1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thuyền thúng Việt lần đầu sang... Thụy Sĩ

Điều đáng mừng là thời gian gần đây, tại Phú Yên, có một làng nghề làm thuyền thúng được Thụy Sĩ đặt hàng hàng trăm chiếc.

Thúng chai (thuyền thúng) từ lâu đã được mệnh danh là “trí khôn sông nước Việt”, một phương tiện đặc trưng, truyền thống thiết thân trong khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam. Điều đáng mừng là gần đây, tại Phú Yên, có một làng nghề làm thúng chai được Thụy Sĩ đặt hàng hàng trăm chiếc.

“Đặc vụ” biển

Ngư dân Võ Đốc (46 tuổi, ở phường 6, TP. Tuy Hòa, Phú Yên), nguyên là lính pháo binh trên đảo Trường Sa Lớn (từ 1985-1988), giờ là thuyền trưởng tàu bò gù (cá ngừ đại dương) PY-92691, cả thời trẻ trai gắn bó với biển Đông.

Ông nói: “Thúng chai luôn là vật bất ly thân của các tàu cá. Riêng tàu đánh bắt xa bờ phải có 5-10 thúng chai. Nếu thiếu thúng chai thì tàu cá không thể rời bến đi đánh bắt”.

Du khách nước ngoài thích thú với loại thuyền độc đáo này.
Du khách nước ngoài thích thú với loại thuyền độc đáo này.

Ưu điểm của thúng chai là rất khó bị lật, dễ xoay trở trong không gian hẹp, bởi dáng vóc tròn xoay; ví như, khi một tàu lớn chạy tạt ngang, thuyền dài nhỏ rất dễ “uống nước” nhưng thúng chai vẫn bồng bềnh lướt tốt, bởi việc cưỡi lên sóng là thế mạnh của loại thuyền này. Và không cần dụng cụ gì vẫn có thể đưa thúng chai lướt trên nước nhờ cách “lắc thúng”.

Theo Thạc sĩ Ngô Văn Thanh (người Phú Yên, hiện làm nghề Quản lý dự án tại TP Hồ Chí Minh), thúng chai là phát minh, sáng tạo độc đáo của người Việt, phát triển từ chiếc thúng đựng nông sản thành phương tiện giao thông thủy. Ông Thanh nói: “Chưa thấy có công trình nghiên cứu chi tiết về nguồn gốc thúng chai. Nhưng tôi suy đoán, sự ra đời của thúng chai sau khi các chúa Nguyễn cho phát triển dải đất miền Trung. Ngư dân phải ra biển từ các bãi ngang sóng lớn, nên phát kiến ra thuyền hình tròn để tăng khả năng lướt sóng, chinh phục bể Đông”.

Về miền Trung, đi đâu cũng gặp thúng chai, bởi đó là “một phần tất yếu” của cuộc sống ngư dân và biển cả.

Một doanh nhân ở Phú Yên nhận định: Vui cho thúng chai thì đã đành nhưng các chuyến hàng thúng chai đã đi Thái Lan và chuẩn bị xuất sang Thụy Sĩ, mới chỉ là những tín hiệu mang tính giới thiệu văn hóa, của những cá nhân thiện ý.

Nóng lạnh… cật tre, phân bò

Nguyên liệu chính để sản xuất thúng chai là nan tre, dầu chai và… phân bò. Thị trường sông nước hiện đang khá chuộng loại thúng chai được sản xuất tại làng nghề Phú Mỹ (xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên), bởi tính chuyên nghiệp của làng nghề này, nơi đây được mệnh danh là “thủ phủ” thúng chai Phú Yên. Hàng trăm năm qua, Phú Mỹ chưa bao giờ dừng sản xuất thúng chai, dù ít dù nhiều.

Phú Mỹ có trên 50 hộ, với khoảng 150 lao động, sống bằng nghề thúng chai. Nhiều hộ thực hiện từ A-Z việc sản xuất thúng, nhưng có hộ chỉ gia công phần vót nan đan mê (dùng làm phần bụng thúng); bởi việc lận bụng, nứt vành thúng khá nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức vóc đàn ông thạo nghề…

Ông Ngô Thanh Hồ, một thợ lận thúng kỳ cựu ở Phú Mỹ, cho hay: Tùy kích cỡ, đường kính thúng từ 1,2 – trên 3 m, giá xuất xưởng bán cho các mối buôn từ 500.000 – 3.000.000 đồng/thúng; thúng Phú Mỹ đang đi khắp nơi, đến tay người mua thì giá phải tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi. Dân làng thúng hiện kiếm được bình quân 80.000 - 100.000 đồng/ngày công. “Tà tà, tạm đủ sống, nuôi con.

Thuyền thúng chai Phú Mỹ đã lần đầu tiên xuất ngoại.
Thuyền thúng chai Phú Mỹ đã lần đầu tiên xuất ngoại.

“Đại sứ văn hóa”

Tròn năm rồi nhưng ông Võ Văn Kin (Năm Kin, 55 tuổi, ở phường 6, Tuy Hòa) vẫn còn “lâng lâng” với chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời. Ông đi Thái Lan để làm thầy hẳn hoi! Ấy là trong 3 ngày từ 9 đến 11.11.2011, ông bay sang Thái Lan để dạy “xài” thúng chai.

Nguyên cớ đi Thái của ông Năm Kin là từ Thạc sĩ Ngô Văn Thanh (người thông gia trong họ). Ông Thanh từng nhiều năm du học tại Thái Lan và hiện có nhiều người bạn là trí thức, doanh nhân Thái đang làm việc tại Việt Nam. Ai cũng biết, 2011 là năm đất Thái lũ lụt ngất trời. Trong một dịp về Phú Yên du lịch, những người bạn Thái của ông Thanh tỏ ra “kính nể” công dụng của chiếc thuyền thúng, thế là họ nảy ý nhập khẩu. Và ông Kin được chọn làm “giảng viên” dạy cách sử dụng thúng chai.

Có mặt tại thủ đô Bangkok, Năm Kin bắt tay ngay vào việc “biểu diễn” thúng chai tại Cơ quan đăng kiểm Thái Lan, sau đó là tại Hội Chữ thập đỏ Bangkok, “cầm tay chỉ việc” cho hàng loạt “cán bộ” và ngư dân Thái. Riêng cái vụ… lắc là khó à nghen(!), ông phải tập đi tập lại nhưng chỉ một số ngư dân mới làm theo “tạm ổn”. Thế là sau đó, trên 100 thúng chai Việt đã vào cuộc chống lũ lụt trên đất Thái…

Mới đây, thúng chai lại được dịp “thăng hoa” khi có người đặt hàng cùng lúc 200 chiếc để đi Thụy Sỹ. Bà Nguyễn Kim Thoa, một người làm du lịch tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: Cũng là cái duyên khi thành người “mai mối” cho thương vụ thúng chai đi Thụy Sĩ, khi một người bạn châu Âu “am hiểu sông nước” đã nhờ tìm mua thúng chai cho một… triển lãm văn hóa.

Theo bà Thoa, cơ duyên bắt đầu khi giữa tháng 9/2011, Thụy Sĩ và Việt Nam cùng tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1971-2011). Dịp này, ở thành phố Zürich (Thụy Sĩ) có tổ chức một Hội chợ làng nghề thế giới; và “đại biểu” thúng chai Việt đã được mời tham gia. Tại đây, một nghệ nhân Việt Nam đã biểu diễn sản xuất và lắc thúng chai. “Thế là bỗng nhiên khách khứa tại hội chợ đều “mê tít” từng chi tiết của việc làm ra và sử dụng loại “thuyền tròn” kỳ diệu này. Và đợt đặt hàng này là kết quả của ý tưởng nhiệt huyết của những người bạn Thụy Sĩ làm văn hóa, du lịch” – bà Thoa nói.

Bà Trương Thị Bích Kiều, chủ một cơ sở kinh doanh thúng chai tại làng nghề Phú Mỹ, cho biết: Thông qua bà Thoa, gia đình bà vừa có hợp đồng đặt hàng 200 thúng chai xuất sang Thụy Sĩ để cung cấp cho các công ty du lịch. Hiện tại, bà Kiều đang đốc thúc các gia đình làm nghề thúng chai để đặt mua gom từ 1,5 - 3 triệu đồng/chiếc, tùy kích cỡ.

Một số gia đình Phú Mỹ tự hào ra mặt khi cùng lúc được đặt mua hàng chục thúng để đi Thái. Theo bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, việc xuất khẩu thúng chai sẽ góp phần mở rộng thu nhập cho dân làng nghề, quảng bá hàng hóa – văn hóa Việt ra với thế giới.

Một doanh nhân ở Phú Yên nhận định: Vui cho thúng chai thì đã đành nhưng các chuyến hàng thúng chai đã đi Thái Lan và chuẩn bị xuất sang Thụy Sĩ, mới chỉ là những tín hiệu mang tính giới thiệu văn hóa, của những cá nhân thiện ý. Để thúng chai Việt có được một “đường dây” xuất khẩu dồi dào, ổn định thì rất cần có sự nhập cuộc của chính quyền và các doanh nghiệp Việt Nam.

Đó là việc đầu tư quảng bá ngay tại mỗi nước mà thúng chai cần “đánh” đến, đó là sự hoạch định chiến lược sản xuất, “cắt đặt” vốn liếng để người làm thúng chai nâng cao tay nghề - tâm huyết hơn trong việc tạo tác thúng chai Việt…

Theo Đào Đức Tuấn
Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm