Tiền giả sẽ bị tịch thu, bấm lỗ để tiêu hủy

(Dân trí) - Dự thảo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiêm cấm các tổ chức tín dụng trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng mà phải tịch thu, bấm lỗ và chuyển về cho NHNN tiêu hủy.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố Dự thảo Thông tư Quy định về xử lý tiền giả, nghi giả trong ngành ngân hàng để xin ý kiến cá nhân, tổ chức. Đặc biệt, dự thảo Thông tư quy định “nghiêm cấm hành vi trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng” đối với đơn vị thu giữ, giám định tiền giả, tiền nghi giả


Tiền giả sẽ bị tịch thu, bấm lỗ để tiêu hủy

Tiền giả ngày càng tinh vi, ảnh tiền giả (dưới) phát quang trên máy soi tiền như tiền thật).


Theo Dự thảo Thông tư, trong giao dịch tiền mặt với khách hàng, khi phát hiện đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối chiếu với đặc điểm bảo an của tiền mẫu (hoặc tiền thật) cùng loại và căn cứ vào thông báo của Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) về đặc điểm nhận biết tiền giả để kết luận.

Trường hợp khẳng định đồng tiền có dấu hiệu nghi vấn là loại tiền giả đã được Ngân hàng Nhà nước (hoặc Bộ Công an) thông báo bằng văn bản, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Sở Giao dịch, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lập biên bản, thu giữ và đóng dấu, bấm lỗ tiền giả.

Đối với tiền giả loại mới, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lập biên bản, thu giữ (không đóng dấu, bấm lỗ tiền giả); thông báo và gửi toàn bộ tiền giả loại mới trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày phát hiện về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, đơn vị thu giữ tiền giả cũng phải thông báo kịp thời cho cơ quan công an nơi gần nhất để phối hợp, xử lý khi có dấu hiệu nghi vấn tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả hoặc khi phát hiện tiền giả loại mới hoặc phát hiện từ 5 tờ tiền giấy giả (hoặc 5 miếng tiền kim loại giả) trở lên trong một giao dịch hoặc khi khách hàng không chấp hành việc lập biên bản, thu giữ tiền giả.

Trường hợp thực hiện kiểm đếm tờ (miếng) trong giao nhận tiền mặt giữa các đơn vị trong hệ thống NHNN, giữa các đơn vị trong hệ thống NHNN với các tổ chức tín dụng (chi nhánh tổ chức tín dụng), giữa các tổ chức tín dụng (chi nhánh tổ chức tín dụng) trên cùng một địa bàn tỉnh, thành phố, khi phát hiện tiền giả trong bó/túi tiền, Hội đồng kiểm đếm lập biên bản, xử lý như đối với tiền giả phát hiện trong giao dịch tiền mặt. Đồng thời, xử lý như trường hợp thiếu tiền mặt theo quy định của NHNN.

Tiền giả được bảo quản riêng trong kho tiền của NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả phải được đào tạo, tập huấn kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc nghiệp vụ giám định tiền. Người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước phải có chứng chỉ hoặc chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền, do Ngân hàng Nhà nước hoặc cơ quan chuyên môn Nhà nước cấp.

Ngoài ra, theo dự thảo Thông tư, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu giám định tiền giả, tiền nghi giả cần có đề nghị bằng văn bản và trực tiếp chuyển tiền giả, tiền nghi giả cần giám định tới NHNN chi nhánh trên địa bàn, Sở Giao dịch, Cục Phát hành và Kho quỹ (tại Hà Nội) hoặc Chi cục Phát hành và Kho quỹ (tại thành phố Hồ Chí Minh).Việc giám định được thực hiện miễn phí và sẽ được thông báo sau 5 ngày làm việc.

Nếu kết quả giám định là tiền thật, số tiền thật sẽ được trả lại cho tổ chức, cá nhân đề nghị giám định. Còn kết quả giám định là tiền giả đã có thông báo của NHNN hoặc Bộ Công an, thực hiện thu giữ, đóng dấu, bấm lỗ tiền giả và nộp vào Kho tiền Trung ương tại Hà Nội (Kho tiền I) hoặc Chi cục Phát hành và Kho quỹ.

Kết quả giám định là tiền giả loại mới, thông báo kịp thời cho Bộ Công an (Cục An ninh Tài chính, Tiền tệ và Đầu tư) và thực hiện thu giữ nhưng không đóng dấu, bấm lỗ.

Theo bản giải trình của Cục Phát hành và Kho quỹ (NHNN): Việc ban hành Thông tư của Thống đốc NHNN quy định về việc xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng là cần thiết, góp phần phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam và bổ sung những quy định mới về thu giữ, đóng dấu, đóng gói, bảo quản, giao nhận, vận chuyển, giám định, thu hồi và tiêu huỷ tiền giả, tiền nghi giả phù hợp với các quy định hiện hành và yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam.

An Hạ