NHNN: “Thanh khoản của các tổ chức tín dụng rất dồi dào”

(Dân trí) - Theo đại diện NHNN, trong dịp Tết năm nay, thông qua nghiệp vụ thị trường mở, cơ quan này đã bơm ra một lượng tiền lớn để hỗ trợ cho các TCTD. Tuy nhiên, do kịp thời hút tiền về đúng kỳ hạn nên lượng tiền bơm ra không gây lạm phát.

NHNN: “Thanh khoản của các tổ chức tín dụng rất dồi dào” - 1

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng (ảnh NM).

 Chiều nay (4/2) , trao đổi với Dân trí tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng dẫn đánh giá của Chính phủ trong phiên họp cùng ngày, ghi nhận: mặc dù trong dịp Tết, theo quy luật của các năm, nhu cầu thanh khoản tăng cao.
 
Đặc biệt, vào thời điểm này, do sự biến động của các dòng tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, của Bảo hiểm xã hội, của các tổ chức kinh tế cũng như nhu cầu rút tiền của người dân chi tiêu Tết đã khiến thanh khoản ngân hàng căng hơn.
 
Bơm tiền không ảnh hưởng đến lạm phát

Bà Hồng cho hay, trước tình hình này, NHNN đã thông qua các kênh cung ứng tín dụng để hỗ trợ kịp thời cho thanh khoản. Theo đó, NHNN đã bơm ra một thị trường lớn nhằm giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) đảm bảo được khả năng chi trả cho người dân.

Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở kỳ hạn ngắn (7 ngày và 14 ngày), chỉ một vài phiên là thực hiện theo kỳ hạn 21 ngày. Do vậy, đã tránh được đầu năm có một lượng tiền quá lớn gây khó khăn trong việc xử lý vấn đề thanh khoản của hệ thống.

Sau Tết tiền đã quay trở lại các ngân hàng và thanh khoản của các TCTD  rất dồi dào. Việc hút tiền về thông qua kênh nghiệp vụ thị trường mở cũng đã được triển khai tốt.

Theo số liệu của NHNN, trong dịp Tết Âm lịch vừa qua, cơ quan này đã bơm ròng 71.000 tỷ đồng trên thị trường mở và hút về 57.000 tỷ đồng ngay sau Tết.

Trước đó, Tết năm 2011, nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đã từng công bố lượng tiền bơm ra 132.000 tỷ đồng. Tuy nhiên bà Hồng khẳng định, lạm phát tăng cao trong những tháng đầu năm 2011không phải chỉ do việc bơm tiền.

Tiền bơm ra qua nghiệp vụ thị trường mở vì thời hạn rất ngắn nên chưa đủ để các TCTD sử dụng nguồn vốn này cấp cho nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách kích thích kinh tế khác để khắc phục khủng hoảng.

Và riêng năm nay, việc hút tiền về đã được thực hiện một cách kịp thời nên không tác động nhiều đến lạm phát.

Đại diện NHNN đưa ra đánh giá, nhìn chung trong dịp Tết năm nay, thanh khoản của các TCTD đã được đảm bảo, so với những thời điểm trước đã được cải thiện rất nhiều.
 
Trong lộ trình để giải quyết thanh khoản thuộc chương trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, đầu tháng này sẽ có những chỉ thị chỉ đạo các TCTD thực hiện các các giải pháp chính sách theo Quyết định mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
 
Rút kinh nghiệm từ năm 2011, tự các TCTD cũng đang cơ cấu lại danh mục tài sản và vấn đề đảm bảo thanh khoản thời gian tới chắc chắn sẽ được cải thiện – bà Hồng khẳng định.
 
Hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp là giữ giá tiền đồng

Đại diện phía NHNN một lần nữa tái khẳng định, hiện Việt Nam đang có tiền đề để giảm lãi suất là lạm phát từ tháng 8 đến nay đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên thời điểm và mức độ giảm lãi suất cụ thể thì vẫn cần theo dõi và gắn liền với tình hình thanh khoản.

Đề cập đến vấn đề ngày, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam giải thích lý do mặc dù những tháng gần đây trong khi lạm phát xuống thấp nhưng NHNN vẫn chưa giảm lãi suất. Ông nhấn mạnh lập trường của Chính phủ phải thận trọng, tính kỹ về thời điểm để cân đối hài hòa các mục tiêu giải cứu doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng hợp lý và kiềm lạm phát dưới 10%. Khi giảm lãi suất xuống thì yêu cầu lạm phát cũng phải giảm theo để đảm bảo mức lãi suất dương hợp lý.

Ông khẳng định, Chính phủ hiểu được khó khăn của doanh nghiệp và có nhiều biện pháp còn phải bàn. Nhưng, một trong những hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp là giữ cho đồng tiền ổn định, kiềm được lạm phát dưới 1 con số, ông cho biết.
 
Lãi thực ngân hàng không thể cao như công bố
 
Cuối năm, có một số Ngân hàng thương mại (NHTM) công bố lãi lớn trong khi thị trường chung khó khăn, từ bất động sản cho đến sản xuất kinh doanh.

Trước thực tế này, bà Hồng lưu ý, để đánh giá hoạt động kinh doanh của một TCTD sau một năm không thể cứ hết tháng 12 là đánh giá hết được.

Các TCTD đều phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro và lãi công bố chỉ thể hiện ở chênh lệch thu chi chứ chưa hẳn thể hiện hết phần lợi nhuận thu về.

Với đặc trưng là tổ chức trung gian nên chắc chắn bị ảnh hưởng và tiềm ẩn những rủi ro từ nợ xấu bất động sản, các doanh nghiệp nên lợi nhuận thực tế không thể cao như công bố ban đầu được – đại diện NHNN cho hay.
Bích Diệp