1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tiền ơi, về đâu!

Thị trường tiền tệ đang có sự thay đổi khi 2 ngày nay, lãi suất huy động VNĐ được một số ngân hàng điều chỉnh giảm tới 1%. Đây có thể là động thái đón đầu đợt cắt giảm lãi suất sắp tới của Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, nơi trú ẩn cuối cùng của dòng tiền, vốn được nhiều người xem là hợp lý nhất thời điểm này, đã bắt đầu lung lay.

 

Thông thường, với nhiều người dân, tiền gửi tiết kiệm là để phòng thân. Với sự bất ổn của 3 kênh đầu tư vàng, bất động sản và chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm còn được xem là để chờ thời. Hiện lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng phổ biến ở mức  khoảng 7,8% - 8%/năm, từ 12 tháng trở lên khoảng 10%-11%/năm. So với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm nay, gửi tiết kiệm chí ít cũng là giữ an toàn được đồng vốn. Nhưng nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm thì sự hấp dẫn chắc chắn sẽ không còn.

 

Trong bối cảnh ấy, nhiều khả năng một dòng tiền lớn sắp tới sẽ bung ra thị trường. Nếu không có biện pháp nắn dòng, những đồng tiền này rất dễ chảy vào tín dụng đen, cho vay nặng lãi giữa cá nhân, vay chéo lẫn nhau theo phương thức thỏa thuận giữa các doanh nghiệp...

 

Thực tế trên cho thấy rằng đưa dòng tiền đi đúng hướng là vấn đề nóng hiện nay của nền kinh tế. Bền vững hơn cả là khơi thông đồng vốn vào sản xuất - kinh doanh. Động thái giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sắp tới là một giải pháp được cả xã hội mong chờ. Bên cạnh đó, cần hạn chế tăng giá các mặt hàng Nhà nước độc quyền để kiềm chế lạm phát, tạo lãi suất tiền gửi thực dương thu hút nguồn vốn.

 

Có ý kiến đề nghị đã đến lúc thả nổi lãi suất, để thị trường tự điều chỉnh. Như vậy, sẽ giảm áp lực cho cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Vấn đề sống còn là cơ chế quản lý hữu hiệu, giám sát các khoản vay hiệu quả, để đồng tiền đi liền trách nhiệm. Cái giá phải trả cho những phi vụ làm ăn phiêu lưu, lách các kẽ hở luật pháp để tạo lợi ích cục bộ khiến nợ xấu ám ảnh cả nền kinh tế suốt thời gian qua, ở một góc độ nào đó, cũng xuất phát từ cơ chế quản lý, chính sách. 

 

Một câu hỏi cũng cần phải đặt ra là có cần cứu thị trường bất động sản hay không khi chính Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhìn nhận giá nhà đất tại Việt Nam đã tăng hơn 100 lần trong vòng 20 năm. Giá nhà ở trung bình cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hằng năm của người lao động, cao hơn gấp 5 lần so với các nước phát triển! Như vậy, cho dù được vay vốn mua nhà với lãi suất 6%/năm thì cũng không có mấy người lao động dám vay mua nhà. Ngân hàng cũng không dại gì nắm người “không có tóc”. Nói sơ qua cũng đã có thể hình dung điểm rơi của gói tín dụng giá rẻ 30.000 tỉ đồng...!

 

Dòng tiền đi về đâu để tạo khởi sắc cho nền kinh tế, câu trả lời nằm ở cơ chế kiểm soát, quản lý và những chính sách khả thi.

 

Theo Minh Hà

NLĐ