Tìm lời giải cho bài toán nâng tầm nông sản Việt

(Dân trí) - Nông sản Việt Nam luôn đứng top đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu, nhưng chỉ đứng giữa bảng, thậm chí áp chót về giá trị. Đã đến lúc xuất khẩu nông sản Việt phải quan tâm nhiều hơn đến việc tạo ra giá trị bằng nhiều giải pháp mang tính chiến lược và tư duy hội nhập toàn cầu, trong đó xây dựng thương hiệu quốc gia được xem là mấu chốt.

Xuất khẩu nông sản, trong nhiều năm nay, đã trở thành một trụ cột quan trọng cân bằng với kim ngạch của nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Như năm 2019, không ít ngành hàng có quy mô đạt tỷ USD như rau quả đạt 3,8 tỷ USD; hạt điều đạt 3,3 tỷ USD; cà phê đạt 2,8 tỷ USD; gạo đạt 2,8 tỷ USD hay hạt tiêu đạt 722 triệu USD. Tuy nhiên, có một thực tế là giá trị xuất khẩu hàng năm cao chủ yếu do Việt Nam xuất khẩu nhiều về sản lượng, trong khi giá xuất khẩu chỉ ở mức trung bình, thậm chí có ngành hàng ở nhóm thấp.

Nghịch lý của ngành nông nghiệp

Theo lẽ thông thường, một quốc gia chi phối một ngành hàng xuất khẩu với sản lượng cao có "quyền" quyết định giá. Tuy nhiên, những mặt hàng nông sản của Việt Nam không những không chi phối được thị trường mà giá xuất khẩu cũng không thể cạnh tranh.

Thực tế này xuất phát từ đặc điểm của ngành nông nghiệp Việt, khi các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới dạng sản phẩm thô, sơ chế, chất lượng không đồng đều dẫn tới giá trị thấp hơn mặt hàng cùng loại của các nước khác.

Đơn cử như ngành chè Việt Nam, là một trong số những mặt hàng đứng nhóm đầu thế giới về sản lượng, nhưng chủ yếu sản phẩm chè xuất khẩu là dưới dạng thô, không có thương hiệu. Như năm 2019, gần 90% lượng chè xuất khẩu là nguyên liệu thô, khiến giá chè xuất khẩu chỉ bằng 50-60% giá bình quân thế giới.

Tương tự với hạt điều và cà phê. Cũng là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thuộc nhóm đầu thế giới nhưng giá xuất khẩu những mặt hàng này liên tục giảm. Năm 2019, xuất khẩu hạt điều tăng 21,5% về sản lượng nhưng giá trị lại giảm 2,6%, chỉ đạt 3,3 tỷ USD. Với cà phê, kết quả cũng không nhiều khác biệt, sản lượng cà phê xuất khẩu năm 2019 giảm gần 14% về sản lượng nhưng giảm tới 21% về giá trị, chỉ đạt 2,8 tỷ USD. So với năm 2018, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm gần 10%.

Tìm lời giải cho bài toán nâng tầm nông sản Việt - 1
  Cà phê là một nông sản chủ lực của Việt Nam nhưng xuất khẩu chủ yếu mới ở dạng nguyên liệu thô, chất lượng thấp. 

Nghịch lý "sản lượng xuất khẩu cao, nhưng giá thấp" thực tế còn xuất hiện ở rất nhiều ngành nông sản xuất khẩu khác như hạt tiêu, gạo, cao su...

"Ngành chế biến nông sản của Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến trong chuỗi giá trị, khâu chế biến chỉ sử dụng 5-10% sản lượng nông sản. Việc chế biến chủ yếu là thủ công, ít nhà máy hiện đại, chưa có nhiều mô hình gắn kết giữa chế biến với vùng sản xuất", ông Vũ Huy Phúc, Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp, nông thôn (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho biết trong một hội thảo về nông nghiệp mới đây.

Ngoài lý do thiếu đầu tư cho công nghiệp chế biến, một phần nguyên nhân còn xuất phát từ việc người nông dân chú trọng đến sản lượng thay vì chất lượng, thiếu sự liên kết, quy hoạch trong sản xuất. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng nhóm nông sản chính trong ngành trồng trọt đang tăng mạnh về sản lượng vì mở rộng diện tích, trong khi chất lượng thì chưa được cải thiện. Khi xuất khẩu sang các nước rất khó cạnh tranh dẫn đến giá xuất khẩu luôn luôn thấp.

Bên cạnh đó, công nghệ chế biến sau thu hoạch của Việt Nam còn kém, sản phẩm chế biến rất hạn chế, điều này thể hiện rõ nhất ở ngành cà phê, hồ tiêu - hai mặt hàng đứng top đầu thế giới về sản lượng nhưng lại chủ yếu là xuất thô.

Chất lượng và thương hiệu - lời giải cho nghịch lý của nông sản Việt

Lời giải cho vấn đề này, theo các chuyên gia, là chú trọng hơn vào chất lượng thay vì gia tăng sản lượng, tập trung xây dựng thương hiệu, vùng nguyên liệu với quy trình và chuỗi liên kết rõ ràng. Một ví dụ cho "lời giải" này là cách mà SHIN Cà phê đã chọn để xây dựng lại thương hiệu cà phê Việt.

Là Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu được Chính phủ lựa chọn tại Asean Summit năm nay, lần đầu tiên SHIN Cà phê - một thương hiệu mới của Tập đoàn PAN - sẽ xuất hiện với tư cách là quà tặng của Chính phủ Việt Nam gửi tới lãnh đạo các quốc gia về tham dự chuỗi sự kiện ASEAN 2020. Cà phê SHIN đã chọn một mô hình khác biệt, là tập trung phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản.

"Thực ra, mọi thứ cho cà phê chất lượng cao ở Việt Nam đều có. Việc của chúng ta là tạo ra môi trường tốt, cải tạo, nhân rộng nó lên, giữ đúng giá trị cho hạt cà phê. Mấu chốt trong giữ vững và kiểm soát chất lượng như buổi ban đầu là ở con người", nhà sáng lập Nguyễn Hữu Long của SHIN Cà phê chia sẻ.

Tìm lời giải cho bài toán nâng tầm nông sản Việt - 2
Cà phê Shin đã đi theo mô hình tập trung phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản và từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê

Để thay đổi nghịch lý của nông sản Việt, SHIN – một thành viên của PAN - đã mất nhiều thời gian trong việc thay đổi suy nghĩ của những người nông dân, để họ đi theo phương pháp trồng cà phê chất lượng, bao gồm việc thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo phương pháp trồng cà phê, tặng giống tốt, mua cà phê với giá cao hơn thị trường.

Ngoài chú trọng vào sản lượng, cà phê Shin được PAN từng bước xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê. Lần đầu tiên trên thị trường sẽ có những sản phẩm cà phê mang đặc trưng gắn với từng vùng địa lý riêng. Cà phê SHIN trồng tại Sơn La sẽ có hương trái cây nhẹ, độ axit sáng, dư vị ngọt. Cà phê SHIN Khe Sanh có vị chua thanh của cam, ngọt hậu kéo dài; trong khi SHIN A Lưới mang cho thực khách vị mạch nha, chua thanh nhẹ, ngọt hậu.

Với sự hỗ trợ của Tập đoàn PAN thông qua thương vụ đầu tư và nắm gần 80% cổ phần SHIN Cà phê, thương hiệu này có thêm tiềm lực tài chính, năng lực quản trị để đi những bước chắc chắn hơn nhằm nâng tầm sản phẩm cà phê Việt Nam, đưa nông sản Việt Nam trở nên cao cấp hơn.

Với cách làm này, SHIN có thể đi chậm hơn những đối thủ cạnh tranh, mở được ít cửa hàng hơn, nhưng việc tập trung phát triển chất lượng thay vì sản lượng sẽ mang lại giá trị thặng dư cao hơn. Cách làm này của SHIN, theo nhiều chuyên gia, cũng là "lời giải tiêu chuẩn" cho nghịch lý của nông sản Việt, đưa các sản phẩm của Việt Nam trở nên cao cấp hơn, bước ra thế giới với vị thế khác. Chọn SHIN Cà phê là quà tặng tại ASEAN 2020 cũng là thông điệp của Việt Nam với thế giới - một quốc gia nông nghiệp đi tìm vị thế thực sự.