Tiếp tục kiểm tra thông quan 16 doanh nghiệp nhập khẩu hàng Asanzo

(Dân trí) - Hải quan và quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện hàng loạt doanh nghiệp có liên quan đến Công ty Asanzo là doanh nghiệp “ma”. Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục kiểm tra, rà soát.

Tiếp tục kiểm tra thông quan 16 doanh nghiệp nhập khẩu hàng Asanzo - 1

Lực lượng hải quan và quản lý thị trường đã kiểm tra nhiều doanh nghiệp liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo. Ảnh: Đại Việt

Ngày 30/7, Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị này đang tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 16 doanh nghiệp nhập khẩu hàng Asanzo sau khi có chỉ đạo của Tổng cục Hải quan.

Danh sách 16 doanh nghiệp bị kiểm tra gồm: Công ty TNHH SX TM Đầu tư Văn Đoàn, Công ty TNHH SX TM Việt Nhung, Công ty TNHH Đầu tư XNK Trường Thiện, Công ty TNHH Phát triển TM Việt Hương, Công ty TNHH Đầu tư SX TM Lê Sơn, Công ty TNHH TM XNK Hồng Diễm, Công ty CP SX Tuấn Phát, Công ty TNHH TM DV Hương Lê Phát, Công ty TNHH XNK Văn Mạnh Cường, Công ty TNHH TM Phát triển DV TM Toàn Cầu Phát, Công ty TNHH Đầu tư SX An Nhiên, Công ty TNHH SX TM Nhật Văn, Công ty TNHH SX TM Nguyễn Kim Phát, Công ty TNHH SX TM Phạm Gia Khang, Công ty TNHH SX TM Toàn Gia Phát, Công ty TNHH Đầu tư Cẩm Nguyên.

16 doanh nghiệp nêu trên sẽ được Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan TPHCM) đến trụ sở đăng ký kinh doanh để công bố và thực hiện kiểm tra hồ sơ nhập khẩu hàng hóa nhằm làm rõ có hay không hành vi gian lận, trốn thuế của các doanh nghiệp này.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan TPHCM đã ban hành quyết định kiểm tra sau thông quan đối với 14 công ty nhập khẩu hàng hóa và linh kiện mang nhãn hiệu Asanzo.

Chi cục Kiểm tra sau thông quan đã cử công chức đến địa chỉ đăng ký kinh doanh của 14 công ty nói trên để công bố quyết định kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tất cả các địa chỉ này đều không có doanh nghiệp nào hoạt động, mà chỉ là nhà dân, quán cà phê... hoặc địa chỉ không có thật.

Công an và chính quyền địa phương cũng xác nhận với cơ quan hải quan về việc các doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Chính vì vậy, lực lượng hải quan chưa thể thực hiện được việc kiểm tra sau thông quan để làm rõ có hay không hành vi gian lận, trốn thuế của các doanh nghiệp này.

Hiện Cục Hải quan TPHCM đang phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục làm rõ việc nhập khẩu hàng hóa Asanzo liên quan đến các doanh nghiệp nêu trên.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng đã có văn bản gửi Tổng cục Quản lý thị trường về việc rà soát các doanh nghiệp có liên quan đến hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo.

Theo đó, Cục Quản lý thị trường thành phố đã xem xét 35 tổ chức, cá nhân có xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá mang nhãn hiệu Asanzo do Cục Hải quan TPHCM cung cấp.

Sau khi tra cứu thông tin, Cục quản lý thị trường thành phố nhận thấy Công ty TNHH KDDI Việt Nam tại TPHCM không tra cứu được thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Có 3 doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở không thuộc địa bàn TPHCM. Thứ nhất là Công ty TNHH Poylink vẫn đang hoạt động có trụ sở ở Bình Dương. Đại diện pháp luật của công ty là bà Võ Thị Huyền Trân.

Công ty thứ hai là Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ điện tử Asanzo có trụ sở ở Long An. Đại diện pháp luật của công ty là Lê Hải Dương.

Thứ ba là Công ty TNHH Lotte Global Logistics Việt Nam ở Long An. Đại diện pháp luật của công ty là Jun Woo Young.

Trong số 15 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có liên quan tới Asanzo đã giao cho các đội quản lý thị trường thẩm tra, xác minh thì hầu hết các doanh nghiệp đều không có hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đăng ký hoặc địa chỉ không có thật.... Còn lại hàng chục doanh nghiệp khác vẫn đang được lực lượng quản lý thị trường xác minh.

Đại Việt