Tính hai mặt của giải cứu nông sản và những hệ lụy với xuất khẩu

(Dân trí) - Các cuộc giải cứu nông sản mang lại rất nhiều ý nghĩa tích cực, thể hiện sự đoàn kết dân tộc, tinh thần tương thân tương ái của người dân Việt Nam. Nhưng nó cũng gây ra những hệ lụy đối với xuất khẩu.

Tại các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như Hải Dương, Quảng Ninh, nông sản ùn ứ khiến thu nhập của người nông dân bị ảnh hưởng nặng nề. Lúc này, các cuộc giải cứu nông sản như cơn mưa rào giữa trời nắng hạn. Người nông dân vui mừng vì gỡ lại được chút vốn, may mắn hơn thì có chút lãi để vượt qua thời khoảng thời gian phong tỏa đầy khó khăn. 

Song, đối với một số nông sản có sản lượng xuất khẩu lên tới 80%, thì những cuộc giải cứu lại không phải điều tốt, nhất là với cà rốt. 

Tính hai mặt của giải cứu nông sản và những hệ lụy với xuất khẩu - 1

Nông sản xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao.

Huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) được biết đến là vùng trồng cà rốt lớn nhất nhì cả nước. Năm nay, cà rốt không chỉ được mùa mà còn được cả giá. Vì thế, trước khi có dịch, người nông dân rất hồ hởi bán cho các thương lái, doanh nghiệp với giá 7.000 - 7.5000 đồng/kg. Trong khi năm trước, giá cà rốt chỉ dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Giá tăng cao như vậy theo ông Nguyễn Tiến Chức, Bí thư xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng, Hải Dương) là bởi, doanh nghiệp đã có thể thu mua trực tiếp của người nông dân mà không phải qua trung gian. Trước khi có dịch, cà rốt đã được thu mua 70 - 80%, nên dù có ảnh hưởng của dịch thì nông dân trồng cà rốt cũng không quá khó khăn.

"Người trồng cà rốt giữ lại 20 - 30% sản lượng cà rốt không bán, nên đợt dịch này, cà rốt giải cứu cũng không quá lớn", ông Chức nói và cho biết thêm, người trồng cà rốt không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng các doanh nghiệp, thương lái thu mua để xuất khẩu lại thiệt hại nặng nề.

Tính hai mặt của giải cứu nông sản và những hệ lụy với xuất khẩu - 2

Giá cà rốt năm nay cao, vì không phải qua trung gian.

Theo chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà rốt đi Hàn Quốc trên địa bàn huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), cà rốt thu mua của người dân trước khi dịch bùng phát khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg. Nhưng dư âm của các cuộc giải cứu đang khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài, các trung gian môi giới nắm được thông tin.

"Họ cho rằng, với giá giải cứu đó người nông dân cũng đã bán được, nên ép giá các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản buộc phải hạ xuống dưới giá 4.000 đồng/kg, gây thiệt hại không nhỏ", chủ doanh nghiệp này cho hay.

Bị ép giá, các doanh nghiệp thu mua trong nước lại phải ép ngược giá với người nông dân. Theo đó, trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp thu mua mỗi sào cà rốt với giá 13 - 15 triệu đồng. Nhưng hiện tại, giá cà rốt chỉ còn 6 - 8 triệu đồng/sào.

Chính người nông dân phải chịu ảnh hưởng nặng nhất của dư âm giải cứu nông sản. Vì theo chủ doanh nghiệp này, giá thành hàng xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao hơn, lợi ích của người nông dân trồng cà rốt tại Cẩm Giàng bây giờ phụ thuộc nhiều vào bán hàng xuất khẩu, chứ không phải tiêu thụ trong nước. 

"Nhưng nghiêm trọng hơn, nghe báo đài nói nhiều về hàng nông sản giá quá rẻ, người dân bỏ lại ngoài đồng thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có thể ép giá trong các mùa vụ tiếp theo", chủ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói.

Tính hai mặt của giải cứu nông sản và những hệ lụy với xuất khẩu - 3

Giải cứu cà rốt cũng phần nào khiến giá cà rốt xuất khẩu bị ép.

Hàng hóa ách tắc còn tạo ra một hệ lụy không tốt với việc xuất khẩu nông sản Việt Nam. Bởi theo ông Nguyễn Đức Đoàn - Giám đốc công ty chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương - với những doanh nghiệp tiêu thụ mỗi năm gần 10.000 tấn cà rốt tại Cẩm Giàng như của ông, nếu không thể cung cấp cho các đối tác nước ngoài thì họ sẽ tìm kiếm thị trường mới, không phải Việt Nam.

"Không khắc phục được tình trạng này thì đối tác sẽ không ký 100% sản lượng với các doanh nghiệp Việt. Họ chuyển hướng sang thị trường khác là điều bất lợi không chỉ riêng cho doanh nghiệp tôi, mà còn nhiều doanh nghiệp Việt khác", ông Đoàn nói.

Tính hai mặt của giải cứu nông sản và những hệ lụy với xuất khẩu - 4

Các doanh nghiệp, thương lái thu mua cà rốt xuất khẩu mới đang phải chịu thiệt hại lớn nhất.

Ngoài những thiệt hại nặng nề về giá, năm nay ông Đoàn còn phải chịu chi phí logistic tăng gấp đôi vì vận chuyển khó khăn. Chưa kể tới việc, vỏ container đang vô cùng khan hiếm do bị các nước lớn "găm" hàng.

Phải nhờ tới sự hỗ trợ rất lớn về tinh thần và cách hoạt động từ các sở ban ngành của Hải Dương, ông Đoàn mới có thể đưa được hàng đi Hàn Quốc thời điểm này. Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại ở đó, bởi người nông dân phải hạn chế ra đồng thu hoạch khiến doanh nghiệp chưa đủ hàng. Công nhân đóng gói, cùng với nguyên phụ liệu thiếu hụt trầm trọng khiến doanh nghiệp của ông Đoàn chịu vô vàn áp lực.

Dịch bệnh mặc dù đã được kiểm soát, nhưng để tránh những hệ lụy xấu với nền kinh tế, cần có chính sách hợp lý để duy trì và giúp đỡ các thành phần trong xã hội cùng vượt qua khó khăn.