Quảng Nam:

Tìm giải pháp khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa

(Dân trí) - Sản phẩm lụa tơ tằm của Quảng Nam nổi tiếng một thời nhưng qua thời gian, nghề trồng dâu nuôi tằm mai một. Để tìm giải pháp khôi phục và phát triển lại nghề này, sáng 25/1, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội thảo để tìm giải pháp cho nghề này.

Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam – cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 11ha dâu, chủ yếu tập trung ở một số xã của huyện Duy Xuyên với khoảng 30 hộ trồng.

Hiện nay, các hộ trồng dâu nuôi tằm chủ yếu là nuôi để bán thực phẩm vì thời gian chăm sóc ngắn hơn, không tốn quá nhiều công sức, thị trường tiêu thụ, giá bán cũng tương đối ổn định (khoảng 60.000 đồng/kg tằm, tính ra nuôi tằm bán làm thực phẩm lợi hơn nuôi tằm lấy kén).

“Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, do thị trường tiêu thụ hẹp, giới hạn ở phạm vi địa phương và chắc chắn nuôi tằm để làm thực phẩm không phải là một nghề cần khuyến cáo phát triển ở nông thôn”, ông Muộn phát biểu.

Ở Quảng Nam trước đây, nghề trồng dâu nuôi tằm đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh, giải quyết công ăn việc làm và mang lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn hộ dân.

Nhưng thời gian qua, do sự cạnh tranh của thị trường tơ thế giới, thu nhập từ nghề này thấp hơn so với mặt bằng chung của các ngành nghề khác. Mặt khác, năng suất, chất lượng trồng dâu nuôi tằm còn thấp.

Các đại biểu cho rằng, ngành dâu tằm chủ yếu nhập giống dâu, tằm; khâu chuyển giao công nghệ - kỹ thuật chưa được chú trọng nên năng suất dâu, kén, tơ thấp, giá thành không ổn định. Công tác quản lý nhà nước về sản xuất, cung ứng giống tằm không chặt chẽ, thiếu những mô hình thâm canh dâu tằm hiệu quả.

Dệt lụa
Dệt lụa

Phát triển dâu tằm còn mang tính quảng canh, theo phong trào, vì thế chất lượng tơ kén thấp, giá thành không ổn định, sức cạnh tranh kém, các đơn vị chế biến tơ có thời kỳ lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ kéo dài. Thực trạng này làm cho ngành dâu tằm phát triển không ổn định, kém hiệu quả và thiếu bền vững.

Các sản phẩm của tơ tằm được tiêu dùng trong nội địa và xuất khẩu qua các thị trường như Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc... Tuy nhiên, hiệu quả của việc xuất khẩu sản phẩm này còn chưa cao do chất lượng kén, tơ thường không ổn định.Tiêu chuẩn chất lượng còn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà nhập khẩu. Nhà xưởng, thiết bị và công nghệ chế biến chưa được quan tâm đầu tư đổi mới.

Các đại biểu cho rằng, một nguyên nhân khác dẫn đến nghề dâu tằm, tơ lụa bị mai một là do thực hiện việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP của Chính phủ; việc chia đất để giao cho từng hộ phải có gần, có xa, có tốt, có xấu, nên đã phá vỡ tính liên khoảnh, liên vùng của các bãi dâu, làm cho diện tích trồng dâu trở nên manh mún, diện tích dâu bị giảm mạnh, từ đó nghề nuôi tằm và ươm tơ không thể tiếp tục sản xuất, nông dân chuyển sang cây trồng khác như dưa hấu, lạc ngô… và ngành nghề khác hiệu quả cao hơn.

Du khách nước ngoài tham quan quy trình trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Hội An
Du khách nước ngoài tham quan quy trình trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Hội An

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương. Con tằm thường được nuôi ở nhiệt độ 21-28 độ C, nhưng những năm gần đây, nhiệt độ tăng cao trong mùa nắng, nên việc nuôi tằm lấy kén gặp nhiều khó khăn…

Để khôi phục làng nghề truyền thống nghề nuôi tằm dệt lụa, ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam – cho rằng, giải pháp phát triển kinh tế làng nghề gắn với phát triển du lịch là một hướng ra.

Vài năm gần đây, làng nghề gắn với du lịch đã đạt được những kết quả bước đầu, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề, vừa tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, thời gian qua các tổ chức quốc tế ILO, FIDR cũng đã hỗ trợ 2 huyện Đông Giang và Nam Giang khôi phục và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm tại Đhơ Rôồng, Bhơ Hôông, Zara đưa vào phục vụ phát triển du lịch và có những kết quả nhất định.

Đến nay, các làng nghề dệt thổ cẩm Zara, Đhơ Rôồng, Bhơ Hôông, lụa Mã Châu hằng năm thu hút khoảng hơn 1.000 lượt khách tham quan mua sắm, ước tính doanh thu từ du lịch khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Sở Công Thương Quảng Nam đã đưa ra một số giải pháp về xúc tiến thương mại hỗ trợ khôi phục làng nghề truyền thống như tăng cường phối kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về công tác phát triển làng nghề; gắn công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với việc bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức kết hợp với du lịch như: xây dựng cửa hàng, showroom giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh…

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, trồng dâu - nuôi tằm, ươm tơ - dệt lụa không đơn giản tạo ra hàng hóa phục vụ nhu cầu con người, cho đời sống xã hội mà còn hàm chứa trong đó những giá trị về văn hóa, tinh thần, về cốt cách của người dân xứ Quảng.

Công Bính