Tiếp tục ổn định giá các mặt hàng thiết yếu đến cuối năm
(Dân trí) - Lãnh đạo các Bộ, ngành cho biết, Chính phủ tiếp tục thực hiện không tăng giá với nhiều mặt hàng từ nay đến cuối năm. Cùng đó, nhiều biện pháp sẽ được áp dụng để đảm bảo cung cầu, không biến động giá của những mặt hàng quan trọng.
Nguồn xăng dầu không thiếu
Tại buổi họp báo sau phiên họp thường kì của Chính phủ, chiều 2/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục giữ ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Trong đó, nước sạch, điện, vận tải công cộng sẽ không tăng giá từ nay đến cuối năm. Các mặt hàng khác được điều chỉnh giá sẽ thực hiện điều chỉnh ở mức hợp lí.
Riêng với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương trình Chính phủ lộ trình điều chỉnh giá bán theo mục tiêu bảo đảm chống lạm phát, phù hợp với khả năng bù lỗ, đồng thời thực hiện hỗ trợ các đối tượng chính sách.
Cũng theo ông Hà, các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối trong những tháng qua vẫn lỗ và hiện đã được tạm ứng 95% số lỗ này. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đã bù lỗ 11.000 tỉ đồng cho các doanh nghiệp kinh doanh của lĩnh vực xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên bổ sung thêm, cho dù giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ vẫn chỉ đạo nhập khẩu đủ đảm bảo nhu cầu sản xuất trong nước và nhu cầu sử dụng của người dân.
Ông Biên đưa ra con số, 6 tháng đầu năm nay đã nhập tăng hơn so với 2007 gần 300.000 tấn xăng dầu. Ông Biên khẳng định, từ nay đến cuối năm “nguồn xăng dầu không thiếu và nguồn ngoại tệ phục vụ nhập khẩu mặt hàng này cũng không thiếu”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng giải thích những băn khoăn xung quanh việc nhập, xuất khẩu một số mặt hàng khác. Về xuất, nhập khẩu than, ông Biên cho biết, năm 2008, nước ta xuất khẩu khoảng 20 - 22 triệu tấn than, giảm hơn khá nhiều so với năm 2007 (32 triệu tấn). Với việc nhập khẩu than, ông Biên cho rằng, nhằm phục vụ luyện thép, không phải cho tiêu dùng.
Ông Biên cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu phôi thép về nhiều gấp đôi năm ngoái, với giá 750 - 800 USD/tấn. Tuy nhiên, phôi thép nhập về không bán được, vẫn nằm ở cảng, trong khi giá mặt hàng này đã tăng gần 200 USD/tấn nên các doanh nghiệp đã xuất ra bên ngoài.
Trước tình hình thép tăng giá, Bộ Công thương sẽ có biện pháp hạn chế xuất khẩu phôi thép nhằm bình ổn thị trường trong nước.
Riêng muối, do thời tiết bất lợi, chi phí đầu vào tăng nên giá muối bị đẩy lên hơn so với năm 2007. Chính phủ đã cho xuất 30.000 tấn từ trong kho dự trữ cung cấp cho thị trường.
Tuy nhiên, theo tính toán, năm nay nhu cầu trong nước khoảng 1,3 triệu tấn, trong khi lượng muối thu hoạch được cộng với lượng muối trong kho chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn. Chính vì vậy, 6 tháng cuối năm sẽ phải nhập khẩu thêm khoảng 100 - 150.000 tấn.
Liên quan đến kiểm soát giá cả, đại diện Bộ Tài chính thông báo, trong sáu tháng qua, các cơ quan thuế và hải quan khi kiểm tra chống buôn lậu và gian lận thương mại đã xử lý 6.012 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 221 tỷ đồng.
Về tỉ giá hối đoái, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Nguyễn Đồng Tiến nhìn nhận, sau một tuần ngân hàng thực hiện điều chỉnh biên độ, tỉ giá hối tại thị trường tự do đã giảm dần.
Ngân hàng cũng đã có những kiểm tra, kiểm soát hoạt động mua bán ngoại tệ, không để vượt quá biên độ cho phép.
Đình hoãn, giãn tiến độ được 1736 dự án
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đánh giá, chỉ số giá tiêu dùng, nhập siêu trong 3 tháng gần đây đã có những chuyển biến tích cực.
Thị trường chứng khoán có những dấu hiệu tốt hơn, hệ thống ngân hàng ổn định hơn và không có khả năng đổ vỡ.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, chỉ số giá tiêu dùng khả quan (tháng 6 là 2,14%, thấp nhất trong 6 tháng) nhưng chưa vững chắc, tình hình còn diễn biến khó lường.
Tăng trưởng GDP đạt 6,5% là khá thấp so với những năm gần đây, nhưng vẫn cao hơn các nước trong khu vực. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để duy trì tăng trưởng. Phấn đấu với tinh thần cao nhất để giải quyết vốn cho các doanh nghiệp, nhất là vốn lưu động.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ ngành tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về hoạt động của các tập đoàn, Tổng công ty thuộc bộ mình quản lí.
Về việc thực hiện các giải pháp kiếm chế lạm phát, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, tính đến ngày 23/6, theo báo cáo của 68/71 bộ, ngành TƯ và 60/64 địa phương, tổng số tiền tiết kiệm được từ việc cắt giảm chi thường xuyên là 2.558 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Hòa bổ sung: "Tính đến 26/06, tổng số dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ là 1.736, tiết kiệm được 5.625 tỷ đồng, giảm 8% so với kế hoạch ban đầu”.
Cấn Cường