Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh ngoại hối
(Dân trí) - Thời điểm cuối năm, hoạt động mua, bán ngoại tệ trái pháp luật càng diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách ngoại hối… là lý do khiến Ngân hàng Nhà nước một lần nữa phối hợp cùng các bộ ban ngành ra quân chấn chỉnh hoạt động này.
Ngày 15/12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức cuộc họp về việc phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh ngoại hối cùng đại diện các Bộ: Công Thương (Cục Quản lý thị trường), Công An (Cục bảo vệ An ninh Kinh tế, Cục Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự Quản lý Kinh tế và Chức vụ), đại diện Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Giám đốc NHNN chi nhánh Thành phố Hà Nội, TPHCM.
Theo NHNN, vào thời điểm cuối năm, hoạt động mua, bán ngoại tệ trái pháp luật càng diễn ra tinh vi, phức tạp, làm ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách ngoại hối. Việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do không chỉ công khai như trước mà còn có các hình thức giao dịch ngầm. Do vậy, việc bắt quả tang hành vi mua bán ngoại tệ trái phép để xử lý gặp nhiều khó khăn.
Hơn nữa, sự tồn tại của thị trường ngoại tệ tự do song song với thị trường chính thức với sức lan truyền của các tin đồn thất thiệt đã tạo tâm lý lo ngại cho người dân. Tại nhiều thời điểm, tỷ giá trên thị trường tự do có độ vênh lớn so với thị trường chính thức đã tạo điều kiện cho hoạt động găm giữ, đầu cơ, lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối.
Qua kiểm tra, các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung ở các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc, không thuộc đối tượng được NHNN cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ và diễn biến phức tạp ở Hà Nội và TPHCM...
Thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan thực hiện chấn chỉnh tình trạng quảng cáo, niêm yết giá bằng ngoại tệ sai quy định và hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép.
UBND các tỉnh, thành phố và các bộ liên quan cũng có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp kiểm tra các hành vi thu đổi ngoại tệ, niêm yết, quảng cáo giá hàng hoá và dịch vụ bằng ngoại tệ trái pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Việc phối hợp trên đã đạt được nhiều kết quả, góp phần giữ ổn định thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, theo đánh giá của NHNN, diễn biến phức tạp, bất ổn của thị trường ngoại tệ và vàng trong thời gian qua có nguyên nhân là một số tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom ngoại tệ, thực hiện kinh doanh mua, bán ngoại tệ trái phép, làm lũng đoạn thị trường, đồng thời đưa các tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang, bất ổn cho người dân làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ.
Trước tình hình đó, trong cuộc họp ngày 15/12, NHNN đã cùng các bộ, ngành thống nhất kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Bộ Công An phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán ngoại tệ, đặc biệt các cửa hàng kinh doanh vàng bạc; chỉ đạo Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát thực hiện điều tra nhằm phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân chủ mưu, lũng đoạn thị trường.
Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an kiểm tra hoạt động của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mua, bán ngoại tệ, đặc biệt các cửa hàng kinh doanh vàng bạc; chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tập trung lực lượng mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép và niêm yết, quảng cáo giá hàng hoá và dịch vụ bằng ngoại tệ sai quy định của các tổ chức, cá nhân trong cả nước.
UBND Thành phố Hà Nội và TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện đợt kiểm tra liên ngành với các nội dung cụ thể trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố…
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết: Thời gian tới, NHNN sẽ tổ chức họp giao ban mỗi tháng một lần với các Bộ và UBND thành phố để kịp thời phát hiện những vướng mắc và kiến nghị, đưa ra biện pháp thích hợp trong quá trình triển khai. NHNN sẽ rà soát các chủ trương, chính sách để làm cơ sở triển khai trong năm 2010.
Bên cạnh đó, năm 2010, NHNN dự kiến sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện tuyên truyền sâu, rộng để các cơ quan, đơn vị, cá nhân nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa chủ trương, qua đó hạn chế và tiến tới xoá bỏ tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế.
An Hạ