Tổ chức tài chính quy mô nhỏ phải thực hiện phân loại nợ

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành quy định, tổ chức tải chính quy mô nhỏ (TCQMN) hoạt động tại Việt Nam phải thực hiện việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay trong hoạt động của mình.

Theo Thông tư số 15/2010/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 16/6, ít nhất mỗi quý một lần, trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng đầu quý tiếp theo, tổ chức TCQMN thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đến thời điểm cuối ngày làm việc cuối cùng của quý trước.
 
Riêng đối với Quý IV, trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, tổ chức TCQMN thực hiện việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đến thời điểm cuối ngày 30 tháng 11.
 
Đối với các khoản cho vay bằng nguồn vốn tài trợ, ủy thác của Bên thứ ba mà Bên thứ ba cam kết chịu toàn bộ trách nhiệm xử lý rủi ro khi xảy ra rủi ro thì tổ chức TCQMN không phải trích lập dự phòng rủi ro nhưng phải phân loại nợ theo quy định.
 
Về phân loại nợ và trích lập dự phòng, thông tư quy định cụ thể về 5 nhóm nợ (gồm nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ mất vốn và nợ có khả năng mất vốn) và tỷ lệ trích lập dự phòng tương ứng với mỗi nhóm; qua đó tổ chức TCQMN tính số tiền dự phòng cụ thể đối với từng khoản nợ dựa trên công thức đã được quy định tại thông tư. Các tổ chức TCQMN được yêu cầu phải trích lập và duy trì dự phòng chung bằng 0,5% dư nợ gốc của toàn bộ các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4 theo quy định.
 
Ngoài ra, thông tư còn quy định cụ thể về sử dụng dự phòng; thành lập và nhiệm vụ của Hội đồng xử lý rủi ro; hồ sơ để làm căn cứ cho việc xử lý rủi ro cho vay; hạch toán và báo cáo việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho vay; nhiệm vụ kiểm tra của NHNN (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), cũng như các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính.
 
An Hạ