Đại biểu Quảng Ninh "truy gắt" việc chậm giải ngân đầu tư công
(Dân trí) - Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV diễn ra sáng 9/7, nhiều đại biểu "truy" Giám đốc Sở KH&ĐT về vấn đề đầu tư công, chậm giải ngân đầu tư công.
Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả, mở đầu phiên chất vấn với câu hỏi: Đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết nguyên nhân của việc chậm giải ngân chi đầu tư ngân sách địa phương 6 tháng đầu năm mới đạt tỷ lệ 29%? Trách nhiệm của các chủ đầu tư trong việc đề xuất, bố trí vốn? Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao chất lượng công tác lập, xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm?
Cùng vấn đề trên, đại biểu Trần Thị Thiêm, Tổ đại biểu Đầm Hà - Hải Hà đặt câu hỏi: Có thể thấy công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn chậm, là một trong các nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản và tăng trưởng kinh tế. Đề nghị Giám sở cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng nêu trên?
Đại biểu Phạm Thành Trung, tổ đại biểu thị xã Đông Triều đề nghị Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết giải pháp nào để thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư về lĩnh vực y tế để đảm bảo sử dụng, phục vụ nhân dân trong khám, chữa bệnh?
Đại biểu Vũ Đình Nhân, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả, đặt câu hỏi: Trong 7 dự án thuộc lĩnh vực y tế, có 6 dự án đã được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư gia hạn thời gian thực hiện 2 lần, 1 dự án được điều chỉnh thời gian thực hiện 3 lần. Tuy nhiên, đến nay, cả 7 dự án này đều chưa giải ngân, nguyên nhân tại sao?
Trả lời chất vấn của các đại biểu Lê Cao Long, Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường cho biết, nguyên nhân khách quan của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là do 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tình hình bất ổn chính trị trên thế giới, giá nguyên vật liệu tăng...
Về nguyên nhân chủ quan, ông Cường cho rằng, do một số chủ đầu tư còn chủ quan, bị động trong công tác chuẩn bị đầu tư, dẫn đến một số dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng; chậm tổ chức thẩm định tại hiện trường, chậm hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán...
Ngoài ra đối với các dự án chuyển tiếp, một số dự án có tổng mức đầu tư lớn, do đã được tạm ứng hợp đồng từ cuối năm 2021, do đó trong những tháng đầu năm 2022 các nhà thầu đang triển khai thi công để hoàn thành khối lượng đã tạm ứng, chưa có nhiều khối lượng hoàn thành phát sinh, chưa đến kỳ thanh toán theo hợp đồng cho nhà thầu nên một số dự án chưa thể giải ngân.
Bên cạnh đó, các dự án về lĩnh vực y tế cũng gặp khó khăn trong công tác thẩm định giá, tiêu chuẩn định mức có sự thay đổi. Hiện có 7/8 dự án y tế chuyển tiếp vẫn chưa được giải ngân với kế hoạch vốn 95 tỷ đồng.
Đối với câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thiêm, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, trong 7 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đến nay 4/7 dự án đã phê duyệt dự án và khởi công. Các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư đang được nghiên cứu đề xuất theo hướng huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện; rà soát, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để có hướng xử lý.
Về giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, phải làm tốt hơn nữa công tác chuẩn bị đầu tư. Trong đó, tuân thủ các quy định của pháp luật để triển khai một cách bài bản các bước chuẩn bị đầu tư để đảm bảo tiến độ giải ngân.
Về phía các địa phương phải quan tâm công tác bàn giao mặt bằng vì qua theo dõi, tổng hợp của Sở cho thấy, rất nhiều dự án bị đội vốn lên rất lớn, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, trình lại chủ trương đầu tư. Nguyên nhân là do xác định giá trị bồi thường GPMB, lập dự toán ban đầu chưa chính xác.
Vị Giám đốc sở này cũng cam kết, nếu việc triển khai thủ tục đầu tư chậm trễ thuộc về Sở KH&ĐT, sở sẽ chịu trách nhiệm trước tỉnh.
Kết luận phần chất vấn Giám đốc Sở KH&ĐT, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký đánh giá, các câu hỏi của các đại biểu rất đúng và trúng. Mặc dù rất cố gắng, với tỷ lệ giải ngân của tỉnh đến thời điểm này nếu so với kế hoạch Thủ tướng giao thì Quảng Ninh nằm ở tốp khá trở lên, nhưng theo kế hoạch điều hành của tỉnh và Nghị quyết HĐND tỉnh đã thông qua thì còn nhiều hạn chế và ở mức thấp so với mục tiêu đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND yêu cầu Sở KH&ĐT cần rà soát lại toàn bộ nguyên nhân gây ra hạn chế, tồn tại trong công tác phân bổ vốn; năng lực, khả năng thực hiện của các cơ quan quản lý; mô hình phân cấp đầu tư; khâu lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư công; nhiệm vụ giám sát đầu tư công...
Xử lý nghiêm các chủ đầu tư, cơ quan quản lý cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, triển khai dự án đầu tư công chậm. Chủ đầu tư mà thuê đơn vị tư vấn không đủ năng lực, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, vi phạm quy trình đấu thầu dự án đầu tư công, thiếu sự minh mạch... phải có chế tài xử lý.
Đồng thời, phát huy vai trò của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát; phát hiện, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân không chấp hành, đặc biệt là trong việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm như trong phân tích của một số đại biểu.
Kịp thời thay thế các nhà thầu không đủ năng lực, đẩy nhanh tiến độ GPMB, tiến độ thi công, thực hiện việc nghiệm thu ngay khi có khối lượng.