1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tìm nguyên nhân, giải pháp để "tiêu hết tiền" trong tháng 12 năm nay

Hà Phong

(Dân trí) - Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các bộ, ngành, địa phương phải rất nỗ lực, xác định rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, phấn đấu giải ngân toàn bộ trong tháng 12 năm nay.

Giải ngân đạt gần 22.700 tỷ đồng, bằng 17,1% kế hoạch giao

Chiều nay (1/8), Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã họp Tổ công tác số 4 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại một số bộ, ngành, cơ quan, địa phương.

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến 30/6 vừa qua, giá trị giải ngân đạt khoảng 22.689 tỷ đồng, bằng 17,1% kế hoạch giao, thấp so với bình quân cả nước.

Về nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân, qua tổng hợp từ các bộ, ngành và địa phương được kiểm tra cho thấy quá trình áp dụng một số quy định còn lúng túng, vướng mắc.

Cụ thể, việc chuẩn bị đầu tư, áp dụng quy định về giải phóng mặt bằng đối với dự án nhóm B và nhóm C, nhiều thủ tục phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành do dự án phải thực hiện theo nhiều quy định pháp luật... Việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải thực hiện nhiều bước, các bước phải lấy ý kiến nhiều cơ quan liên quan nên thời gian kéo dài.

Tìm nguyên nhân, giải pháp để tiêu hết tiền trong tháng 12 năm nay - 1

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, kết quả giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương là chưa đạt yêu cầu, còn thấp hơn bình quân chung cả nước (Ảnh: VGP/Đức Tuân).

Quy trình, thủ tục cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở các địa phương khá dài (từ 1,5-2 năm) ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng, theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Giá nguyên, nhiên liệu tăng, gây khó khăn cho đơn vị thi công, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai gói thầu, nhà thầu thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh giá từ Nhà nước. 

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết, khâu chuẩn bị dự án chưa tốt nên ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân. Sau khi xong các thủ tục như đấu thầu, thiết kế cơ sở, giải phóng mặt bằng, thì việc giải ngân những tháng cuối năm sẽ được cải thiện.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật của năm nay do các bộ, ngành, địa phương đề xuất ít hơn so với mọi năm, các vướng mắc chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, vướng mắc liên quan đến đánh giá tác động môi trường không nhiều. Liên quan đến đất đai, Thứ trưởng Kiên cho biết, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành 1 nghị định sửa nhiều Nghị định để tháo gỡ các vướng mắc trong khi chờ ban hành Luật Đất đai sửa đổi.

Tiêu hết tiền ngay trong năm nay

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, thúc đẩy đầu tư và giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng nhằm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, qua đó góp phần kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư xã hội khác. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, đặc biệt tại các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. 

Tìm nguyên nhân, giải pháp để tiêu hết tiền trong tháng 12 năm nay - 2

Phó Thủ tướng chỉ đạo, phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công trước 31/12 (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, kết quả giải ngân tại các bộ, ngành, địa phương là chưa đạt yêu cầu (hơn 22% tính đến hết tháng 7), còn thấp hơn bình quân chung cả nước (34,47% tính đến hết tháng 7). Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải rất nỗ lực, xác định rõ nguyên nhân, tìm ra giải pháp để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, phấn đấu giải ngân toàn bộ trong tháng 12 năm nay.

Nhất trí với các ý kiến về nguyên nhân làm chậm giải ngân, Phó Thủ tướng cho rằng, các quy định pháp luật rất chặt chẽ, trong quá trình triển khai các bước đòi hỏi rất chuẩn xác. Bên cạnh đó, chuẩn bị dự án đầu tư chưa tốt cũng ảnh hưởng đến giải ngân.

Phó Thủ tướng lưu ý, các bộ, ngành phải rất chú trọng từ khâu đầu tiên, từ đăng ký dự án đầu tư đến xây dựng đề án, phê duyệt chủ trương, lập dự án đầu tư...  Các bộ, ngành, địa phương phải tuân thủ chặt chẽ quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng công tác chuẩn bị hồ sơ, thẩm định, phê duyệt dự án.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương rà soát các dự án sử dụng nguồn vốn địa phương đã được phân bổ vốn nhưng không khả thi trong năm nay, kịp thời điều chuyển vốn sang các công trình khác để bảo đảm giải ngân, hiệu quả đầu tư.