Tín dụng lo sau "bão" sẽ đón "sóng thần"
Năm 2011 mảng kinh doanh của nhân viên tín dụng được ví như gặp "bão", thì năm nay hãy cẩn thận với "sóng thần". Ví von này đưa ra khi nhân viên tín dụng còn đang vừa làm vừa chơi sau Tết.
Làm cũng như... chơi
Thắt chặt tăng trưởng tín dụng, lo nợ xấu... khiến nhiều ngân hàng không mặn mà cho vay ra
Đi làm được 2 tuần, nhưng công việc của chị H. – nhân viên tín dụng cá nhân tại chi nhánh một NHTMCP trên đường Trần Nguyên Hãn - Hải Phòng vẫn chủ yếu là ... hoàn thành các loại báo cáo tồn trước kỳ nghỉ Tết. Lý giải, chị H. cho biết, chính sách của ngân hàng là vẫn siết chặt đối với tín dụng cá nhân, nên dù chi nhánh chị mới đi vào hoạt động và chỉ tiêu doanh thu "treo lơ lửng", nhưng hầu hết nhân viên tín dụng thời điểm này không mặn mà tìm người cho vay.
"Mới Tết ra, nhu cầu vay của người dân vẫn chưa cao, cộng với chính sách của NH hiện nay là đảm bảo và cải thiện thanh khoản, giữ chân khách hàng tăng huy động,... nên nhân viên tín dụng bọn em đầu năm lại thành ra... ít việc" - chị H. tiết lộ.
Anh Ch. - nhân viên tín dụng doanh nghiệp tại một chi nhánh của VIB cho biết, công việc từ sau kỳ nghỉ Tết của anh chỉ là chăm sóc một số mối khách hàng quen, đồng thời hoàn thiện nốt hồ sơ cho vay của một số doanh nghiệp đã qua được "cửa ải" thẩm định. "Nhìn chung là nhàn, vì mới đầu năm doanh nghiệp vẫn còn đang "du xuân", chưa khởi động chiến lược kinh doanh mới" – anh Ch. nói.
"Tuy nhàn nhưng công việc cũng khá mệt mỏi, khi hiện một số doanh nghiệp quen đang "đòi" giảm lãi suất, vì họ cho rằng theo chủ trương của NHNN sắp tới lộ trình giảm lãi suất chắc chắn sẽ xảy ra", anh Ch. kể. Nhưng đó mới chỉ là chủ trương dựa trên chỉ số lạm phát đang trên đà giảm nhiệt từ tháng 8/2011 tới nay, chứ thực tế chưa rõ thời điểm nào lãi suất mới giảm. Vì thế, nhân viên tín dụng lại kỳ công ngồi giải thích cho khách hàng.
Sau "bão" là "sóng thần"
Phó giám đốc chi nhánh một NHTMCP đùa với nhân viên dịp gặp mặt đầu Xuân: "Năm 2011 mảng kinh doanh của nhân viên tín dụng được ví như gặp "bão", thì năm nay hãy cẩn thận với "sóng thần". Ví von này có lý khi một loạt nhà băng vừa "thoát hiểm" khó khăn thanh khoản dịp cuối năm 2011.
Năm 2011, để "cứu" thị trường khỏi tình trạng "hấp hối" thanh khoản, NHNN đã bơm ra 132.000 tỷ đồng, số tiền bơm ra năm nay khoảng 71.000 tỷ đồng. Số tiền này đã giúp thị trường bớt khó khăn, cùng với dòng tiền lại chảy về hệ thống sau Tết nên "căn bệnh" thanh khoản đã thuyên giảm phần nào. Nhưng đó mới là "bề nổi" của tảng băng thanh khoản được giải quyết, còn "phần chìm" vẫn đang âm ỉ, khiến các NH càng thận trọng khi cho vay.
Một yếu tố nữa là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Năm 2012, NHNN đã đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm cho hệ thống NHTM ở mức 15-17%, nhưng chỉ tiêu phân bổ cụ thể cho từng NH chưa được cơ quan này công bố. Dù vậy, hiện nhiều NH đã ước lượng được mức tăng trưởng của mình dựa vào khả năng cung tiền của hệ thống và hướng tới ưu tiên cho vay ở 3 lĩnh vực là nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đối với 3 lĩnh vực này, khi NH thiếu vốn sẽ được NHNN ưu tiêu trợ cấp qua thị trường mở khi có nhu cầu.
Một nhân viên tín dụng doanh nghiệp cho biết, "lệnh" của lãnh đạo sắp tới không phải là tăng trưởng tín dụng mà phòng ngừa rủi ro là số một, nên giảm cho vay ra, nhất là sẽ "cạch" hẳn với cho vay mới bất động sản. Vì thế, nhân viên tín dụng cũng đỡ phải chạy tìm khách hàng. "Chủ trương của lãnh đạo thời gian này là ngừng giải ngân khoản vay mới. Hồ sơ vay doanh nghiệp cũng được sàng lọc theo chỉ tiêu ngặt nghèo hơn trước, chỉ có các dự án kinh doanh tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu.... thì được ưu ái chút ít" – anh này tiết lộ.
Ngay cả “ông lớn” như NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thừa nhận, năm 2012 vẫn là năm cực kỳ khó khăn với các NH, nên dù doanh nghiệp đạt tiêu chí xếp hạng tốt (dựa trên các tiêu chí: quản lý, quản trị doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro, chiến lược kinh doanh...), thì "đầu ra" tín dụng đối với doanh nghiệp vẫn rất thắt chặt. Một mặt do bài toán thanh khoản chưa được giải quyết triệt để, phần nữa do các nhà băng bị giới hạn bởi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lo nợ xấu gia tăng.
Phó chủ tịch HĐQT Phó chủ tịch HĐQT NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Nguyễn Đức Hưởng tiết lộ, sau sáp nhập dòng vốn của LienVietPostBank đã dồi dào, nhưng dù đang "khỏe" NH này cũng không dám cho vay nhiều các lĩnh vực phi sản xuất khác, mà tập trung vào thị trường nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là lý do LienVietPostBank nằm trong danh sách 5 TCTD được nới tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng Việt Nam đồng xuống còn 1/5 thay vì 3% do có tỷ lệ cho vay nông nghiệp, nông thôn cao.