Nâng cao hiệu quả đầu tư cho tuyến đường Quốc lộ 20

Sau 4 năm khởi công xây dựng, Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 đến Km268 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng được nhu cầu vận tải, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20 qua khu vực tỉnh Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, các bên liên quan đến dự án đã thực hiện cơ bản đầy đủ quy định về quản lý dự án, bảo đảm chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt giảm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng.

2 dự án thành phần trên Quốc lộ 20

Quốc lộ 20 là tuyến giao thông huyết mạch với mật độ phương tiện rất lớn, sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, có nơi là điểm đen gây mất an toàn giao thông, không đáp ứng được nhu cầu giao thông, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực. Xuất phát từ thực tế đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã triển khai thực hiện dự án Quốc lộ 20, chia làm 2 giai đoạn độc lập và đến nay đã hoàn thành

Giai đoạn 1: Đầu tư dự án thành phần 1 (Km0 đến Km123+105,17) thực hiện theo hợp đồng BT; giai đoạn 2: Đầu tư dự án thành phần 2 (Km123+105,17 đến Km268) được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 3986/QĐ-BGTVT ngày 5-12-2013 với tên gọi “Dự án đầu tư xây dựng công trình khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 - Km268, tỉnh Lâm Đồng theo hình thức hợp đồng BOT kết hợp BT”.

Trong đó, đoạn từ Km123+105,17 đến Km154+400 thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) và đoạn từ Km154+400 đến Km268 theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao). Thực tế, khi Dự án thành phần 2 được triển khai xây dựng thì Dự án thành phần 1 đã gần hoàn thành. Như vậy, có thể thấy, hai dự án thành phần trên Quốc lộ 20 là những dự án độc lập, được thực hiện vào các thời điểm khác nhau, do các nhà đầu tư khác nhau thực hiện.

Nâng cao hiệu quả đầu tư cho tuyến đường Quốc lộ 20 - 1

Quốc lộ 20 được khôi phục, cải tạo góp phần giảm ùn tắc, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao

Để thực hiện Dự án thành phần 2, Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOT kết hợp BT với liên danh nhà đầu tư. Đáng chú ý, phương án tài chính của hợp đồng nêu rõ, tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.107 tỷ đồng, trong đó có chi phí tạm tính để mua quyền thu phí tại trạm Bảo Lộc (Lâm Đồng) là 254,9 tỷ đồng. Tại Quyết định số 1332/QĐ-BGTVT ngày 28-4-2016, Bộ GTVT đã chấp thuận giá trị thực tế thu hồi quyền thu phí trạm thu phí Bảo Lộc, phần giá trị này được lấy từ nguồn kinh phí của dự án.

Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH BOT và BT Quốc lộ 20 đã chuyển toàn bộ số tiền mua quyền thu phí cho đơn vị quản lý trạm thu phí Bảo Lộc để mua lại quyền thu phí của trạm này theo đúng Quyết định của Bộ GTVT và các quy định của pháp luật. Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước ngày 15-8-2017 về hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km123+105,17 - Km268 khẳng định: Nhà đầu tư đã mua lại quyền thu phí trạm Bảo Lộc để đáp ứng điều kiện hình thành dự án BOT, chuyển trạm thu phí về Km145+500, bảo đảm được khoảng cách các trạm theo quy định không nhỏ hơn 70km và thu phí hoàn vốn hiệu quả hơn trạm thu phí Bảo Lộc, mặt khác đã giảm được khó khăn cho ngân sách nhà nước trong giai đoạn nợ công ngày càng tăng cao.

Tiết giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng

Để triển khai Dự án thành phần 2, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được tách thành tiểu dự án và giao cho UBND tỉnh Lâm Đồng thực hiện, kinh phí do nhà đầu tư chi trả. Về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại dự án này, Kiểm toán Nhà nước đánh giá, ngay từ khi được triển khai, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác giải phóng mặt bằng.

Trong đó, người dân đã hiến đất trong phạm vi mốc lộ giới thuộc đối tượng được đền bù, chỉ đền bù phần diện tích đất bị ảnh hưởng của hạ lưu cống thoát nước nằm ngoài phạm vi mốc lộ giới và chỉ hỗ trợ 50% giá trị thiệt hại, góp phần làm giảm đáng kể chi phí GPMB. Đến thời điểm kiểm toán (từ ngày 10-4 đến ngày 29-5-2017), công tác đền bù cơ bản hoàn thành, chi phí đền bù là hơn 62 tỷ đồng, giảm 86,4% so với phương án trong tổng mức đầu tư là hơn 459 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án, chi phí này được các địa phương thực hiện phê duyệt quyết toán theo quy định. Hiện nay, công tác quyết toán chi phí GPMB của dự án đã hoàn thành đối với đoạn thực hiện theo hình thức BOT.

Cụ thể, UBND huyện Bảo Lâm, UBND TP Bảo Lộc và UBND huyện Di Linh đã phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng giá trị hơn 35 tỷ đồng. Công tác quyết toán chi phí GPMB đối với đoạn theo hình thức BT đang được các địa phương liên quan thực hiện. Giá trị quyết toán hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng là cơ sở để quyết toán chung toàn dự án. Tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán là căn cứ để tính toán thời gian thu phí hoàn vốn, giá trị đền bù giải phóng mặt bằng giảm sẽ làm giảm thời gian thu phí hoàn vốn.

Việc tiết giảm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng tại dự án này đã thể hiện nỗ lực của địa phương, nhà đầu tư, các cơ quan liên quan cũng như sự ủng hộ của người dân trong vùng dự án. Điều này giúp dự án nhanh chóng có mặt bằng thi công, bảo đảm tiến độ đề ra, đồng thời, giúp giảm chi phí đầu tư, từ đó giảm thời gian thu phí, góp phần nâng cao hiệu quả của tuyến đường khi hoàn thành, đưa vào sử dụng.