Tiền gửi dân cư giảm mạnh, thẻ từ ATM bị "khai tử" sau 31/12

Thế Hưng

(Dân trí) - Các tổ chức tín dụng đang gặp nhiều khó khăn khi tỷ lệ nợ xấu đã về ngang năm 2017, tiền gửi dân cư cũng giảm trong 2 tháng liên tiếp là thông tin kinh tế vĩ mô đáng chú ý tuần qua.

Nợ xấu trở lại ngang năm 2017

Trong giai đoạn triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu 2016-2020, sự ra đời của Nghị quyết 42 đóng góp nhiều kết quả trong xử lý nợ xấu. Nợ xấu giảm từ 1,99% cuối năm 2017 xuống 1,91% năm 2018 và chạm mốc 1,63% năm 2019.

Tuy nhiên đến năm 2020, con số này tăng trở lại lên 1,69%, và cuối tháng 9 năm nay là 1,9%, gần như trở lại ban đầu của năm 2017 - trước khi có Nghị quyết 42.

Tính đến cuối tháng 8, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 1,3 triệu tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống là 424.100 tỷ đồng, đã xử lý được 364.100 tỷ đồng kể từ 15/08/2017 đến 31/8 năm nay. 

Ngoài sự ảnh hưởng của dịch Covid-19, đại diện các ngân hàng cho rằng, nguyên nhân còn nằm ở văn bản quy định pháp luật chưa hoàn thiện, nhiều văn bản chưa rõ ràng, chưa hỗ trợ công tác xử lý, thu hồi nợ. Trong khi đó, thị trường hoạt động mua, bán nợ vận hành chưa hiệu quả.

"Khách hàng, chủ tài sản chây ỳ, bất hợp tác, không có ý thức phối hợp trả nợ xử lý tài sản bảo đảm, đồng thời, việc xử lý nợ thông qua cơ quan pháp luật tại một số địa phương còn chậm", đại diện một ngân hàng nói. 

Giảm phí trước bạ xe lắp ráp trong nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103/2021/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, từ ngày 1/12 năm nay đến hết 31/5/2022, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019 ngày 21/2/2019 (Nghị định 20) của Chính phủ.

Tiền gửi dân cư giảm mạnh, thẻ từ ATM bị khai tử sau 31/12 - 1

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước (Ảnh: Nguyễn Tuyền).

Từ 1/6/2022, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20 của Chính phủ.

Đối với các thành phố lớn mức phí trước bạ đối với ô tô con là 12%, các địa phương khác là 10%. Nếu theo quy định mới, ô tô con lắp ráp trong nước sẽ được giảm còn 6% ở các thành phố lớn và 5% ở các địa phương khác.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã có lần giảm thứ 2 trong 2 năm qua. Việc giảm lệ phí trước bạ ô tô được kỳ vọng sẽ góp phần kích cầu thị trường xe trong nước. 

Tiền gửi của dân cư sụt giảm mạnh 

Theo số liệu về tiền gửi tại hệ thống tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9, tổng phương tiện thanh toán (chưa tính loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các tổ chức tín dụng khác trong nước mua) và tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 6,35% so với cuối năm 2020.

Trong đó, tổng tiền gửi của khách hàng tại các TCTD đạt hơn 10,55 triệu tỷ đồng, tăng hơn 530 nghìn tỷ so với đầu năm, tương đương tăng 5,3%. Mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ khách hàng doanh nghiệp khi tiền gửi của nhóm khách hàng này tăng hơn 380 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 7,8%.

Tiền gửi dân cư giảm mạnh, thẻ từ ATM bị khai tử sau 31/12 - 2

Trong bối cảnh nguồn tiền nhà rỗi của dân cư "chảy" ra khỏi ngân hàng, nhiều tổ chức tín dụng đã tăng lãi suất huy động thời gian để thu hút người gửi tiền trở lại (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngược lại tiền gửi dân cư tăng yếu, chỉ tăng thêm hơn 150.000 tỷ đồng, tương đương tăng 2,9%. Do đó, tiền gửi dân cư giảm 2 tháng liên tiếp (tháng 8, tháng 9). Tiền gửi của người dân trong tháng 9 sụt giảm tới gần 1.500 tỷ đồng xuống còn hơn 5,291 triệu tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 8, tiền gửi của người dân cũng đã giảm gần 1.000 tỷ đồng.

Lãi suất huy động duy trì ở mức thấp, trong khi chứng khoán liên tiếp có những "cơn sóng", giá vàng tăng... đã hút một lượng tiền lớn của dân cư vào những kênh đầu tư sinh lời mạnh này.

Thẻ từ ATM bị "khai tử" sau 31/12

Theo lộ trình đề ra tại Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 28/12/2018, đến ngày 31/12 năm nay, toàn bộ thẻ thanh toán đang lưu hành của các tổ chức phát hành thẻ Việt Nam sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở của thẻ chip nội địa.

Như vậy, từ sau ngày 31/12, 100% thẻ ATM đang hoạt động tại Việt Nam phải là dạng thẻ chip, loại thẻ từ vốn được sử dụng phổ biến trước đây chính thức bị "khai tử" và không còn được chấp nhận sử dụng tại các cây ATM rút tiền và các điểm/thiết bị thanh toán khác.

Để đổi sang thẻ chip, khách hàng chỉ cần mang chứng minh thư hoặc hộ chiếu, hoặc thẻ căn cước công dân còn hiệu lực đến điểm giao dịch của ngân hàng và đề nghị chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Cách thứ hai là có thể truy cập vào ứng dụng ngân hàng số, mobile banking để thực hiện và nhận thẻ tại nhà hoặc tại điểm giao dịch của ngân hàng.