1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiếp tục cuộc đua giảm cước di động

Trong tuần vừa qua, cuộc đua về cước thông tin di động lại một lần nữa được VNPT thổi bùng lên bằng việc tiếp tục đề nghị lên Bộ Bưu chính Viễn thông cho giảm cước thông tin di động.

Theo VNPT, sức ép giảm cước của 6 triệu khách  hàng đang gia tăng thông qua hệ thống trả lời của hai mạng Vinaphone và MobiFone. Trong tháng 7 vừa qua, đã có hơn 61.000 thuê bao đã rời khỏi mạng Vinaphone và 17.000 thuê bao rời khỏi MobiFone do phải chịu một mức cao cả  về mức cước và phương thức tính cước.

Chính bởi lý do này, VNPT đã một lần nữa “thống thiết” đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông xem xét và phê duyệt phương án giảm giá cước đối với dịch vụ điện thoại di động GSM chậm nhất là trước ngày 1/9/2005.

Đặc biệt, lời đề nghị này được đưa ra vào đúng thời điểm kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của ngành bưu điện Việt Nam.

Theo phương án giảm cước điện thoại di động mới, mức sàn cước liên lạc sẽ thấp hơn khoảng 19% so với mức sàn cũ. VNPT đề nghị được giảm cước thuê bao đối với điện thoại di động trả sau khung cước xuống bằng 50.000-72.727 đồng/tháng/máy và đối với điện thoại di động thuê bao ngày khung cước xuống bàng 1364-1818 đ/ngày/máy.

Quan trọng hơn, VNPT đề nghị thay đổi phương thức tính cước từ 30 giây + 1 đến 30 giây + 6 giây.

Khi mạng lưới được bổ sung năng lực tốt hơn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển thuê bao, từ ngày 1/10/2005, VNPT đề nghị Bộ Bưu chính Viễn thông cho VNPT  tiếp tục được giảm cước. Đối với điện thoại di động trả sau khung cước xuống bằng 636-727 đồng/30 giây, đối với điện thoại di động trả trước thuê bao ngày khung cước xuống bằng 682-818 đồng/giây, đồng thời vẫn áp dụng phương thức tính cước 30 giây + 6 hoặc 30 giây + 1 và điều chỉnh cước hòa mạng xuống còn 50.000-100.000 đồng/máy/lần.

Đồng thời với khung cước, VNPT tiếp tục đề nghị Bộ phê duyệt cơ chế cho phép VNPT được giảm giá tối đa 20% cho các khách hàng sử dụng nhiều. Hình thức giảm sẽ được áp dụng dưới dạng các gói cước, từ gói G1 với 1.000 block 06 giây giá 194.000 đồng đến gói G5 với 6.000 block 6 giây, giá 789.000 đồng.

Mặc dù vẫn tiếp tục không đồng tình với đề nghị hạ giá cước thông tin di động của VNPT nhưng các doanh nghiệp mới cũng đã phải chuẩn bị tính đến phương án giảm  giá cước của VNPT sẽ được Bộ Bưu chính Viễn thông phê duyệt.

Mà theo nhiều chuyên gia và nhà báo chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, phương án này tuy có thể chưa được thông qua vào thời điểm 1/9/2005 (như đề nghị của VNPT), nhưng chắc chắn cũng sẽ được phê duyệt vào một thời điểm muộn hơn, có thể là trong 2-3 tháng cuối năm nay.

Ông Bùi Đức Ngoãn, Phó giám đốc Viettel Mobile - doanh nghiệp mới hiện có tốc độ phát triển thuê bao nhanh nhất hiện nay - cho biết: dù không mong muốn nhưng nếu phương án giảm giá cước của VNPT được phê duyệt thì Viettel Mobile cũng sẽ buộc phải chỉ đạo toàn tổng công ty tiết kiệm chi phí, làm thế nào để có mức giá tốt nhất và chất lượng tốt nhất cho khách hàng.

Tuyên bố của ông Ngoãn cũng hàm ý một cách rõ ràng rằng: nếu phương án giảm cước của VNPT được Bộ đồng ý thì Viettel Mobile cũng sẽ tiếp tục đề nghị được giảm cước để giữ được mức cước và phương án tính cước có lợi cho khách hàng hơn là của VNPT.

Trong khi khách hàng là người tiếp tục được hưởng lợi nhờ cuộc đua giá cước thì các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp mới, phải chịu sức ép lớn từ việc hạ giá cước, thậm chí sẽ có doanh nghiệp phải cắn răng chịu lỗ để cung cấp dịch vụ tới khách hàng.

“Các doanh nghiệp mới đang gặp nhiều bất lợi như mới thành lập, kinh nghiệm ít, số lượng thuê bao ít, chưa kịp khấu hao máy móc, thiết bị cùng với một khoản đầu tư khổng lồ đã bỏ ra, nhưng chúng tôi không thể dừng lại - một đại diện của doanh nghiệp mới khẳng định.

Trong cuộc đua giảm cước này, Bộ Bưu chính Viễn thông trong vai trò quản lý Nhà nước trở thành tâm điểm chờ đợi của doanh nghiệp và khách hàng. Bộ Bưu chính Viễn thông đang đứng giữa sự thúc ép của doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế là VNPT, đề nghị được giảm cước thông tin di động và một bên là các doanh nghiệp mới đề nghị chưa cho VNPT giảm cước.

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh bắt đầu khốc liệt và nhất là trong môi trường hội nhập của những năm tới, dự báo vai trò của Bộ Bưu chính Viễn thông sẽ còn “nặng” hơn rất nhiều.

Sức ép từ khách hàng của VNPT đã chuyển sang cho Bộ Bưu chính Viễn thông và Bộ này sẽ tiếp tục còn phải “khó xử” trong việc làm thế nào để hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa doanh nghiệp cũ và doanh nghiệp mới.

Theo VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm