Tin gì ở báo cáo của tổ chức nước ngoài?

Gần đây, Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) đưa ra nhận định, TTCK Việt Nam sụt giảm vì 5 lý do và một trong các lý do là chỉ số P/E cao hơn 30 lần. Đây không phải là tiêu chuẩn quan trọng trong đầu tư để kiếm nhiều lợi nhuận.

Theo kinh nghiệm tôi biết, TTCK sụt giảm không phải là do P/E cao mà do yếu tố tâm lý của nhà đầu tư chiếm tới 95%. Nhớ lại TTCK Mỹ rớt mạnh vào năm 1987 là do nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi cơ quan truyền thông đã khuyếch đại về tỷ lệ thiếu nợ của Mỹ qua việc nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, tác động tới tâm lý bán cổ phiếu của nhà đầu tư và chỉ số rớt hơn 20% trong một ngày.

Năm 2001, TTCK Mỹ lại chao đảo vì vụ khủng bố 11/9 làm cho các cổ đông lo sợ bán ra. Và bây giờ, tôi xin phản biện 3 nhận định chính của HSBC như sau:

P/E lớn: hệ số P/E chỉ là sự tương quan giữa giá trị thị trường với tiền lời của cổ phiếu trong một năm. Tỷ lệ P/E càng nhỏ có nghĩa là mức an toàn cao, mà an toàn cao thì lợi nhuận sẽ không nhiều.

Nói về sự tương quan này cũng có sự bất cập vì P nói lên giá mua bán hàng ngày của cổ phiếu, trong khi E là lợi nhuận thuần của cổ phiếu trong một năm vừa qua. Lấy tỷ lệ của giá hiện tại đi so với tiền lời của cổ phiếu trong một năm quá khứ, điều này không nói lên tiềm năng của công ty trong hiện tại và tương lai.

Mua cổ phiếu là mua tương lai và họ sẽ mua giá hiện tại cao để kỳ vọng là trong tương lai, giá cổ phiếu sẽ lên. Nói về cổ phiếu tốt, cổ phiếu triển vọng thì giá thị trường luôn phải tăng trước khi tiền lời gia tăng. Vì lẽ đó, hệ số P/E của các công ty tốt sẽ cao.

Điều mâu thuẫn dễ nhận thấy là P/E bằng 30 lần bị kêu là quá cao, nhưng rất nhiều cổ phiếu có P/E dưới 16 lần trên TTCK Việt Nam nhà đầu tư nước ngoài đã không chọn mua (trên 30% cổ phiếu trên sàn có hệ số P/E nhỏ dưới 15,5 lần).

Trong khi đó, họ lại mua cổ phiếu các công ty có P/E cao như PVD (có lúc P/E tới 250 lần); FPT (có lúc cao tới 45 lần), STB (có lúc cao hơn 100 lần)…

Như tôi đã đề cập, hệ số P/E của cổ phiếu các nước có các chuẩn khác nhau, tùy theo lãi suất ngân hàng, nếu lãi suất càng cao thì tỷ lệ P/E càng nhỏ, hoặc ngược lại.

Xin lấy một số công ty ở nước ngoài để độc giả tiện tham khảo như: SOFTbank  (Nhật Bản) có P/E = 102; Infosys (Ấn Độ) có P/E = 28,6; APPTech có P/E = 54,44; Computers - Soflware (Ấn Độ) có P/E = 37,22…

Đây là các công ty mạnh, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư nhiều, giá cổ phiếu vẫn lên, có ai nói gì đâu! Trong khi cổ phiếu của Việt Nam được coi là tốt trong khu vực, chỉ đứng sau Trung Quốc, thì lại bị "chê lên, chê xuống".

Tôi có cảm tưởng như nhà đầu tư nước ngoài thực hiện chiến lược "chê trước, mua sau". Người Việt Nam có thói quen  tin tưởng nhà đầu tư nước ngoài, do đó họ đã đánh vào tâm lý nhà đầu tư trong nước để cho VN-Index rớt xuống 900 và dưới 900 điểm.

VN-Index 900 điểm: vẫn là kết luận của HSBC. Họ đưa ra một con số mà không có một chứng minh nào. Nếu họ tin là chỉ số này không lên được thì họ đang giữ cổ phiếu và mua cổ phiếu dài hạn làm gì?

Tin mới nhất của Ngân hàng Standard Chartered Bank cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 8,25% trong năm 2007. 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng GDP là 7,9%, bây giờ muốn cân đối cho đủ 8,25% tốc độ tăng trưởng GDP thì 6 tháng cuối năm phải đạt ít nhất là 8,5%, như vậy nhà đầu tư có tin là chỉ số chứng khoán sẽ đứng ở mức 900 điểm hay không?

Ngoài ra, theo báo cáo kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết, nhiều công ty có doanh thu 6 tháng đầu năm tăng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Một đặc trưng khác của các DN niêm yết là trên 95% có kết quả kinh doanh trong quý III và quý IV cao hơn 2 quý đầu năm.

Dựa trên những yếu tố về nền kinh tế và khả năng phát triển của các DN, quan điểm của tôi là VN-Index sẽ vượt qua mức 1.200 điểm vào cuối năm nay. Tôi mong nhà đầu tư trong nước bình tĩnh, nên mua vào các cổ phiếu hàng đầu và giữ đến cuối năm. Cơ hội đang ở trong tay nhà đầu tư Việt Nam, đừng để mất cơ hội này.

IPO của các tập đoàn: HSBC dự đoán, Nhà nước sẽ ngừng IPO Ngân hàng Đầu tư và Phát triển nên họ yêu cầu IPO để cho TTCK hoạt động mạnh hơn. Đây là một lý lẽ mà nhiều nhà phân tích chứng khoán không chấp nhận được.

Khi TTCK đi xuống, muốn khởi sắc lại thì khối lượng cung nên hạn chế và để lấy lại lòng tin cho nhà đầu tư thì không nên IPO các tập đoàn lớn của Nhà nước. Còn muốn cho giá rớt để nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội mua rẻ thì chúng ta cứ theo lời khuyến cáo của họ mà làm.

Theo Đặng Quang Gia
Đầu tư Chứng khoán