Tin xấu đổ đầu, đại gia kín tiếng mất đứt 300 triệu USD

Hàng loạt tin xấu dồn dập đến với doanh nhân có tốc độ giàu nhanh thuộc hàng nhất nhì tại Việt Nam. Họa vô đơn chí, đại gia này đã mất hàng trăm triệu USD và giấc mơ trở thành tỷ phú USD trở nên xa vời.

CTCP Vicostone (VCS) của ông Hồ Xuân Năng vừa công bố thông tin về quyết định số 1655/QĐ-TCT của Tổng cục thuế ký ngày 10/10/2018 về việc xử lý vi phạm về thuế. Theo đó, Vicostone bị truy thu và phạt số tiền tổng cộng gần 4,6 tỷ đồng.

Đây là một sự kiện không mong muốn tiếp theo trong chuỗi ngày đen tối của doanh nghiệp của ông trùm sản xuất đá xây dựng Việt Nam.

Trước đó, ông Hồ Xuân Năng đã tung tiền để mua vào 1,6 triệu cổ phiếu VCS để đỡ giá nhưng cổ phiếu này vẫn không ngừng giảm. Thông tin doanh nghiệp bị truy thu thuế và phạt tiền cùng với áp lực bán trên thị trường chung khiến cổ phiếu này giảm 3,6% xuống 79.800 đồng/cp - vùng thấp lịch sử.


Doanh nghiệp ông Hồ Xuân Năng dính vận đen đủi.

Doanh nghiệp ông Hồ Xuân Năng dính vận đen đủi.

Quý 3 vừa qua, Vicostone đã gây thất vọng tràn trề với lợi nhuận chỉ tương đương cùng kỳ năm ngoái, thay vì tăng trưởng ngoạn mục hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm mỗi năm trong các năm trước đó.

Trong đại hội cổ đông đầu năm nay, ông Hồ Xuân Năng cũng đã bật mí một sự thật khá phũ phàng, rằng Vicostone đã hết hạn hợp đồng độc quyền với Breton, một bản hợp đồng độc quyền giúp ông Hồ Xuân Năng có vị thế như ngày hôm nay và thành công trong vụ thâu tóm ngược, hất cẳng cổ đông ngoại vốn gây áp lực trong doanh nghiệp trong một thời gian dài.

Công ty riêng của ông Hồ Xuân Năng Phenikaa khi đó đã thâu tóm Vicostone nhờ việc Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 6 năm với hãng Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh. Việc Phenikaa ký kết hợp đồng độc quyền với Breton, đồng nghĩa với việc Vicostone sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ Breton.

Hiện tại Phenikaa vẫn đang sở hữu 80% cổ phần VCS. Ông Hồ Xuân Năng nắm giữ 3,55%.

Theo ông Hồ Xuân Năng, thực chất, hợp đồng độc quyền với Breton đã hết hạn từ tháng 7/2017 nhưng ông Năng khẳng định đây không phải là vấn đề lớn.

Sự đi xuống của Vicostone còn được cho là do áp lực cạnh tranh từ các đối thủ sử dụng công nghệ Trung Quốc. Tại ĐHCĐ, ông Năng cho biết, đã có 5-6 công ty mua công nghệ Trung Quốc về sản xuất đá tại Việt Nam nhưng với VCS hầu như không bị ảnh hưởng.

Còn nếu có doanh nghiệp mua lại công nghệ Breton thì việc có thêm đối thủ cũng là điều tốt để công ty nâng cao chất lượng sản phẩm. Hơn thế, để có thể vận hành công nghệ và trở thành đối thủ của VCS thì còn cần rất nhiều thời gian.


Ông Hồ Xuân Năng.

Ông Hồ Xuân Năng.

Trên thực tế, cổ phiếu Vicostone chịu áp lực bán rất mạnh trong nhiều tháng qua. Kể từ tháng 4 tới nay, cổ phiếu này đã giảm từ đỉnh 140.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) xuống còn 79.000 đồng/cp như hiện tại, tương đương mức giảm gần 44%.

Chủ tịch HĐQT Vicostone Hồ Xuân Năng trực tiếp và gián tiếp sở hữu khoảng 134 triệu cổ phiếu VCS. Do vậy, ở vào thời điểm đỉnh cao, đại gia này có khối tài sản quy ra từ cổ phiếu VCS trị giá khoảng 17 ngàn tỷ đồng (khoảng 740 triệu USD).

Năm 2017 và đầu 2018, ông Hồ Xuân Năng được xem là doanh nhân có tốc độ giàu có nhất nhì trên TTCK Việt Nam. Trong năm 2017, cổ phiếu VCS đã tăng 2,5 lần. Ông chủ của một doanh nghiệp “con cháu” của Tổng công ty CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG) bất ngờ vượt qua rất nhiều doanh nhân và trở thành người giầu thứ 5 trên TTCK, với túi tiền 600-700 triệu USD.

Cổ phiếu VCS ghi nhận đỉnh cao 140.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) vào đầu tháng 4/2018, khi chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán (TTCK) ở đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Hồ Xuân Năng là một trong những ứng cử viên có thể trở thành tỷ phú USD tiếp theo tại Việt Nam, sau những tỷ phú USD đã được ghi nhận như: Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Trần Đình Long, Trần Bá Dương, Nguyễn Đăng Quang.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, áp lực bán ra vẫn rất mạnh. Hàng loạt các cổ phiếu blue-chips như Vingroup, Vinhomes, Petrolimex, VietJet, Thế Giới Di Dộng, Hòa Phát, Bảo Việt,... đều giảm giá.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí cũng giảm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) thận trọng trong các dự báo.

SHS cho rằng, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm để kiểm định lại lực cầu trong vùng hỗ trợ 930-940 điểm. Nhà đầu tư nên quan sát diễn biến của thị trường trong phiên tiếp theo, nhất là phản ứng với vùng hỗ trợ 930-940 điểm, cân nhắc giảm tỷ trọng nếu vùng này bị xuyên thủng.

Rồng Việt khuyến nghị, với tâm lý lo ngại lượng hàng “khủng” về tài khoản vào ngày 16/10 có lẽ là nguyên nhân chính khiến bên mua tỏ ra hết sức “rụt rè” và thị trường dễ dàng bị nhấn chìm. Trong thời điểm này, nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ tiền mặt và hạn chế giải ngân mới.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/10, VN-Index giảm 18,44 điểm xuống 951,64 điểm; HNX-Index giảm 2,08 điểm xuống 107,67 điểm. Upcom-Index giảm 0,34 điểm xuống 52,41 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 4,0 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà
VietnamNet

Tin xấu đổ đầu, đại gia kín tiếng mất đứt 300 triệu USD - 3