Chủ tịch Bình Định:

Tỉnh luôn trải thảm mời đầu tư song nhiều cụm công nghiệp lại "xà quần"

Doãn Công

(Dân trí) - Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, tỉnh luôn trải thảm mời gọi đầu tư song nhiều cụm công nghiệp miệng nói đồng ý nhưng sau đó "xà quần" khiến doanh nghiệp bỏ đi. Thời gian tới, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi.

Ngày 11/1, UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị giao chỉ tiêu đầu tư, phát triển năm 2024 đối với khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo phương án phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2030, tỉnh sẽ triển khai quy hoạch 10-15 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 7.500ha và 68 CCN với diện tích gần 3.500ha.

Mục tiêu phát triển là trong quý I/2024, KCN Hòa Hội phải hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1. Đến năm 2025, KCN Becamex đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đảm bảo điều kiện thu hút đầu tư 30-40% diện tích KCN; KCN Hòa Hội triển khai đầu tư giai đoạn 2.

Binh-dinh_quyet-thu-hoi-cum-cong-nghiep-lam-kho-doanh-nghiep_doan-cong 1.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết sẽ kiên quyết thu hồi cụm công nghiệp nếu làm khó doanh nghiệp (Ảnh: Doãn Công).

Đối với các CCN, tập trung đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, ít nhất mỗi địa phương 20-30 ha/năm. Tỉnh ưu tiên bố trí hơn 335ha đất phục vụ cho các dự án chủ chốt.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ mở rộng vài KCN ở phía bắc tỉnh như thị xã Hoài Nhơn, huyện Phù Mỹ phải có KCN thì mới phát triển được.

Theo chỉ đạo của tỉnh, tất cả doanh nghiệp cơ bản không làm ngoài, phải đưa hết vào CCN. Tuy nhiên, ông Tuấn khẳng định chỉ có làm bài bản, nghiêm túc thì mới tồn tại được.

"Nếu làm không nghiêm túc, khi thanh, kiểm tra xảy ra sai phạm thì rất nguy hiểm. Khi đó các dự án bị thu hồi, doanh nghiệp sẽ rất thiệt thòi nên chính quyền và doanh nghiệp phải cùng làm", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, tỷ lệ lấp đầy tại các khu, CCN, đặc biệt một số CCN quá chậm, thậm chí nhận xong rồi không làm. Việc thu hút đầu tư cũng chưa được quan tâm, dẫn đến lãng phí về đất đai.

"Hạ tầng làm chậm, giải phóng mặt bằng có nơi không làm, thậm chí có doanh nghiệp "xí đất" xong để đấy rồi ai có nhu cầu thì sang nhượng lại để kiếm tiền chênh lệch, việc này nghiêm cấm", ông Tuấn thẳng thắn nói.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường trong KCN, CCN nhiều nơi chưa làm triệt để, trong đó nhiều CCN đẩy giá lên quá cao khiến doanh nghiệp không mặn mà.

Theo chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, vừa rồi, có trường hợp chủ đầu tư bỏ, không đầu tư do một vài CCN "xà quần", làm khó doanh nghiệp. Thời gian tới, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi những trường hợp này và việc quản lý trong các khu, CCN sau khi có doanh nghiệp vào đang có rất nhiều vấn đề.

Ông Tuấn cho rằng, những vấn đề trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đang vi phạm các quy định về quản lý tại các  khu, CCN và nếu vi phạm thì UBND sẽ bị kỷ luật.

Thời gian tới, tỉnh yêu cầu các khu, CCN phải xây dựng quy chế quản lý, phổ biến cho các doanh nghiệp, từng bước xử lý các bất cập còn tồn tại. Các sở, ngành liên quan và các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

"Tỉnh luôn trân trọng và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp làm đúng pháp luật, nghiêm túc, trách nhiệm và có tinh thần xây dựng tỉnh. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ và không hợp tác với doanh nghiệp vi phạm", ông Phạm Anh Tuấn khẳng định.

Nhân hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn kêu gọi các doanh nghiệp giúp địa phương xây dựng CNC ở huyện miền núi An Lão và huyện Hoài Ân, bởi đây là 2 địa phương chưa có cụm công nghiệp và không có nhà máy, xí nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm