ĐBSCL:

Tìm cách tiêu thụ 5 triệu tấn lúa và hoa màu cho dân khi Covid-19 "bủa vây"

Nguyễn Cường Vĩnh Tường

(Dân trí) - Trước tình hình dịch Covid "bủa vây", nông sản ùn ứ, chính quyền các địa phương ở miền Tây đã tìm mọi cách để hỗ trợ người dân để doanh nghiệp đến thu mua, bảo quản khi được giá.

Cứu hàng trăm nghìn tấn hoa màu

Nhiều loại nông sản, rau củ, thủy sản tại khu vực ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ. Tuy nhiên, việc đưa đi tiêu thụ gặp khó do các ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cũng bị đình đốn, dẫn đến nhiều loại nông sản có nguy cơ ùn ứ.

Ông Trương Thành Dãnh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long - cho biết tỉnh này đang gặp áp lực rất lớn đối với việc tiêu thụ khoảng 20 nghìn tấn khoai lang bị ùn ứ cho bà con. Bên cạnh khoai thì nhiều loại rau màu ngắn ngày khác cũng đang bị ùn ứ. 

Tìm cách tiêu thụ 5 triệu tấn lúa và hoa màu cho dân khi Covid-19 bủa vây - 1

Những đống khoai của nông dân Vĩnh Long chất chồng.

"Chúng tôi lập đường dây nóng để cập nhật tình trạng khó khăn của bà con hằng ngày. Sản lượng nông sản đều được thống kê liên tục để có thông tin kết nối với các đơn vị có nhu cầu và khả năng tiêu thụ, thậm chí chúng tôi còn bán qua dịch vụ bưu điện để hỗ trợ bà con. Chúng tôi cũng đã kiến nghị Trung ương có giải pháp gỡ khó cho địa phương thời điểm hiện tại", ông Dãnh nói.

Thông qua các hội nhóm mạng xã hội, Vĩnh Long đã hỗ trợ nông dân tiêu thụ được khoảng 1.000 tấn khoai lang, tuy nhiên số lượng khoai tồn đọng vẫn rất lớn.

Nông dân Hậu Giang cũng đang gặp khó vì dự kiến trong tháng 8 tỉnh này sẽ thu hoạch khoảng 160.000 tấn nông sản gồm rau củ quả và thủy sản, vượt xa khả năng tiêu thụ tại chỗ.

Để giải quyết vấn đề, UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các địa phương lập các tổ thu hoạch, thu mua nông sản cho người dân. Số liệu về sản lượng nông sản từ hạt lúa đến quả dưa lê đều được Sở Công Thương tỉnh này liên tục cập nhật, đưa lên các ứng dụng mua bán nông sản của tỉnh, từ đó kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ.

Tìm cách tiêu thụ 5 triệu tấn lúa và hoa màu cho dân khi Covid-19 bủa vây - 2

Nông dân Hậu Giang thu hoạch dưa lê.

Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, cho biết những ngày qua, nhờ các hội nhóm trên mạng xã hội mà nhiều hợp tác xã nông nghiệp tỉnh này đã tìm được đối tác ở Long An, TP HCM để tiêu thụ nhiều mặt hàng với số lượng từ 5 - 20 tấn/ngày.

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết tỉnh này cũng đang bị ùn ứ khoảng 2000 tấn cá nước ngọt các loại. Chính quyền đã vận động bà con kéo dài thời gian nuôi, mặc dù điều này sẽ làm tăng thêm chi phí nhưng đây là giải pháp thích hợp nhất ở thời điểm hiện tại.

Hiện một số tỉnh thành đã lập danh sách lao động trong lĩnh vực chế biến, vận chuyển nông sản để ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhằm tháo gỡ một phần khó khăn.

 Anh Linh là chủ vườn nhãn rộng 5ha ở Nông trường Sông Hậu (TP Cần Thơ) cho biết, do không có thương lái đến mua nên vợ chồng anh đã thu hoạch và đóng gói để bán lẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, giá chỉ bằng một nửa so với các năm trước.

"Nếu không bán được thì cũng nhờ người quen đi phát từ thiện luôn, để ở vườn thì rụng hết. Năm nay gia đình tôi lỗ chừng 200 triệu đồng", anh Linh buồn rầu nói.

Tìm cách tiêu thụ 5 triệu tấn lúa và hoa màu cho dân khi Covid-19 bủa vây - 3

Nhãn của bà con Nông trường Sông Hậu đến mùa thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua nên đành được hái xuống, bán rẻ cho các mạnh thường quân làm từ thiện.

Nhiều hội nhóm và cá nhân thiện nguyện tự phát đã tham gia tích cực việc giải cứu nông sản cho người dân. Nông sản giải cứu lại được đưa đi từ thiện cho bệnh nhân, người nghèo, người trong khu cách ly và người gặp khó khăn do dịch bệnh.

Tuy nhiên do cung lớn hơn cầu, mọi giải pháp tình thế vẫn không thể khắc phục được vấn đề nông sản tồn đọng vì đây là hàng hóa mang tính thời vụ. Giải pháp căn cơ theo nhiều chuyên gia, nhiều doanh nghiệp đó là bảo quản, kho lạnh.

Một nghiệp Xuất nhập khẩu trái cây ở Bến Tre thì cho rằng, về lâu dài ĐBSCL cần làm tốt hơn khâu bảo quản sau thu hoạch cho trái cây thì mới xuất khẩu bằng đường biển, giảm chi phí logictics. Các bộ ngành cần quan tâm đầu tư đúng mức cho hạ tầng của ĐBSCL.

"Điều doanh nghiệp mong chờ lúc này là có chính sách lãi suất hợp lý và doanh nghiệp có thể tiếp cận vay tín chấp dựa trên hàng tồn kho. Từ đó, doanh nghiệp mới huy động được nguồn lực tài chính thu mua hàng hóa nông dân nhiều hơn", đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Giải pháp tiêu thụ 5 triệu tấn lúa từ nay đến đầu tháng 9

Từ nay đến đầu tháng 9, Toàn khu vực ĐBSCL đã xuống giống hơn 1,5 triệu ha lúa vụ Hè Thu, hiện đã thu hoạch được khoảng một nửa. Từ nay đến đầu tháng 9 sẽ cần thu hoạch xong diện tích lúa còn lại, lượng lúa đang nằm trên đồng ước gần 5 triệu tấn.

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT các tỉnh thì giá lúa trong khu vực đang dao động quanh mức 5.000 đồng/kg, giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với thời gian trước. Nông dân cũng đang gặp tình trạng khó bán lúa vì các nhà máy ngừng hoạt động, thương lái ngừng thu mua.

Tìm cách tiêu thụ 5 triệu tấn lúa và hoa màu cho dân khi Covid-19 bủa vây - 4

Theo nhận định của một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo thì xảy ra vấn đề lúa ứ đọng và rớt giá là do nhiều nguyên nhân.

"Ảnh hưởng dịch bệnh là một phần, năm 2020 cũng dịch bệnh nhưng lượng gạo xuất khẩu và giá thành gạo xuất khẩu của Việt Nam đều tăng so với năm 2019. Tuy nhiên trong năm nay, nhiều doanh nghiệp đã nhập gạo giá rẻ từ Ấn Độ về, khiến lượng gạo trên thị trường tăng cao, kéo giá thành giảm xuống và gây ùn ứ hàng hóa.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo không bán được hàng nên tạm ngừng thu mua thì dẫn đến nông dân không bán được lúa, giá lúa giảm là tất yếu", một doanh nhân trong lĩnh vực xuất khẩu gạo cho biết.

"Phương án khả thi nhất hiện nay để cứu nông dân là doanh nghiệp thu mua lúa gạo rồi dự trữ và sẽ xuất khẩu khi được giá. Muốn vậy thì ngân hàng phải có cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp vay vốn, Chính phủ cần có chính sách, chỉ đạo cụ thể", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) nêu kiến nghị.

ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: "Hậu Giang đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh lập các tổ thu hoạch, thu mua nông sản cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh yêu cầu mỗi địa phương báo cáo hàng ngày về tình hình thu hoạch và nhu cầu tiêu thụ nông sản về Sở NN-PTNT để có hướng liên kết tiêu thụ kịp thời.

Còn Sở Công Thương liên tục cập nhật số liệu ngành nông nghiệp cung cấp để đưa lên các ứng dụng mua bán nông sản của tỉnh; phối hợp ngành nông nghiệp kết nối các doanh nghiệp có kho lạnh phục vụ nhu cầu tạm trữ nông sản",

UBND 4 tỉnh thành gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp cũng thống nhất sẽ thiết lập đường dây nóng để thống nhất các quy định liên quan việc vận chuyển lúa gạo và hỗ trợ tốt nhất cho việc tiêu thụ lúa gạo trong vùng. Bốn tỉnh này cũng thống nhất kiến nghị Trung ương có giải pháp hỗ trợ gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản và mua tạm trữ lúa gạo.