Tiền vào thị trường "cạn kiệt", VN-Index lay lắt sau sóng gió
(Dân trí) - Khởi đầu phiên thuận lợi với tín hiệu hồi phục khá rõ rệt song do tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư, VN-Index quay đầu giảm cuối phiên sáng. Thanh khoản trên sàn HSX chưa tới 9.000 tỷ đồng.
Thanh khoản "mất hút"
Tạm đóng cửa phiên sáng, VN-Index đang dừng chân tại 1.291,61 điểm, ghi nhận sụt giảm 4,69 điểm, tương ứng 0,36%. VN30-Index giảm 7,99 điểm tương ứng 0,55% còn 1.435,11 điểm. Ngược lại, HNX-Index vẫn đạt trạng thái tăng 2,04 điểm tương ứng 0,7% lên 295,02 điểm. UPCoM-Index tăng 0,95 điểm tương ứng 1,13% lên 84,84 điểm.
Như vậy, nhà đầu tư có thể tạm yên tâm vì đà bán tháo đã không còn tiếp diễn. Thị trường cầm cự quanh vùng tham chiếu, tài khoản nhiều nhà đầu tư đã bớt thiệt hại.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của thời điểm này là thanh khoản cạn kiệt.
Tổng giá trị giao dịch trên HSX toàn phiên buổi sáng chỉ mới dừng ở 8.733,69 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch 296,41 triệu đơn vị. Những con số rất khiêm tốn so với giai đoạn trước khi mà thanh khoản thường duy trì trên mức 15.000 tỷ đồng, thậm chí là đạt trên 20.000 tỷ đồng. Tổng khối lượng giao dịch trên HNX là 61,56 triệu cổ phiếu tương ứng 1.298,68 tỷ đồng và trên UPCoM là 26,93 triệu cổ phiếu tương ứng 425,92 tỷ đồng.
Sự "mất hút" của thanh khoản phản ánh rõ tâm lý phòng thủ của những nhà đầu tư giữ vị thế tiền mặt. Dòng tiền lớn vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc, trong khi đó, vẫn có nhiều người ôm cổ phiếu, canh nhịp hồi phục nhằm hạ tỷ trọng.
Điểm tích cực là số lượng mã tăng giá đang chiếm ưu thế so với phía giảm giá. Có 471 mã tăng, 23 mã tăng trần so với 269 mã giảm, 20 giảm sàn. Giữa lúc rổ VN30 có sự phân hóa với 12 mã tăng giá, 15 mã giảm thì một số cổ phiếu nhỏ lại có diễn biến khá tích cực trong bối cảnh thị trường giằng co. DCL, ABS tăng trần, TTB tăng 6,7%; ITD tăng 5,7%; TN1 tăng 5,5%; TDG tăng 5,4%.
Cổ phiếu vốn hóa trung bình như PSH cũng tăng trần; VSH tăng 6,6%; GEG tăng 6,8%; SCR tăng 3,6%; TLG tăng 3,1%; KBC tăng 2,4%. Phần lớn cổ phiếu chứng khoán đã hồi phục sau khi bị bán mạnh. BVS tăng 3,6%; SBS tăng 3,4%; VND tăng 2,9%; BSI tăng 2,6%; AAS tăng 2,6%...
Nhóm ngân hàng có VBB, ABB, KLB, SGB, BID, NAB, OCB… cũng đang hồi phục song VCB, LPB, EIB, HDB, PGB, VIB, NVB vẫn giảm giá.
Mở phiên xanh, hồi là bán
Trước đó, phiên giao dịch sáng 13/7 diễn ra trong sự hồi hộp, trông chờ của giới đầu tư, bởi trước đó, thị trường đã trải qua một tuần giao dịch tiêu cực cũng như có một phiên bán tháo tồi tệ nhất, có lúc VN-Index bị "thổi bay" 76 điểm.
Kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO), VN-Index hồi phục khá với mức tăng gần 10 điểm lên 1.306 điểm. VN30-Index cũng tăng hơn 12 điểm lên 1.455 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index cũng đang có khởi đầu thuận lợi với diễn biến tăng giá đầu phiên.
Cổ phiếu dòng ngân hàng và chứng khoán hồi phục trước tiên. Phần lớn cổ phiếu trong nhóm này đều hồi phục đáng kể, tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn chưa thật sự ổn định.
Mặc dù áp lực bán không còn mạnh, đang có tình trạng canh giá cao để thoát hàng. Chính vì vậy, mỗi lần VN-Index hồi phục trên 1.300 điểm sẽ lại có tình trạng bán chốt khiến chỉ số quay đầu.
Trong nhóm cổ phiếu lớn, sự hồi phục tại GAS, VHM, HPG, VRE, BID, CTG, HVN, PLX… cũng đang hỗ trợ đáng kể cho chỉ số.
Đến khoảng 9h55, VN-Index quay đầu giảm, mất 4,8 điểm về sát vùng 1.290 điểm.
Sẽ có hồi phục kỹ thuật
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán AseanSC, trong phiên giao dịch hôm nay, áp lực giải chấp có thể khiến chỉ số VN-Index giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.280 - 1.290 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.260 - 1.270 điểm.
Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Còn Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng, thị trường sẽ thường xuyên xuất hiện các phiên tăng giảm xen kẽ biên độ lớn trong thời gian này do tình hình dịch bệnh tại các vùng kinh tế trọng điểm tiếp tục diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, kỳ vọng từ kết quả kinh doanh quý II không còn nhiều khi mà các doanh nghiệp trụ cột đã dần công bố con số ước tính.
Trong ngắn hạn, Agriseco cho rằng lực cầu bắt đáy ngày 12/7 là một tín hiệu tích cực. Nếu xuất hiện những nhịp hồi kỹ thuật thì nhà đầu tư có thể tận dụng để bán các mã đầu cơ và tái cơ cấu danh mục. Với các mã đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò tại vùng giá điều chỉnh phiên hôm nay.
Thông tin hỗ trợ thị trường phiên hôm nay đó là sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán quốc tế.
Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên 12/7 đã tăng mạnh và đồng loạt vượt đỉnh. Dow Jones tăng 126,02 điểm, tương đương 0,36%, lên 34.996,18 điểm, vượt đỉnh lịch sử 34.870,16 điểm thiết lập hôm 9/7.
S&P 500 cũng vượt đỉnh lịch sử khi tăng 15,08 điểm, tương đương 0,35%, lên 4.384,63 điểm. Nasdaq tăng 31,32 điểm, tương đương 0,21%, lên 14.733,24 điểm và cũng vượt đỉnh vừa thiết lập ngày 9/7.
Về thông tin dịch Covid-19 trong nước, theo Bộ Y tế, tính từ 19h ngày 12/7 đến 6h ngày 13/7, nước ta có 466 ca mắc mới. Trong số này có một ca nhập cảnh và 465 ca lây nhiễm trong nước, 416 ca được phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa. Số ca mắc mới chủ yếu tại TPHCM, Long An, Vĩnh Long và Đồng Nai.