1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái lạm phát

(Dân trí) - Việc các sản phẩm đầu vào của hầu hết những ngành kinh doanh tăng giá thời gian qua sẽ đẩy giá thành đầu ra và giá bán của nhiều loại sản phẩm hàng hoá gia tăng.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái lạm phát - 1
Xu hướng người dân đến mua sắm tại siêu thị để có giá ổn định hơn (ảnh: Hoài Lương).
 
Tổng cục Thống kê cho biết: Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay tăng không cao, nhưng do CPI tháng 12/2008 đã tăng 19,89% so với tháng 12/2007; CPI bình quân năm 2008 tăng 22,97% nên giá của nhiều mặt hàng đứng ở mức cao.
 
Điều này đang gây trở ngại lớn đối với phát triển sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống các tầng lớp dân cư, đặc biệt là những người thu nhập thấp và các hộ nghèo.
 
Trong thời gian tới cần tiếp tục phòng ngừa lạm phát cao trở lại vì đang tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động tới tăng giá. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, có 3 yếu tố chính đẩy giá tiêu dùng tăng cao trong 6 tháng cuối năm.
 
Thứ nhất, những tháng gần đây, sự tăng giá xăng dầu, điện, than, nước sạch, xi măng, giấy, phân bón... đã thực hiện theo lộ trình nhưng đây là những sản phẩm đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh, nên sẽ đưa giá thành đầu ra và giá bán của nhiều loại sản phẩm hàng hoá gia tăng trong thời gian tới.
 
Thứ hai, chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khoá mở rộng mà Chính phủ đang thực hiện cũng là một trong những nhân tố tác động làm lạm phát tăng cao.
 
Thứ ba, những gói kích thích kinh tế lớn cùng với chính sách bảo hộ trong nước của Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác chắc chắn sẽ gây ra hệ luỵ tăng giá một số loại nguyên, nhiên vật liệu, thiết bị, máy móc mà nước ta nhập khẩu với khối lượng lớn, góp phần đẩy giá cả trong nước tăng theo.
 
Theo đánh giá của Tổng cục trưởng Nguyễn Đức Hoà, tốc độ tăng trong quý I chỉ đạt 3,1% nhưng quý II tăng 4,5% cho thấy nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của sự suy giảm tốc độ tăng trưởng, chứng tỏ nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế cùng với các chính sách đề ra đã phát huy hiệu quả tích cực.
 
Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế thế giới vẫn đang có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Trong khi đó, kinh tế trong nước tăng trưởng vẫn còn ở mức thấp; các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc; giá cả tuy tăng chậm nhưng vẫn đứng ở mức cao và chứa đựng nhiều yếu tố tái lạm phát; đời sống một bộ phận dân cư đang gặp khó khăn, nhất là những người mất việc làm, đồng bào vùng bị thiên tai.
 
Nếu chúng ta phấn đấu giữ được đà tăng trưởng như hiện nay thì mức tăng trưởng cả năm 2009 có khả năng đạt khoảng 5%, CPI so với tháng 12 năm trước tăng dưới 10%. Tuy nhiên, nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm rất nặng nề, muốn đạt mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2009 thì 6 tháng cuối năm phải tăng khoảng 5,9%.
 
Nguyễn Hiền