1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Toàn cảnh kinh tế Crimea trước giờ sáp nhập vào Nga

(Dân trí) - Ngày 16/3, cử tri bán đảo Crimea đã nô nức đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm sáp nhập vào nước Nga. Nếu điều này thành sự thực, Nga sẽ phải chịu thêm khá nhiều gánh nặng kinh tế nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng.

Chỉ cần lướt qua một vài con số, người ta có thể hình dung ra những khó khăn mà kinh tế Crimea đang đối mặt. Nhưng nghiêm trọng nhất chính là tình trạng thiếu năng lượng và nguồn nước ngọt. Theo kênh truyền hình RT của Nga, GDP hàng năm của nước cộng hòa tự trị này chỉ vỏn vẹn 4,3 tỷ USD, bằng 1/500 quy mô kinh tế Nga.

Cho dù kết quả trưng cầu dân ý ra sao, việc cải tạo hệ thống hạ tầng và giao thông yếu kém của Crimea có thể là một cơ hội đầu tư lớn cho các công ty Nga cũng như Crimea.

Crimea có những khu nghỉ dưỡng bên Biển Đen nổi tiếng
Crimea có những khu nghỉ dưỡng bên Biển Đen nổi tiếng

Du lịch là mũi nhọn

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Tại sao doanh nghiệp vẫn chấp nhận Bitcoin bất chấp rắc rối?

* Sáp nhập SouthernBank vào Sacombank: Kịch bản tồi tệ về nợ xấu

* Bộ trưởng Thăng: Chủ tịch, Tổng giám đốc DNNN sợ cổ phần hóa vì lo mất chức

* Doanh nghiệp nhựa thua vì thiếu thương hiệu mạnh

Xương sống của kinh tế Crimea hiện tại chính là ngành du lịch, với lượng du khách thu hút đạt 6 triệu người/năm trong những tháng mùa Hè. Nhưng hiện tại 70% du khách là người Ukraine, và chỉ 25% đến từ Nga. Căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine có thể khiến du khách không còn lui tới đây, khiến doanh thu của ngành này có thể sụt giảm 30% trong năm nay.

Tuy nhiên, nếu Crimea trở thành một phần của Nga, nơi đây có thể sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người dân Nga, một thị trường rộng lớn với 142 triệu dân, có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 3 lần tại Ukraine.

Theo Cục thống kê Ukraine, mức lương bình quân của người Ukraine tính đến tháng 2/2014 là 3.184 hryvna/tháng (331 USD). Tại Crimea, lương bình quân chỉ là 2.693 hryvna (283 USD), trong khi đó tại Kiev con số này là gần gấp đôi, 4783 hryvna (503 USD).

Dầu mỏ và khí đốt

Tiềm năng lớn nhất của kinh tế Crimea hiện nằm ở khu vực phía Nam, gần các mỏ khí tự nhiên trên Biển Đen. Trữ lượng của các mỏ này được đánh gia rất lớn, trong đó hãng tin tài chính Bloomberg ước tính có thể đạt sản lượng 7 triệu tấn/năm.

Các công ty ExxonMobil của Mỹ và liên doanh Shell của Anh và Hà Lan đã từng bàn thảo với Ukraine về việc khoan thăm dò ở các vùng nước sâu ngoài khơi nước này, nhưng việc này đã gặp trở ngại bởi toàn bộ số dầu mỏ đó nằm trong vùng biển của Crimea. Thương vụ này ước tính có trị giá 1 tỷ USD.

Hiện các kế hoạch của ExxonMobil tại Biển Đen đã bị đình hoãn, phó chủ tịch cấp cao Andrew Swiger tuyên bố với các nhà đầu tư trong một cuộc họp đầu tháng 3.

Hôm thứ Năm vừa qua, giới chức Crimea đã nắm quyền kiểm soát các mỏ dầu và khí đốt tại Biển Đen và Biển Azov, chủ tịch quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov tuyên bố. Ông Konstantinov cũng khẳng định ủng hộ việc công ty Gazprom của Nga tiếp quản các mỏ dầu và khí này.

“Nga và Gazprom nên kiểm soát hoạt động sản xuất dầu và khí đốt. Chúng tôi không thấy có vấn đề gì”, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời ông Konstantinov nói.

Người dân Crimea đang mong chờ ngày gia nhập nước Nga
Người dân Crimea đang mong chờ ngày gia nhập nước Nga

Singapore bên Biển Đen?

Sergey Aksyonov, thủ tướng của Crimea và một người ủng hộ việc gia nhập Nga, hy vọng rằng việc tách khỏi Ukraine sẽ giúp nền kinh tế bán đảo này phát triển tốt hơn. Aksyonov đã lấy Singapore làm ví dụ để noi theo.

“Với tôi, Singapore là một hình mẫu. Họ từng là một thành phố với 2 triệu dân, có diện tích hơn 600 km2 nhưng với ngân sách tới 46 tỷ USD. Ngày nay, Crimea có diện tích 26.000 km2, 2 triệu dân còn ngân sách chỉ 500 triệu USD. Theo tôi, chúng ta có thể đạt được điều đó, có thể giải quyết một cách độc lập rất nhiều vấn đề một cách rất nhanh chóng, đạt được mức tăng ngân sách gấp 3-4 lần”, Aksyonov tuyên bố trên kênh NTV hôm 9/3.

Singapore từng trực thuộc Malaysia với đại đa số người dân gốc Hoa sinh sống. Vùng này tuyên bố giành độc lập từ Anh năm 1963, và sau một thời gian ngắn thống nhất vào Malaysia, họ đã tuyên bố là quốc gia độc lập năm 1965. Đến nay đây là một trung tâm thương mại và kinh tế phát triển, trung tâm tài chính thế giới. Trước đó, nơi đây từng chỉ nổi tiếng là căn cứ hải quân lớn nhất của Anh ở Nam Á.

Crimea có thể không đi theo con đường thành công như vậy, nhưng một một lựa chọn để thúc đẩy tăng trưởng đó là biến Crimea thành một đặc khu kinh tế - với các quy định về thuế và tài chính được nới lỏng – giúp thúc đẩy tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài. Năm 2005, Nga từng thông qua luật cho phép thành lập các đặc khu kinh tế, và từng muốn thiết lập một khu vực như vậy tại vùng Viễn Đông, nhưng đến nay chưa có đặc khu nào ra đời.

Thanh Tùng
Theo RT

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm