Tiếp cận nguồn lực từ Gig economy, doanh nghiệp cần có "chiêu"
(Dân trí) - Trước sự trỗi dậy của nền kinh tế Gig (Gig economy), để không bị động khi tiếp cận nguồn nhân lực dồi dào này, doanh nghiệp Việt có thể cân nhắc lựa chọn sử dụng các nền tảng công nghệ trung gian hoặc dịch vụ thuê ngoài nhân sự từ bên thứ ba.
Gig economy: Sự bùng nổ của thị trường lao động tự do
Gig economy là cụm từ để chỉ nền kinh tế mà ở đó các công ty chủ trương thuê lao động tự do và chuyên gia hoạt động độc lập. Thị trường nhân sự này từng nổ ra một cuộc tranh cãi bởi vào thời điểm ra đời, những quyền cơ bản của người lao động độc lập có nhiều hạn chế. Đồng thời, thù lao của họ chỉ được trả tương ứng với kết quả, không bao gồm thuế và bảo hiểm.
Tuy nhiên, Covid-19 đã thay đổi góc nhìn của thị trường thế giới đối với Gig economy. Thay vì đối mặt với định kiến, giờ đây, nền kinh tế Gig trở thành "người bảo vệ" để duy trì tài chính của người dân trong đại dịch. Ngày càng có nhiều lao động cân nhắc "ghi danh" vào Gig economy bởi tính tự do và chủ động, theo nhận định của tờ báo Hoa Kỳ - Diginomica. Trong khi đó, theo nghiên cứu năm nay của Gartner, 32% doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn nhân viên thời vụ để tối ưu hóa chi phí vận hành và dễ dàng bổ sung đội ngũ lao động tài năng trong thời gian ngắn.
Với những lợi ích "tiện cho doanh nghiệp - lợi cho lao động", từ năm 2020, tỷ lệ tăng trưởng của Gig economy đạt 33%. Công ty nghiên cứu thị trường Statista dự đoán đến năm 2027, Gig economy sẽ chào đón một nửa dân số Hoa Kỳ trong khi con số lao động tự do chỉ riêng năm nay đã làkhoảng 2 triệu người. Trên thế giới, cũng có khoảng 1,1 tỷ người đang hoạt động trong nền kinh tế này.
Theo bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng cấp cao và Nhân sự thuê ngoài của Talentnet, sự lên ngôi của nền kinh tế Gig là một xu hướng tất yếu của thời đại bởi đây là mối quan hệ win-win của người lao động độc lập và doanh nghiệp. Theo đó, người lao động "ghi danh" vào nền kinh tế này có thể chủ động trong việc quản lý thời gian, gia tăng thu nhập ngay tại nhà. Còn doanh nghiệp có thể tối ưu hóa chi phí, mở rộng tiềm lực nhân sự nội tại để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho đơn vị. Gig economy cũng đã "nở rộ" rõ nét ở Việt Nam hậu đại dịch với lượng lao động gia nhập ngày một đông đảo, dù chưa có con số thống kê cụ thể.
Đâu là "bộ đôi" giúp doanh nghiệp gia nhập Gig economy?
Trước đà tăng trưởng nhanh chóng của Gig economy, bà Lý Ngọc Trân bật mí 02 gợi ý dưới đây để doanh nghiệp không bối rối khi tiếp cận nguồn lực dồi dào của nền kinh tế này:
Tìm kiếm ứng viên tiềm năng từ nền tảng trung gian: Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, nhiều ứng dụng cung cấp lao động phiên bản "digital" ra đời, có thể kể đến như Upwork, Freelancer, Fiverr, LinkedIn,… Doanh nghiệp Việt có thể chủ động tiếp cận và lựa chọn những ứng cử viên sáng giá với đầy đủ thông tin. Tuy nhiên, mặt hạn chế của các nền tảng trung gian này là doanh nghiệp không thể xác thực tài khoản, cũng như không thể kiểm chứng được thông tin của họ cho đến khi phỏng vấn trực tiếp.
Chọn thuê ngoài nhân sự - Sự bảo đảm của chất lượng: Doanh nghiệp có thể cân nhắc lựa chọn thuê ngoài nhân sự từ bên thứ ba để tiết kiệm thời gian tìm kiếm và an tâm về chất lượng của "bộ lọc". Không chỉ hỗ trợ tìm kiếm ứng cử viên tiềm năng và hợp nhu cầu, uy tín của doanh nghiệp cũng thăng hạng khi sử dụng dịch vụ từ bên thứ ba vì đảm bảo tuân thủ các quy định sử dụng lao động tự do của Nhà nước và quyền lợi cho cả ba bên: doanh nghiệp - bên thứ ba - người lao động tự do.
"Gig economy mở ra cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn ứng viên dồi dào, đa dạng trong thị trường lao động tự do nhưng đồng thời cũng đem đến thách thức cho bộ phận Nhân sự trong việc nhanh chóng tìm được ứng viên chất lượng. Các nhà quản trị nhân sự cần cẩn trọng cân nhắc, tìm kiếm nhân sự phù hợp với các tiêu chí đề ra và kiểm tra chặt chẽ thông tin ứng viên để tránh lựa chọn ứng viên kém chất lượng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp." - bà Trân cho biết.
Có thể thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp "ghi danh" vào nền kinh tế Gig bởi những tiện ích cho cả người lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh các nền tảng công nghệ trung gian, những nhà lãnh đạo có thể cân nhắc thuê ngoài nhân sự từ đơn vị thứ ba để vừa đảm bảo chất lượng nguồn lao động tự do, vừa tuân thủ các quy định từ Nhà nước.