"Tiềm năng xuất khẩu sản phẩm gốm sứ rất lớn"

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Prime Group về hoạt động xuất khẩu sản phẩm gốm sứ của Việt Nam năm 2006.

Nhân dịp tập đoàn Prime Group tham gia tại Vietnam Expo 2006 và đã ký hợp đồng xuất khẩu gạch ốp lát có trị giá lên tới gần 17 triệu USD (là hợp đồng có giá trị lớn nhất được ký kết ngay tại hội chợ lần này), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông.

Thưa ông, được biết Prime Group đã ký hợp đồng xuất khẩu trị giá rất tại Vietnam Expo. Vậy xin ông cho biết rõ hơn về quá trình đi tới ký kết hợp đồng này?

Prime Group là một tập đoàn sản xuất đa ngành nghề với 14 công ty thành viên, có trụ sở tại khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, chuyên sản xuất các loại gạch men, gạch ốp lát, ngói cao cấp, bình nước nóng; đầu tư và kinh doanh bất động sản, phát triển các dự án khu đô thị...

Riêng sản lượng gạch ốp lát của chúng tôi lên tới 35 triệu m2/năm, với các nhãn hiệu đã tạo được uy tín trên thị trường và được người tiêu dùng tin cậy như Veronio, Tiptop, Solido...

Tính đến đầu năm 2006, cả nước đã có trên 50 cơ sở sản xuất gạch ốp lát với tổng công suất lên tới trên 170 triệu m2/năm. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản trong một vài năm trở lại đây đóng băng khiến nhu cầu về vật liệu xây dựng nói chung và gốm sứ xây dựng nói riêng giảm sút rõ rệt, chỉ khoảng 120 triệu m2/năm.

Tình trạng khủng hoảng thừa khiến nhiều doanh nghiệp phải áp dụng các biện pháp giảm thiểu chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nghiên cứu tìm kiếm thị trường mới cả trong và ngoài nước...

Năm 2005, khi các DN sản xuất gốm sứ lao đao vì tình trạng khủng hoảng thừa thì riêng các nhà máy gạch ốp lát của Prime Group vẫn hoạt động hiệu quả, cung cấp ra thị trường trên 35 triệu m2/năm.

Với lợi thế về quy mô sản xuất tập trung, có chiến lược nghiên cứu thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối, ứng dụng công nghệ sản xuất của Italia và Tây Ban Nha, Prime Group đã liên tiếp 4 năm liền (từ 2002- 2005) trở thành nhà cung ứng gạch ốp lát lớn nhất trên thị trường Việt Nam.

Năm ngoái, doanh thu của Prime Group đạt tới 1.400 tỉ đồng, nộp ngân sách gần 80 tỉ đồng, tạo thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động thường xuyên và 7.000 lao động vệ tinh.

Chúng tôi được biết sản lượng tiêu thụ gạch ốp lát ceramic ở Hàn Quốc rất lớn nhưng từ trước tới nay ngoài nguồn hàng nhập từ châu Âu, các đối tác Hàn Quốc chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Hai năm gần đây, các đối tác này bắt đầu quan tâm tới thị trường Việt Nam. Đối tác CN International - một trong những nhà phân phối gạch ốp lát hàng đầu của Hàn Quốc - sau khi tìm hiểu kỹ thị trường Việt Nam đã lựa chọn Prime Group là nhà cung cấp vào hệ thống của công ty này tại thị trường Hàn Quốc.

Hợp đồng trị giá gần 17 triệu USD này sẽ được thực hiện trong 3 năm, đó là khoảng thời gian đủ dài để người tiêu dùng Hàn Quốc làm quen với những sản phẩm mang thương hiệu Việt do chính các công ty Việt Nam sản xuất.

Theo ông, sản phẩm của Prime Group có ưu thế gì so với các sản phẩm khác khi giành được sự tin tưởng của đối tác Hàn Quốc?

Tôi cho điểm nổi trội của gạch ốp lát Prime là đa dạng về mẫu mã chủng loại với chất lượng tốt. Cũng do đầu tư tập trung với quy mô lớn nên giá thành của sản phẩm hạ, giá bán được nhiều đối tác quan tâm. Chúng tôi có rất nhiều khung giá cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Ví dụ như ở thị trường Việt Nam, chúng tôi có những sản phẩm ceramic giá thấp, khoảng 40.000 đồng/m2, dành cho đối tượng tiêu dùng ở vùng đô thị nhỏ, nông thôn; có những sản phẩm giá cao hơn - trên 100.000 đồng/m2 - dành cho các khách hàng ở các khu vực đô thị lớn.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng xuất khẩu của các sản phẩm gốm sứ Việt Nam?

Tại Vietnam Expo 2006, nhiều đối tác nước ngoài như Malaysia, Pakistan... đã bày tỏ sự quan tâm đến việc nhập khẩu các mặt hàng vật liệu xây dựng của Việt Nam.

Tôi tin tưởng hội nhập kinh tế là cơ hội để các DN phát triển, trong đó tích cực tìm kiếm bạn hàng và xúc tiến xuất khẩu là biện pháp hiệu quả và hướng đi đúng của Prime Group cũng như các DN gốm sứ Việt Nam không chỉ trong thời điểm hiện nay mà còn trong chiến lược phát triển lâu dài.

Xin cám ơn ông !

Hùng Thọ (thực hiện)