Tin vào sếp lớn, đại gia tan túi tiền

Rất nhiều nhà đầu tư lọc lõi trên sàn chứng khoán đã thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản vì không may mắn đặt niềm tin vào lãnh đạo doanh nghiệp luôn tìm cách đẩy rủi ro về phía cổ đông.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Thua lỗ nặng nề

Trong 2 tuần qua, ông Nguyễn Anh Dũng, một nhà đầu tư ở Hải Phòng phát sầu vì không thể thoát ra khỏi một cái bẫy trên thị trường chứng khoán (TTCK), đành đứng nhìn số tiền hàng trăm triệu đồng của mình mỗi ngày bốc hơi thêm 5-7%.

Hồi đầu tháng 2, ông Dũng quyết định mua cổ phiếu KSS của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico sau khi cổ phiếu rớt về mức hơn 4.000 đồng/cp, thấp nhất năm.

Quyết định mua KSS là do DN này chưa bao giờ thua lỗ, hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản khá hấp dẫn, có giá thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách (còn gần 9.570 đồng/cp) và giao dịch sôi động. Không có thông tin gì nghiêm trọng đối với DN này được công bố.

Cổ phiếu mất giá
liên tục, hàng tỷ đồng của nhà đầu tư tan tành.
Cổ phiếu mất giá liên tục, hàng tỷ đồng của nhà đầu tư tan tành.

Cho đến khi cổ phiếu này rớt về 3.500 đồng/cp, NĐT này đã mua vào tổng cộng hơn 200.000 cổ phiếu KSS với kỳ vọng, giá cổ phiếu sẽ hồi phục trở lại khi thị trường khoáng sản khởi sắc hơn. Tuy nhiên, tất cả hy vọng đã biến mất sau khi chủ tịch HĐQT và kế toán trưởng KSS bất ngờ bị khởi tố và KSS bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

Trong 2 tuần qua, KSS giảm 10 phiên sàn liên tiếp, từ 3.200 đồng hôm 5/6 xuống còn 2.000 đồng/cp cuối ngày 19/6. Và điều đáng sợ nhất là lệnh bán chồng chất cả chục triệu cổ phiếu trong khi có rất ít người mua, giá trị giao dịch thành công mỗi ngày chỉ vài chục triệu đồng.

Đau hơn, ngay trước thời điểm bị bắt, ông Nguyễn Văn Dĩnh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KSS đã kịp bán chui hết toàn bộ gần 1,94 triệu cổ phiếu của cá nhân, thu về khoảng trên 6 tỷ đồng. Trước đó năm 2012, ông Dĩnh cũng từng bị phạt 50 triệu đồng do mua bán cổ phiếu không công bố thông tin.

Trong vài ngày qua, nhiều NĐT cũng rối bời không biết chuyện gì đang xảy ra với cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật. Cổ phiếu này đã giảm sàn trong 8 phiên vừa qua, mất gần 40%. Nhiều người đặt câu hỏi không biết chủ tịch HĐQT JVC Lê Văn Hướng liệu đã bán cổ phiếu JVC như trong trường hợp KSS hay không?

Cái lạ mà nhiều người không hiểu được là dù JVC giảm giá 30-40% nhưng DN dường như vẫn rất bình thản. Phản ứng chậm chạp và sự im lặng của các lãnh đạo đang nắm giữ một lượng không nhỏ JVC khiến các NĐT đặt câu hỏi giá cổ phiếu lao dốc như vậy ai sẽ là người hưởng lợi.

JVC được biết đến là một cổ phiếu tốt và đang vào nhịp tăng trưởng. Nhưng giờ đây, có lẽ đó là thảm họa đối với nhiều NĐT.

Cổ đông mất tiền, ai hưởng lợi?

Trước đó, không ít NĐT cũng đã hoa mắt với rất nhiều cổ phiếu giảm giá bất thường. Cổ phiêu OGC của Tập đoàn Đại Dương đã giảm một mạch từ 14.000 đồng xuống còn khoảng 2.500 đồng/cp sau khi ông Hà Văn Thắm, chủ tịch HĐQT tập đoàn này bị bắt.

Cổ phiếu OGC bất ngờ quay đầu tăng trần trong 4 phiên gần đây với dư mua lên tới hàng chục triệu đơn vị trước sự ngỡ ngàng của các NĐT. Cổ phiếu này hiện vẫn liên tục bị nhắc nhở (do chậm công bố báo cáo tài chính 2014) và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư Tổng hợp Hà Nội từ đầu tháng 5 tới nay cũng gây bất ngờ sau khi tăng một mạch từ dưới 5.000 đồng/cp lên trên 22.000 đồng/cp. Trước đó, cổ phiếu này là sao khắc tinh với không ít NĐT, giảm một mạch từ 40.000 đồng/cp hồi cuối 2010 về dưới 1.000 đồng/cp trong năm 2012 và 2013.

Sếp lớn thu tiền
bỏ chạy, nhà đầu tư chịu trận.

Sếp lớn thu tiền bỏ chạy, nhà đầu tư chịu trận.

Trước đó, giới đầu tư cũng thể quên bài học PVA. Trong khoảng thời gian một năm, từ quý III/2009 tới quý II/2010, cổ phiếu này đã tăng giá 20 lần. Cổ phiếu tăng cũng là lúc các thành viên HĐQT bán ra, cổ đông lớn cũng ồ ạt bán cổ phiếu. Các kế hoạch tăng vốn, những dự án hoành tráng và các roadshow và báo cáo đẹp như mơ của các CTCK đã khiến rất nhiều các NĐT nhỏ lẻ dính bẫy.

Với JVC, trong 2 tuần gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy, các cổ đông tổ chức nước ngoài đang bỏ chạy khỏi DN này. Họ bán ròng 2,6 triệu cổ phiếu JVC. Nhóm cổ đông nước ngoài Amersham Industries Limited, Balestrand Limited và DC Developing Markets Strategies Public Limited Company đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 8,83%.

Tuy nhiên, câu trả lời cho câu hỏi tại sao cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm mạnh như vậy vẫn không có. Thông tin đến từ DN mất gần nửa giá trị vốn hóa này vẫn không được công bố cho các NĐT. Nhiều người lo ngại cổ phiếu JVC có thể sẽ sẽ lặp lại hiện tượng của SHN và OGC.

Không được may mắn hay hy vọng cổ phiếu tăng trở lại, nhiều cổ đông còn rơi rớt lại tại CTCP Alphanam (ALP) gần như mù thông tin về DN này sau khi Alphanam hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. DN này trước đó đã liên tục báo lỗ 10 quý liên tiếp do chiến lược M&A vì mục đích dài hạn. Cổ phiếu rớt về 3.400 đồng/cp trước khi hủy niêm yết..

Trong vài năm qua, rất nhiều cổ phiếu đã giảm giá kinh hoàng, khiến không ít NĐT tán gia bại sản. Nhiều cổ phiếu thua lỗ liên tục và bị hủy niêm yết bắt buộc như: AVF, HLA, PVA, VSP, STL, THV, DDM, PFL, DVD…

Việc thải loại các cổ phiếu như vậy là theo tinh thần tái cấu trúc TTCK. Theo đó, TTCK sẽ là sân chơi của các DN tốt, của các NĐT chuyên. Các cổ phiếu lởm, DN làm ăn chộp giật sẽ bị loại ra khỏi sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, để tới được cái đích như vậy, không ít NĐT nhỏ lẻ, thậm chí các tổ chức làm ăn đầu tư chân chính đã chịu hậu quả thua lỗ nặng nề, thậm chí tán gia bại sản. Không ít người là nạn nhân của sự thiếu minh bạch của các DN, CTCK.

 Theo M. Hà
VEF

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”