Vì sao bất ngờ rút phương án điện một giá?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Sau khi lắng nghe tiếp thu ý kiến giới chuyên gia, dư luận về dự thảo biểu giá bán lẻ điện, Cục điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã xin rút phương án điện một giá.

Một giá điện không khuyến khích tiết kiệm điện

Báo cáo tại cuộc họp của Bộ Công Thương chiều 18/8, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - đã kiến nghị với Bộ trưởng cho rút các phương án giá điện 2A và 2B (2 phương án có lựa chọn điện một giá - PV).

Vì sao bất ngờ rút phương án điện một giá? - 1

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực tại cuộc họp chiều nay (18/8). 

Theo ông Tuấn, các phương án giá 2A và 2B mặc dù có ưu điểm như sẽ cho thêm lựa chọn cho khách hàng nhưng có hạn chế lớn nhất là không khuyến khích được khách hàng sử dụng điện tiết kiệm. Trong khi sử dụng tiết kiệm năng lượng là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ Công Thương.

Cụ thể: Tại phương án 2A, giá điện một giá ở mức bằng 145% giá điện bình quân thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.

Tại phương án 2B, nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân thì các khách hàng sử dụng điện trên 1.100 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.

Ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - cũng cho biết: Với phương án điện một giá, chỉ khoảng hơn 2% số hộ sử dụng điện có thể sẽ lựa chọn phương án này. Với số hộ này thường là hộ có thu nhập cao, dùng nhiều, sẽ không khuyến khích tiết kiệm điện.

Ông Phương Hoàng Kim - Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững - cho rằng: Nghị quyết 55 đã khẳng định vai trò của tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc tính biểu giá điện bán lẻ sao cho phù hợp là điều rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiết kiệm điện. Ông Kim cũng đồng tình với kiến nghị rút lại phương án điện một giá.

Nêu ý kiến tại cuộc làm việc, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - nhấn mạnh: Khi xây dựng biểu giá giá điện phải đảm bảo nhiều yếu tố. Trong đó, quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn cung và yếu tố tiết kiệm điện cần được chú trọng.

Ông Hải cũng cho rằng, đối với sản xuất kinh doanh việc áp điện một giá là đúng. Còn với tiêu dùng thì phải khác, một số khách hàng mong muốn một giá điện đơn giản, dễ tính, minh bạch như phương án một giá hiện nay là không ổn vì không khuyến khích tiết kiệm điện.

Kết luận tại cuộc họp này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, tổ công tác xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt xây dựng phương án điện một giá là sự nỗ lực, cố gắng để đáp ứng mục tiêu công khai, minh bạch, dễ tính, cho khách hàng thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, phương án này sau khi cân nhắc, tính toán và nhận sự góp ý thì thấy không thực sự phù hợp ở thời điểm này.

Vì sao bất ngờ rút phương án điện một giá? - 2
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, dù với phương án nào, 5 bậc hay 3 bậc vẫn phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi.

Người đứng đầu ngành công thương cũng cho rằng, chỉ có phương án giá điện bậc thang mới đảm bảo được các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên biểu giá bậc thang cũng cần được xây dựng, nghiên cứu tiếp thu đầy đủ kịp thời các ý kiến đóng góp. Theo đó, ông đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tổ chức lấy ý kiến, làm rõ và hoàn thiện phương án giá điện bậc thang.

“Dù với phương án nào, 5 bậc hay 3 bậc vẫn phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi” - Bộ trưởng Công Thương lưu ý.

Bổ sung thành viên tổ soạn thảo về biểu giá điện

Cũng tại cuộc họp chiều nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị có liên quan bổ sung thêm thành viên tổ soạn thảo xây dựng cơ cấu biểu giá điện bán lẻ.

Cụ thể đó là thành viên là đại diện Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Hiện Tổ soạn thảo xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện có các thành viên bao gồm: Cục Điều tiết điện lực, Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 5 Tổng công ty Điện lực.

Các nội dung sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ được các thành viên tổ soạn thảo tham gia, góp ý kiến. EVN và các Tổng Công ty Điện lực đã phối hợp, cung cấp số liệu và tham gia xây dựng, đánh giá tác động của các phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện.

Các phương án đưa ra đảm bảo nguyên tắc chi phí tiền điện của đa số các khách hàng sử dụng điện không tăng, đặc biệt là nhóm 18,7 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng, chiếm 73,4% tổng các khách hàng sinh hoạt do chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức…

Đồng thời, phải đảm bảo đơn giản, giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt hiện hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và áp dụng từ ngày 20/3/2019 do đây không phải là lần điều chỉnh giá điện.

Vì sao bất ngờ rút phương án điện một giá? - 3
Phương án một giá điện ngay sau khi đưa ra nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía dư luận.

Bên cạnh đó việc xây dựng biểu giá cũng phải đảm bảo Ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện là các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục duy trì như mức hiện nay.

Được biết, tổ soạn thảo đã nghiên cứu bổ sung phương án lựa chọn 1 giá cho các khách hàng sử dụng điện trên cơ sở phương án 5 bậc thang đã được các cơ quan, đơn vị thống nhất lựa chọn tại lần lấy kiến tháng 2 năm 2020.

Ngày 14/7/2020, lãnh đạo Bộ đã chủ trì cuộc họp giữa Cục điều tiết điện lực, văn phòng Bộ và EVN về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sau cuộc họp, Cục Điều tiết điện lực đã phối hợp với EVN để cập nhật các phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện trong đó có phương án lựa chọn cho khách hàng áp dụng 1 giá; phương án gộp 3 nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp thành 1 nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt để phù hợp với thực tế sử dụng điện.

Sau khi Bộ Công Thương đưa dự thảo ra lấy ý kiến, Dân trí cũng đã có nhiều bài viết phản ánh, đăng tải ý kiến chuyên gia, người dân với các góc nhìn đa chiều.

Trong đó, hầu hết các ý kiến đều không tán thành với phương án điện một giá. Một số chuyên gia đã đề nghị làm rõ cơ sở của việc đề xuất giá điện 1 giá ở mức 145% và 155% giá điện bình quân trong các phương án giá điện đang lấy ý kiến. Một số ý kiến cho rằng việc áp dụng phương án một giá song song với bậc thang thì những người dùng điện nhiều (trên 800 kWh/tháng) sẽ có lợi khi chọn một giá và như vậy sẽ không khuyến khích được tiết kiệm điện.