1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tiền ngân hàng trả lại ngân hàng!

Đang xuất hiện hai thái cực trong nền kinh tế: lãi suất trái phiếu, tín phiếu và liên ngân hàng xuống mức thấp cực điểm kể từ năm 2007; doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn, tiếp tục vật lộn trong khi hàng tồn kho vẫn ứ đọng.

Tiền không thể đến nơi cần vốn, nó đang quay trở lại ngân hàng!

Tiền ngân hàng trả lại ngân hàng!
(Ảnh minh họa)

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng 3%/năm

Có lẽ chưa bao giờ trong vòng năm năm qua lãi suất qua đêm liên ngân hàng lại được chào mời ở mức thấp như vậy. Theo BIDV, tuần trước lãi suất từ qua đêm đến một tuần dao động trong khoảng 3-4%/năm, thậm chí lãi suất một tháng cũng chưa tới 7%/năm. Các ngân hàng quốc doanh (hoặc vừa cổ phần hóa) và nước ngoài - những lực lượng chủ đạo của ngành tài chính - là người chào bán và các công ty tài chính, ngân hàng cổ phần nhỏ là người mua. Người bán áp đảo người mua, nguồn cung áp đảo cầu, nên theo qui luật thị trường, giá hạ. Sự tụt áp của lãi suất khiến người ta nhớ lại tốc độ lao dốc của thị trường chứng khoán tháng 11 năm ngoái. Chỉ khác là khi đó chứng khoán đã “chết ngất”, còn bây giờ dù lãi suất cận đáy, ngân hàng vẫn sống khỏe.

Thị trường tín phiếu, trái phiếu cũng không khá hơn. Cửa thứ hai khả dĩ để vốn ngân hàng không bị “bức tử” này đang chứng kiến người mua hạ “nốc ao” lãi suất. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn một năm còn 9,3%/năm, kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên không thể vượt qua mốc 10%/năm. Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán ra còn rớt thảm hơn nữa khi kỳ hạn bốn tuần (28 ngày) chạm mức 5%/năm. Giá cao (vì lãi suất thấp) nhưng vẫn còn có hàng mà mua, chứ từ tuần này trở đi có tiền cũng chưa chắc mua được tín phiếu. Chẳng là NHNN vừa quyết định rút ngắn giao dịch tín phiếu từ 1 lần/ngày xuống 1 lần/tuần, chợ từ chỗ ngày nào cũng mở, giờ chỉ mở hàng tuần. Chỉ trong tháng 4-2012 qua kênh tín phiếu NHNN đã hút về 51.000 tỉ đồng, quá đủ để đảm bảo lạm phát chưa thể quay lại tức thì.

Nghịch lý lãi suất hay phản ứng chậm của chính sách?

Các ngân hàng thương mại nói rằng họ buộc phải mua trái phiếu, tín phiếu và giao dịch liên ngân hàng vì vốn đọng nhiều quá. Đây là kênh an toàn, đảm bảo không có nợ quá hạn. Giao dịch liên ngân hàng hiện nay phần lớn phải có tài sản thế chấp bằng vàng, ngoại tệ hay giấy tờ có giá, không phải bất động sản hoặc nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu vốn chứa đựng không ít rủi ro như cho doanh nghiệp vay.
 
Vì sao doanh nghiệp cần vốn, ngân hàng không mặn mà cho vay? Tổng giám đốc một ngân hàng giải thích: “Chúng tôi muốn cho vay lắm chứ và đã hạ lãi suất đầu ra rồi. Những lĩnh vực không ưu tiên cũng chỉ còn 17%/năm, cái chính là doanh nghiệp không hấp thụ được vốn. Họ vay để làm gì khi hàng sản xuất ra không bán được dù lãi suất chỉ 15%/năm? Một số khách hàng của chúng tôi phải hạ giá bán sản phẩm, cắt lỗ mà tiêu thụ vẫn chậm. Với tình trạng này lãi suất 10%/năm họ cũng không vay vì làm gì ra từng ấy phần trăm lợi nhuận, sau khi trừ mọi chi phí khác, để trả lãi ngân hàng?”.

Nghịch lý là ở chỗ này. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tiền đồng tụt dốc, nhưng lãi suất thương mại lại thuộc hàng cao nhất thế giới. Ngay cả so với lãi suất đầu ra đô la Mỹ tại Việt Nam hiện khoảng 7-8%/năm, lãi suất cho vay tiền đồng vẫn gấp đôi. Trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp đã khó lòng chịu được mức lãi suất đó, huống hồ trong bối cảnh sản xuất đình đốn hiện nay, với lãi suất ấy càng vay càng nhanh “chết”.

Ngân hàng giữ lãi suất đầu ra cao vì hai lý do. Thứ nhất, ngân hàng chịu áp lực làm ra lợi nhuận từ phía cổ đông. Gần đây NHNN gợi ý chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay với những lĩnh vực hàm chứa rủi ro (chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng...) không nên quá 6 điểm phần trăm/năm, tức cao nhất là 18%/năm. Song phần lớn các ngân hàng lưỡng lự. Chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra đối với bốn lĩnh vực ưu tiên là 3%/năm, nên ngân hàng muốn chênh lệch với những lĩnh vực còn lại cao hơn để bù vào. Năm ngoái lợi nhuận biên trong tín dụng của các ngân hàng khoảng 4 điểm phần trăm, có ngân hàng tới 5 điểm phần trăm, nay chênh lệch lãi suất như vậy, họ khó tìm được đường gia tăng lợi nhuận.

Thứ hai, trần lãi suất đầu ra vẫn còn quá cao. NHNN có ý điều hành lãi suất theo lộ trình để kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền. Tuy nhiên lộ trình dường như đang lỗi thời so với thực tế. Chỉ số CPI tháng 4-2012 đã rất thấp bất chấp việc tăng giá bán lẻ xăng dầu vào tháng 3. Trong mùa hè này, dự báo lạm phát hàng tháng có thể chỉ trên dưới 0,1-0,3%/tháng, thậm chí âm vì giá bán lẻ xăng dầu vừa giảm, cộng thêm giảm giá khá mạnh của gas, lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, lãi suất tiết kiệm tiền đồng tiếp tục cao hơn 10%/năm so với tiền gửi ngoại tệ (áp dụng cho dân cư), 11%/năm (áp dụng cho doanh nghiệp). Một sự chênh lệch vừa phải, thí dụ 7-8%/năm vẫn có tác dụng giữ ổn định giá trị tiền đồng.

Do đó, để hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, lãi suất huy động phải giảm thêm chừng 2-3 điểm phần trăm/năm và giảm ngay, làm cơ sở hạ lãi suất cho vay. Những biện pháp có tính chiến thuật của cơ quan quản lý như giảm tần suất giao dịch tín phiếu, tái cấp vốn tới 60% qua hồ sơ tín dụng cho những ngân hàng khó khăn thanh khoản nhằm buộc các ngân hàng thừa vốn phải đẩy mạnh cho doanh nghiệp vay có thể sẽ không đạt được mục đích. Ưu tiên hàng đầu của ngân hàng hiện nay là lợi nhuận chứ không phải nghĩa vụ với doanh nghiệp, với nền kinh tế.
 
Được tái cấp vốn, những ngân hàng khó khăn tạm thời sẽ không vay liên ngân hàng nữa, cầu liên ngân hàng đã yếu, lại càng yếu; kênh tín phiếu hẹp lại, kênh trái phiếu phát hành ít đi, chặn các cửa để tiền phải chảy vào doanh nghiệp ư? Không đơn giản như vậy nếu lãi suất huy động vẫn cao. Không cho vay được, không còn cửa cho đầu ra an toàn, ngân hàng sẽ giảm huy động, lãi suất tiền gửi sẽ giảm. Vậy thì tại sao trần lãi suất huy động không đi trước định hướng, giảm ngay từ giờ hoặc bỏ luôn trần? Quan trọng với ngân hàng không phải là lãi suất cao thấp, mà là chênh lệch cho vay - huy động bao nhiêu. Chờ ngân hàng tự nguyện giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất đầu ra, bớt lợi nhuận, chia sẻ khó khăn, khi đó chắc doanh nghiệp và nền kinh tế đến bước đường cùng rồi!
Theo Lưu Hảo
Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm