1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tỉnh nghèo Hà Giang lại xin xây trung tâm hành chính mới hơn 692 tỷ đồng

(Dân trí) - Tỉnh Hà Giang vừa có đề xuất Chính phủ cho phép xây dựng trụ sở mới của tỉnh này với tổng mức đầu tư hơn 692 tỷ đồng qua hình thức xây dựng, chuyển giao và cho thuê dịch vụ (BTL).

Lý do được lãnh đạo tỉnh này đưa ra là do các cơ quan hành chính cũ tỉnh này đều được đầu tư từ năm 1990 - 1991 và nằm rải rác trên các phường Nguyễn Trãi, Minh Khai, Trần Phú (TP. Hà Giang) với tổng diện tích hơn 30 ha lại xen lẫn với các trường học, khu dân cư, bệnh viện, sử dụng đất đô thị lãng phí.

Trụ sở UBND tỉnh Hà Giang
Trụ sở UBND tỉnh Hà Giang

Trải qua hơn 25 năm sử dụng, các công trình đã dần xuống cấp, cần nguồn vốn rất lớn để sửa chữa và cải tạo. Hơn nữa, do nằm cách xa nhau nên không tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc vừa sử dụng quỹ đất không hiệu quả.

Với lý do trên, tỉnh này xin Thủ tướng cho phép để tiếp tục triển khai các thủ tục đầu tư và khởi công dự án Hợp khối trụ sở các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang theo hình thức đầu tư hợp tác công tư, hợp đồng BTL và Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh một phần kinh phí (trước đó theo Quyết định số 12 của Thủ tướng, các địa phương phải dừng chủ trương đầu tư xây dựng các Trung tâm hành chính mới để thẩm tra, đánh giá và rút kinh nghiệm).

Theo báo cáo của tỉnh Hà Giang, Dự án xây Trung tâm hành chính tập trung có tổng vốn đầu tư hơn 692,9 tỷ đồng, trong đó lãi vay của tỉnh vào khoảng 127 tỷ đồng. Dự án được thiết kế gồm 2 tòa nhà, mỗi toà 12 tầng.

Do là hình thức đầu tư xây dựng, chuyển giao và cho thuê dịch vụ nên tỉnh Hà Giang khẳng định thời gian trả cả gốc lẫn lãi của dự án là 11 năm. Thời gian doanh thu, thu hồi vốn và đảm bảo chỉ tiêu kinh tế khoảng 9 năm.

Theo tường trình của tỉnh Hà Giang, nguồn vốn đầu tư được thu xếp là nguồn vốn xây dựng cơ bản hàng năm của tỉnh: 25 tỷ đồng/năm trong 11 năm (ước vào khoảng 275 tỷ đồng); nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ở các trụ sở cũ và nguồn kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị.

Trước đây, tỉnh Bình Dương đi đầu cả nước về việc xây dựng trung tâm hành chính mới của tỉnh này ở thành phố mới Bình Dương. Tiếp sau là Đà Nẵng cũng xây dựng trung tâm hành chính mới. Sau khi hai địa phương xây dựng trụ sở mới tập trung, hàng loạt các địa phương xin xây trụ sở trung tâm hành chính tập trung theo các cơ chế khác nhau như đổi đất lấy hạ tầng (BT), bán đấu giá trụ sở cũ để đầu tư trụ sở mới…

Tuy nhiên, phong trào này sau đó bị chỉ trích nảy sinh nhiều quan ngại về việc sử dụng vốn đầu tư công, chi thường xuyên dành cho trụ sở mới trong khi nhiều tỉnh không nhất thiết có trụ sở tập trung vì nhu cầu không nhiều; bên cạnh đó, nảy sinh tình trạng các tỉnh bán các trụ sở cũ không được kiểm soát khiến đất vàng bị bán rẻ cho các “sân trước sân sau” của lãnh đạo địa phương.

Chính vì vậy, vào tháng 11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tạm dừng việc đầu tư xây dựng các Khu trung tâm hành chính tập trung tại các địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu dừng toàn bộ, đánh giá kỹ và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung. Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng, phối hợp với các Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư xây dựng các trụ sở mới này.

Được biết, hiện Hà Giang vẫn được coi là địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 74.313 hộ nghèo, chiếm 43,65%, năm 2016 có 7.016 hộ thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 38,75% số hộ nghèo…Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015 - 2020), đến năm 2020, Hà Giang mới thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Nguyễn Tuyền

Tỉnh nghèo Hà Giang lại xin xây trung tâm hành chính mới hơn 692 tỷ đồng - 2