Tiền điện của người dân sẽ như thế nào với biểu giá 5 bậc thang?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Sau khi rút phương án 2A và 2B, dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn phương án 1 với cải tiến từ 6 bậc thang còn 5 bậc.

Tiền điện của người dân sẽ như thế nào với biểu giá 5 bậc thang? - 1

Bộ Công Thương tiếp tục xin ý kiến về phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc

Như Dân trí đã đưa tin, sau khi lắng nghe tiếp thu ý kiến giới chuyên gia, dư luận về dự thảo biểu giá bán lẻ điện, Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã xin rút phương án 2A và 2B (2 phương án có lựa chọn điện một giá - PV).

Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng xét trên cơ sở nguyên tắc xác định giá bán lẻ điện thì phương án điện một giá chưa phù hợp.

Do vậy, Bộ trưởng đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục xin ý kiến phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc.

Trong đó, Bộ trưởng lưu ý việc điều chỉnh các bậc thang làm sao để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân; không thay đổi giá điện bình quân, đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo và khuyến khích tiết kiệm năng lượng.

Như vậy, sau khi rút phương án 2A và 2B, dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn phương án 1 với cải tiến từ 6 bậc còn 5 bậc.

 Tại phương án này, cơ quan soạn thảo ghép bậc 1 và bậc 2 hiện tại thành bậc 1 mới (từ 0-100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ bằng bậc 1 hiện hành.

Giữ nguyên giá các khách hàng sử dụng điện từ 101-200 kWh. Ghép các bậc từ 201-300 kWh với 301-400 kWh thành bậc mới. Tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: bậc tư 401 đến 700 kWh và bậc trên 701 kWh.

Chi phí tiền điện của khách hàng sử dụng điện mục đích sinh hoạt với phương án nêu trên sẽ thay đổi như sau:

Tiền điện của người dân sẽ như thế nào với biểu giá 5 bậc thang? - 2

Lãnh đạo Cục điều tiết điện lực cho biết, với phương án 1, đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng).

Cụ thể: Khách hàng sử dụng 100 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng; Khách hàng sử dụng 200 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng; Khách hàng sử dụng 400 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 12.800 đồng; Khách hàng sử dụng 500 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 7.200 đồng; Khách hàng sử dụng 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 1.600 đồng

Riêng các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh chi phí tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới. Số tiền phải trả tăng thêm khi sử dụng ở mức 300 kWh là 7.100 đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết điện lực cho biết, hiện nay biểu giá bán lẻ điện đang thực hiện theo Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019. Cơ cấu tiêu thụ điện của các đối tượng khách hàng như sau: sản xuất chiếm 59,1%; kinh doanh chiếm 6,6%; hành chính sự nghiệp chiếm 3,8%; sinh hoạt chiếm 28%. Do đó, việc tính toán giá điện cho các đối tượng trên cơ sở cơ cấu này, đảm báo giá bán lẻ điện bình quân không đổi.

Ông Tuấn khẳng định việc cải tiến biểu giá điện phải theo nguyên tắc không làm tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân, tức là không làm tăng doanh thu ngành điện (nếu sản lượng điện không tăng và không có sự chuyển dịch trong tiêu dùng điện giữa các bậc so với trước).

Trước đó, trao đổi với Dân trí, hầu hết các chuyên gia cũng ủng hộ việc duy trì giá điện bậc thang. 

Ông Nguyễn Tiến Thoả - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính) cho biết quan điểm của ông là chọn phương án 1 như dự thảo. Tuy nhiên cũng cần hoàn thiện thêm: Điều chỉnh lại giá của các bậc thang để đảm bảo giá bình quân hiện hành.

Theo đó cần điều chỉnh lại các bước nhảy của bậc không để khoảng cách quá rộng giữa bậc 2 và bậc 3 là 33%, trong khi bậc 4 và bậc 5 cần khuyến khích tiết kiệm lại chênh lệch chỉ có 8%. Giải quyết được vấn đề này theo vị chuyên gia sẽ hạn chế “nhảy tiền” trong những tháng hè tiêu dùng nhiều điện.