1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiếp cận vốn vay: Vẫn khó

Trái ngược với lượng thông tin được công bố rầm rộ về các chương trình cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp, khả năng tiếp cận vốn vay giá rẻ của số đông các DN vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, khi mà chính các ngân hàng cũng khó kiếm nguồn vốn đầu vào.

Khó tiếp cận

 

“Cho đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ động thái nào (giảm lãi suất) từ phía NH trong lúc theo thông lệ mỗi lần có thay đổi lãi suất - nhất là tăng lãi suất – NH đều yêu cầu DN đến ký vào bản cam kết vay với mức lãi suất tăng” – Giám đốc CTCP  Tiến Mạnh (Phổ Yên – Thái Nguyên), Phan Nhất Thống chia sẻ.

 

Ngay với các thông tin về việc NH công bố giảm lãi suất, vị giám đốc DN này cũng chỉ mới biết qua các phương tiện thông tin đại chúng mà chưa nhận được thông báo chính thức từ phía NH.

 

Nhìn nhận việc đưa lãi suất cho vay về 17-19%/năm là một trong những động thái tích cực, nhằm giúp đỡ các DN vượt qua khó khăn, nhất là các DN thuộc lĩnh vực chăn nuôi - trồng trọt, song người đứng đầu DN hoạt động trong cùng lĩnh vực trên vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay trong thời gian tới có thể về mức 1-1,1%/tháng (tương đương 12-13,2%/năm).

 

“Hiện chúng tôi vẫn đang trả nợ vốn NH với lãi suất vay vốn giữ nguyên như trước các thông tin điều chỉnh” - ông Phan Nhất Thống cho hay.

 

Không hề giấu giếm, TGĐ Cty May liên doanh Kyung Viet (Hưng Yên) - ông Nguyễn Quốc Lập đưa ý kiến, NH công bố giảm lãi suất nhưng thực chất của vấn đề như thế nào vẫn phải chờ vì e rằng lãi suất chỉ xuống một thời gian ngắn hoặc chỉ ảo bề ngoài.

 

DN này cho rằng, các NHTM tiềm lực lớn thống nhất được định hướng đó, nhưng với các NHTMCP nhỏ phải tự huy động vốn, không huy động được tiền gửi thì không thể giảm lãi suất cho vay được.

 

“Do vậy, việc giảm lãi suất cần phải được giải quyết bằng biện pháp kinh tế chứ không chỉ là các biện pháp hành chính” - người đứng đầu DN may trên cũng cho rằng, gốc rễ của vấn đề là phải hạ được tỉ lệ lạm phát xuống và khi tỉ lệ lạm phát giảm, buộc các NH phải giảm lãi suất. Chưa kể trong thời điểm hiện nay, giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn tăng cao chưa có dấu hiệu giảm, tới đây lại tăng giá điện, các DN vẫn chưa hết khó.
 
Tiếp cận vốn vay: Vẫn khó  - 1

 

Cho vay thận trọng

 

Với các thông tin được công bố, thực tế cho thấy đến nay mới có số ít DN tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất thấp. Công bố hai DN Quyết Thắng và Đại Thanh hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thiết bị inox và sản xuất dây cáp điện vừa được vay vốn lãi suất 17-19%/năm, song TGĐ NH DN Maritime Bank – ông Nguyễn Hoàng Linh cũng phải nhìn nhận rằng, tình hình lãi suất trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán trước. Chưa kể, việc giảm lãi suất cho vay trong tình hình khó khăn chung như hiện nay cũng tạo rất nhiều áp lực đối với khối NH.

 

Thực tế, dù công bố các gói tín dụng ưu đãi từ 500 -1.000 tỉ đồng (tại các NHTM nhỏ) đến 10.000 tỉ đồng (như tại BIDV), mức lãi vay ưu đãi hoàn toàn không áp dụng cho toàn bộ các DN sản xuất kinh doanh.

 

Các NHTM hầu như công bố rất rõ ràng chỉ áp dụng các khoản vay ưu đãi với các khách hàng ruột (tốt), trong nhóm ưu tiên và chắc chắn phải có phương án hay dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Việc định giá phương án hay sản xuất kinh doanh như thế nào là hiệu quả chắc chắn sẽ tốn không ít thời gian và thông thường, DN có tài sản đảm bảo vẫn được ưu ái hơn. Với một loạt các điều kiện tín dụng khắt khe, DN sẽ phải tự “lựa sức mình” trước khi đặt đề bài vay vốn NH.

 

Trong bối cảnh nợ xấu NH tăng cao so với thời điểm cuối năm 2010 (tỉ lệ 3,04% vào cuối tháng 7 so với mức 2,16% cuối năm 2010), việc kiểm soát chất lượng tín dụng và thận trọng trong cho vay là hoàn toàn dễ hiểu.

 

Dù đưa ra các chương trình tín dụng ưu đãi lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng, Chủ tịch HĐQT BIDV - ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng tại NH này trong các tháng cuối năm vẫn phải gắn với đảm bảo an toàn vốn vay, kiểm soát nợ xấu và thực hiện việc kiểm soát chất lượng tín dụng đến từng khách hàng.

 

Các khoản vay ngắn hạn và cho các khách hàng tốt theo đó vẫn là đối tượng tập trung của BIDV. Song cũng theo ông Trần Bắc Hà, các DN có thể lựa chọn giải pháp thực hiện đảo nợ các khoản vay cũ có lãi suất cao sang vay các khoản vay mới có lãi suất ưu đãi.

 

“Một số ý kiến cho rằng việc này có thể sẽ dẫn đến các tiêu cực (giữa NH với khách hàng) song tôi cho rằng đây là hoạt động tín dụng bình thường và là quyền lợi của khách hàng” - ông Trần Bắc Hà chia sẻ.

 

Thị trường xáo trộn vì trần lãi suất 14%(?)

 

Sau một thời gian dài ổn định với xu hướng giảm rõ rệt, lãi suất vốn trên thị trường liên NH thời gian gần đây tăng nóng ở nhiều kỳ hạn. Cuối tuần qua lãi suất tiếp tục tăng mạnh, lên 14-15% đối với kỳ hạn qua đêm, 16-17% đối với một tuần, 16,5-17,5% đối với kỳ hạn hai tuần và 17,5%-18% đối với kỳ hạn một tháng. Số lượng các NHTM tham gia trên thị trường mở (OMO) cũng tăng mạnh từ khoảng 10 lên khoảng 30 NH mỗi phiên trong tuần.

 

Theo nhóm chuyên gia CTCK Thăng Long (TLS), nguyên nhân chính của sự xáo trộn trên thị trường tiền tệ là do có khoản tiền tái cấp vốn của một số NHTM lớn đáo hạn, nhưng không được gia hạn thêm bởi NHNN. Ngoài ra, tâm lý chuẩn bị cho lãi suất huy động giảm xuống còn 14% cũng có thể là một lý do để các NHTM tăng cường vay mượn lẫn nhau và vay NHNN.

 

Song theo TLS, biến động này không đáng ngại do tuần qua NHNN bơm mạnh 21.000 tỉ đồng qua kênh thị trường mở (tương đương lượng tiền đáo hạn trên kênh tái cấp vốn).  TLS kỳ vọng NHNN sẽ hỗ trợ thêm thanh khoản cho các NHTM nhỏ và có thể thông qua công cụ tái cấp vốn. Với việc đảm bảo thanh khoản cho các NHTM nhỏ, một số ý kiến cho rằng sẽ ngăn ngừa được cuộc chạy đua lãi suất giữa các NHTM. Điều này cùng với việc quyết liệt đưa lãi suất huy động về 14% sẽ giúp cho lãi suất cho vay có thể hạ xuống mức 17-19%.

 

Nhận định trên có nhiều cơ sở khi nhiều tổ chức đầu tư chung nhận định rằng, việc đồng loạt thực hiện quy định trần lãi suất chắc chắn sẽ khiến các NH nhỏ gặp không ít khó khăn trong cuộc đua huy động vốn với các NH có uy tín và quy mô lớn hơn.

 

Theo Đặng Tiến - Văn Nguyễn

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm