Tiệc đại gia nghìn đô và bữa cỗ quê

Chỉ khi cơ hội về giáo dục, luật pháp, sự lựa chọn cá nhân, quyền con người, được phân chia công bằng, môi trường được đảm bảo, thì lúc đó con số GDP – tăng trưởng kinh tế mới thực sự có giá trị.

Có hai con số cần song hành tại một quốc gia khi nói về phát triển trong thế kỷ 21. 

GDP (Gross Domestic Product) là tổng sản phẩm nội địa. GDP là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong một quốc gia trong một năm. Còn SPI (Social Progress Index) là chỉ số phát triển xã hội bao gồm nhu cầu cơ bản của con người, nền tảng của cuộc sống (well-being) và cơ hội.

Tuần trước, tôi tới thăm một người quen thuộc hàng đại gia, và tận mắt chứng kiến cuộc sống giàu sang choáng ngợp, với chiếc xe Lexus đời mới nhất, nhà cửa chỉ còn thiếu dát vàng bên trong, một bữa ăn tối chi cả nghìn đô la (tương đương hơn 20 triệu VNĐ) cho vài người.

Ngay hôm sau, về quê dịp Thanh minh viếng mộ cha mẹ, mấy chục anh chị em và các cháu quây quần quanh mâm cỗ xì xụp với chi phí hơn 2 triệu, dù ở quê cũng thuộc hàng kha khá. Mới thấy GDP của đại gia Hà Nội và người ở quê khác nhau xa vời.

Vừa cách đây vài hôm, ngồi đợi người bạn ở đường Lý Thái Tổ, tôi chụp vài bức ảnh tương phản  chuyện người giàu người nghèo Prada và người bán hàng rong. Nhìn những hình ảnh đó, có ai tự hỏi, liệu GDP cao, nhưng cơ hội về phát triển có bình đẳng giữa lớp người lam lũ ngoài phố và nhóm đeo túi vài chục ngàn đô?

Ảnh: Hiệu Minh

Ảnh: Hiệu Minh

Trong cuộc hội thảo ngày 26/3/2015 tại World Bank (Hoa Kỳ), ông Michael Green, Tổng Giám đốc tổ chức phi chính phủ Social Progress Imperative, nơi đưa ra chỉ số SPI, đã đặt câu hỏi “When does economic growth lead to social progress? - Khi nào tăng trưởng kinh tế dẫn đến tiến bộ xã hội”.

Nhóm của ông đã phát triển những chỉ số nhằm đưa ra những khiếm khuyết đằng sau dữ liệu GDP mà các nhà kinh tế và chính trị gia thường dùng để nói về một quốc gia. Mục đích chính là chỉ ra, ngoài GDP còn cần những thông số về đánh giá xã hội và sự đáp ứng của GDP đối với nhu cầu của dân chúng trong cùng một mặt bằng.

Theo ông, đã đến lúc cần đánh giá lại GDP theo một cách khác để đo độ tăng trưởng. GDP theo nghĩa hạn hẹp chỉ là số USD trên đầu người hàng năm được chia đều. Theo đó, chẳng hạn thu nhập của một đại gia ăn một bữa 1.000USD và một đại gia đình trong bữa cỗ 100 USD như tôi đề cập ở đầu bài viết, đều được cộng vào và chia trung bình.

Tại nhiều cuộc tổng kết, người ta vẫn đang  thi nhau kể công GDP đang giúp đất nước cất cánh mà quên đi rằng, còn một số lượng không nhỏ dân chúng không được thụ hưởng con số GDP ấn tượng kia. Cho tới nhiều năm qua, con số GDP tròn trĩnh đã bỏ qua sự công bằng, nhất là sự công bằng về cơ hội của mọi người có được chia đều những gì mà GDP cao mang lại như giáo dục, y tế, giao thông, kiến trúc, các công trình công cộng…

Vậy chỉ số phát triển xã hội SPI được đưa ra nhằm “đo lường” cuộc sống của dân, nhất là kết quả về tiến bộ xã hội và môi trường, được thể hiện như thế nào? SPI bao gồm 3 yếu tố: Nhu cầu cơ bản của con người, Nền tảng của cuộc sống (well-being) và Cơ hội.

Social Progress Index có ba thành phần. Ảnh: SPI Web
Social Progress Index có ba thành phần. Ảnh: SPI Web

Basic Human Needs - Nhu cầu cơ bản: dinh dưỡng và y tế; nước sạch và vệ sinh; nơi ở; và an toàn cá nhân.

Foundation of Well-being - Nền tảng cuộc sống: Tiếp cận tri thức cơ bản; tiếp cận thông tin và truyền thông; chăm sóc sức khỏe và thể lực; Tính bền vững của hệ sinh thái.

Opportunity – Cơ hội: Quyền cá nhân, Tự do và lựa chọn cá nhân; lòng vị tha và tham gia cộng đồng, tiếp cận giáo dục tiên tiến.

Con số “cứng nhắc” GDP dù ấn tượng cũng chưa nói hết được sự phát triển xã hội mang tính chiều sâu cho tới khi các nhà xã hội học đo được con số “phát triển mềm” của quốc gia.

Theo bảng SPI 2015 của các quốc gia, Việt Nam chưa có thông số đầy đủ trong bảng. Với các chỉ số đã được thống kê, thì Nhu cầu cơ bản đạt 74 điểm, còn Cơ hội đạt 36 điểm (so với đầu bảng là Na Uy đạt gần 82 điểm), chỉ cao hơn Iran và một số nước châu Phi.

Sự liên quan mật thiết giữa GDP và SPI, kinh tế tăng trưởng và phát triển xã hội, như New Zealand hay Thụy Điển và các nước Bắc Âu đang đứng đầu danh sách cả hai thông số, mới nói lên thế nào là quốc gia phát triển.

Anh, Thụy Điển, Đức có SPI cao hơn hẳn Hoa Kỳ (đứng thứ 16) trong khi GDP của quốc gia này gần như đầu bảng. Singapore có GDP cao gần nhất thế giới nhưng nếu đánh giá SPI chưa chắc đã đạt kết quả cao, do sự lựa chọn cách thức phát triển của nước này vẫn còn nhiều tranh cãi.

GDP có thể phát triển rất nhanh, nhưng SPI cần nhiều thời gian hơn. Nền tảng của SPI cao chính là thể chế chính trị minh bạch, luật pháp nghiêm minh, công bằng về cơ hội, quyền con người được đảm bảo.

Hiện nay giữa các nước có nền kinh tế đang lên, Paraguay là quốc gia đầu tiên đưa SPI vào trong kế hoạch phát triển. Tương tự, Brazil cũng tìm cách đưa con số quan trọng này vào các báo cáo kinh tế và xã hội.

Như ông Michael Green kết luận trong hội thảo của World Bank: “GDP là tốt, nhưng không nói hết toàn bộ câu chuyện phía sau. GDP không phải là mục tiêu cuối cùng. Cần có thêm sự lựa chọn, cơ hội phát triển”.

Nghĩ về người ăn bữa cỗ Thanh minh ở làng quê Ninh Bình và những vị khách của bữa tiệc của đại gia ở Hà Nội, nhìn chị bán hàng rong trên phố Lý Thái Tổ và khách hàng xịn mua túi Prada sang trọng cách đó vài mét, nếu lấy GDP chia đều cho họ, có thể được một con số thuần túy toán học rất hay cho các báo cáo.

Tuy nhiên, chỉ khi cơ hội về giáo dục, về luật pháp, sự lựa chọn cá nhân, về quyền con người, được phân chia công bằng, môi trường được đảm bảo, nghĩa là SPI cũng tăng, thì lúc đó con số GDP – tăng trưởng kinh tế mới thực sự có giá trị.

Theo Hiệu Minh
Tuần Việt Nam

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”