng nhiều như tôn Hoa Sen, Phương Nam.

Thực tế ghi nhận tại cửa hàng Công ty Thương mại Phương Yên (TT. Chờ, H. Yên Phong, Bắc Ninh), phóng viên trong vai khách hàng đã đặt mua 40m tôn có độ dày 0,30mm.

Loại tôn mà chủ cửa hàng bán cho phóng viên ở mặt sau có in thương hiệu tôn Hoa Sen. Tuy nhiên, sau khi được các kỹ sư vật liệu tôn giám định thì số tôn mua từ cửa hàng trên là loại làm nhái thương hiệu tôn Hoa Sen, nhãn in trên tấm tôn không đúng quy chuẩn của tôn chính hãng. Không những thế độ dày của tấm tôn cũng không đạt chuẩn so với tiêu chuẩn quy định.

Việt Nam là thị trường màu mỡ của tôn giả

Trước vấn nạn gian lận trong thị trường vật liệu tôn, Ông Nguyễn Mạnh Hùng - PCT Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng,hoạt động kinh doanh tôn thép giả, kém chất lượng là một lĩnh vực mà không nhiều người tiêu dùng hay biết, cơ quan chức năng chưa để ý nên chưa thấy vụ việc nào báo chí đăng tải cơ quan chức năng phát hiện ra việc buôn bán tôn giả, kém chất lượng.

Bên cạnh đó, đây là hành vi gian lận hết sức tinh vi, thông thường tấm tôn rất mỏng, không ai tự nhiên đi đo trừ các cán bộ kỹ thuật nên hầu hết người tiêu dùng đều không thể phát hiện ra. Việc kinh doanh gian lận tôn lãi quá lớn, gian lận kinh doanh tôn có tính chất “dã man” vì ăn lãi tới nhiều lần từ việc cán tôn không đủ độ dày sau đó lại bán với mức giá như những tấm tôn đạt chuẩn.

Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, hiện xây dựng ở Việt Nam đang trong bối cảnh phát triển mạnh, bên cạnh đó tấm lợp amiang độc hại, xu hướng người dùng chuyển sang vật liệu khác nên nhu cầu về tấm lợp tôn tăng manh, vì thế kinh doanh tôn đang trở thành mảnh đất màu mỡ.

Theo ông Hùng, cơ quan chức năng phải vào cuộc, có biện pháp xử lý, vì đây là gian lận thương mại rất tinh vi, vừa sản xuất hàng giả, hành vi buôn bán tôn kém chất lượng và có sự móc nối với nhau giữa dân buôn để “móc túi” người tiêu dùng.

Nhóm PV
(còn nữa)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm