Tỉnh Vĩnh Phúc "than" bỏ thuế nhập xe, lượng ô tô lắp ráp giảm 20%
(Dân trí) - Chia sẻ tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 được Chính phủ tổ chức sáng 30/3 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Do thuế xe nguyên chiếc nhập khẩu giảm từ 30% năm 2017 xuống 0% năm 2018, lượng xe lắp ráp của doanh nghiệp ô tô tại tỉnh Vĩnh Phúc giảm 20%.
Ông Trì khẳng định: Tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Phúc năm 2017 đạt 7,68% nhưng lượng xe ô tô lắp ráp tại tỉnh này năm 2017 chỉ bằng 79% tổng lượng xe sản xuất, lắp ráp trong năm 2016, mức giảm 20% so với năm trước.
Trước đó, năm 2017 tỉnh Vĩnh Phúc nhiều lần kêu cứu vì số thu ngân sách tỉnh này giảm do lượng xe nhập khẩu tăng ồ ạt về Việt Nam từ Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hết 8 tháng năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc đã hụt thu ngân sách gần 7.000 tỷ đồng vì sản lượng xe sản xuất, lắp ráp suy giảm do xe nhập đổ bộ ồ ạt.
Hiện ở Vĩnh Phúc có mặt nhà máy sản xuất, lắp ráp xe hơi của liên doanh Toyota, các mẫu xe dưới 9 chỗ được sản xuất tại đây là: Vios, Innova, một số dòng xe khác như Camry, Altis...
Từ năm 2016 trở về trước, thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam là 40%, từ tháng 1/2017, mức thuế suất giảm theo lộ trình xuống 30% và bắt đầu từ tháng 1/2018, mức thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN (chủ yếu là Thái Lan, Indonesia) là 0%.
Điều kiện để xe nguyên chiếc được bỏ thuế là đạt tỷ lệ nội địa hóa ở nước xuất khẩu tối thiểu 40%.
Với quy định nội địa hóa 40%, những nền kinh tế có trình độ lắp ráp, sản xuất xe ô tô lớn, đi trước Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, thậm chí Malaysia hoàn toàn đạt được.
Minh chứng là từ khi thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 40% xuống còn 30%, lượng xe nguyên chiếc nhập từ Thái Lan và Indonesia đã tăng vọt, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lượng xe nhập về Việt Nam.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng lượng xe hơi nhập từ Indonesia và Thái Lan năm 2017 đạt 54.000 chiếc, chiếm hơn 56% lượng xe nguyên chiếc nhập về Việt Nam. Riêng với xe con, xe nguyên chiếc nhập về từ Thái Lan, Indonesia chiếm hơn 80% xe con nhập về.
Nguyễn Tuyền