1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Toát mồ hôi” vì dịch vụ đường phố… thay giá

(Dân trí) - “Ăn theo” các mặt hàng cơ bản như xăng, điện, nước…, nhiều dịch vụ “đường phố” như hàng ăn uống, sửa xe… cũng rủ nhau tăng giá. Lắt nhắt mỗi thứ một ít nhưng cũng đủ làm người dân “mệt phờ”…

“Toát mồ hôi” vì dịch vụ đường phố… thay giá - 1
Nhiều cửa hàng ăn uống đã… thay giá mới.
 
Được giá xăng, điện, nước “tạo đà”, từ sau Tết các dịch vụ ăn uống trên địa bàn TPHCM cũng “té nước theo mưa”, hình thành khung giá mới cao hơn trước.
 
Đã “chóng mặt” khi các mặt hàng thiết yếu tăng giá, người dân càng thêm “nhức đầu” khi hàng ngày phải đối diện mức giá mới từ các dịch vụ nhỏ lẻ. Trên đường phố, không khó để nhìn thấy quán xá niêm yết giá mới “chèn” lên giá cũ.
 
Sau Tết, quán cơm tấm trên đường Cô Bắc (Q.1), từ ngày mở hàng đã đồng loạt tăng thêm 2.000 đồng/phần trên tất cả các món. Anh Khương, chủ tiệm cơm lý giải là do giá điện, nước và xăng tăng.
 
Khách thắc mắc: tại sao giá cơm tăng từ giữa tháng 2, còn điện nước chỉ bắt đầu tăng từ tháng 3? Anh chủ quán hồn nhiên: “Lần nào chả vậy, chỉ nghe chuẩn bị tăng giá thứ gì đó là các mặt hàng khác đều “chạy trước” rồi. Tăng trước đỡ phải tăng sau, có sao đâu” (!).
 
Đi ra từ quán cà phê trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), anh Nguyễn Văn Quyết, làm việc trong lĩnh vực bất động sản cho biết, anh vừa phải trả 97.000 đồng cho ba ly nước. Anh nói: “Trước Tết, ly sinh tố cà rốt tôi uống giá 30.000 đồng, giờ lên 36.000 đồng. Tôi hỏi nhân viên thì được biết các loại nước uống đều tăng từ 4.000 - 8.000 đồng”.
 
Theo ghi nhận, món ăn bình dân ở đường phố đều tăng lên 2.000 - 5.000 đồng so với trước. Các loại đồ uống cũng tăng lên thêm vài nghìn. Nhiều hàng giữ giá nhưng lại dùng đến chiêu… giảm số lượng.
 
Một phụ nữ bán nước sâm trên đường Nguyễn Kiệm (Gò Vấp) cho biết: “Trước Tết nước sâm 3.000 đồng/ly, giờ tôi bán 4000 đồng vì giá đá lạnh tăng từ 10.000 lên 13.000 đồng/bịch (5kg)”.
 
Rồi chị chỉ sang xe bán nước cạnh đó, vẫn còn treo biển 3.000 đồng/ly, cười: “Đừng tưởng vậy là người ta không tăng giá. Anh ta mới thay một loạt ly mới đấy, giá cũ nhưng ly nước nhỏ hơn trước nhiều. Tính ra, mua ly 4.000 đồng của tôi vẫn lợi hơn”.
 
Người tiêu dùng bức xúc: mức tăng của các dịch vụ “đường phố” quá cao so với tác động của giá xăng, giá điện làm ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của họ.
 
Mức chi tiêu của gia đình chị Hồ Thị Anh, ngụ P15, Q. Tân Bình nửa tháng nay đã tăng lên gần 500.000 đồng so với trước. Theo tính toán của chị Anh, gia đình phải chi thêm 150.000 đồng do giá điện, nước, xăng tăng - con số này vợ chồng chị có thể cáng đáng.
 
Thế nhưng chi tiêu thực tế tốn kém hơn rất nhiều. Chị liệt kê: “Hai vợ chồng ăn cơm tiệm vào buổi trưa đã tăng thêm 6.000 đồng/ngày, rồi đến ăn sáng, nước uống đều tăng. Hôm trước tôi bơm xe, cũng lên 2.000 đồng/bánh. Toàn những khoản mình không thể tránh, mỗi thứ lắt nhắt một vài nghìn thế mà mỗi ngày phải chi thêm 15.000 - 20.000 đồng nữa”.
 
Cũng như chị Anh, không chỉ các khoản lớn như điện, nước, xăng mà nhiều người dân đang “bở hơi tai” bởi những dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ tăng quá cao, bất hợp lý và không dễ tìm được điểm dừng.
 
Trước tình hình trên, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM vừa triển khai kế hoạch đối với 28 đội quản lý thị trường để đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại thị trường thành phố. Trong đó, sẽ tập trung vào các vấn đề tăng giá, niêm yết giá và bán hàng có đúng giá niêm yết hay không.
 
Bài và ảnh: Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm