Thủy thủ tỷ phú sắm nhà lầu, xe hơi ở "Làng Chanchu"

Tám năm sau thảm họa bão Chanchu (2006), những ngư dân thoát chết ngày nào từ giã thuyền nhỏ, xuất ngoại đánh bắt cá trên những con tàu công suất lớn của người Hàn Quốc, Malaysia... , mang tiền tỷ về quê xây biệt thự, sắm xe hơi.

Làng Chanchu giàu rồi

Trước mắt tôi là những căn biệt thự tiền tỷ mọc lên nơi vùng cát nghèo khó - làng biển Chanchu, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Cạnh đó, những chiếc xe hơi được các ngư dân trẻ tậu về làm phương tiện đi lại và làm dịch vụ sau khi trở về từ biển, lo cuộc sống mới.

Chủ tịch UBND xã Bình Minh Trần Công Minh nói rằng, cả làng Chanchu bị cơn bão khủng khiếp năm nào tàn phá giờ giàu có rồi. “Ở cái làng nớ, ngư dân thành tỷ phú không đếm hết”.

Thủy thủ tỷ phú sắm nhà lầu, xe hơi ở Làng Chanchu

Nhiều ngôi biệt thự, nhà cao tầng đang mọc lên nơi làng biển Chanchu Bình Minh, huyện Thăng Bình nhờ ngư dân xuất ngoại.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

3 ngày Tết, khách đến sân bay Nội Bài tăng mạnh

Chuyện về những phiên đấu giá... thịt heo giá bạc tỷ

"Loạn" giá vé gửi xe ngày Tết

Biến rác thành hàng triệu USD

Mỹ thông qua dự luật gây khó cho cá da trơn Việt Nam

TS Alan Phan: Thị trường bất động sản cốt lõi là giá

Nhiều ngư dân gửi tiền về xây biệt thư to nhất nhì huyện, rồi tậu sẵn ô tô đời mới. Số ngư dân xuất ngoại vẫn đều đều gửi tiền về. Đó là thành quả của ngư dân làng Chanchu chuyển hướng bỏ tàu lên bờ sang Hàn Quốc, Malaysia làm nghề đánh cá thuê - ông Minh khoe.

Ông Minh cho hay phong trào ngư dân xuất ngoại đi đánh bắt thuê rộ lên sau tang tóc do bão Chanchu gây ra. Khi ngư dân thoát chết trở về, họ nhận ra những con tàu nhỏ công suất yếu không thể đảm bảo an toàn nên học tìm đến tàu to, hiện đại.

Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, những ngư dân đầu tiên xuất ngoại ăn nên làm ra bắt đầu gửi tiền về. Hàng loạt ngư dân trẻ nơi đây cũng đua theo cầm cố nhà cửa vay tiền ngân hàng, mượn của người thân để xuất ngoại. Tân An và Hà Bình - hai thôn có số ngư dân trẻ xuất ngoại nhiều nhất xã. Có gia đình, 3-4 anh em trai đều sang Hàn Quốc đánh bắt cá thuê. 

Hiện toàn xã có hơn 100 ngư dân xuất ngoại đánh cá thuê, ông Minh khẳng định, đều đi theo diện chính ngạch do Trung tâm Xúc tiến việc làm tỉnh là đầu mối. Riêng số người tự làm thủ tục đi xuất ngoại không thể đếm hết.

Gửi tiền tỷ về xây biệt thự, sắm xe hơi

Ông Nguyễn Đức Thanh (thôn Hà Bình - Bình Minh), một lão ngư dày dạn kinh nghiệm, với hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa cùng 3 đứa con thoát chết trở về sau bão Chanchu hồi năm 2006 - giờ cả gia đình đều là tỷ phú nơi làng biển nghèo này.

Ngôi biệt thự của tỷ phú ngư dân Trần Công Khuyến xuất ngoại gửi tiền về xây dựng.

Ngôi biệt thự của tỷ phú ngư dân Trần Công Khuyến xuất ngoại gửi tiền về xây dựng.

Người con đầu Nguyễn Đức Minh đi làm cho một tàu ở Đà Nẵng được 2 năm thì lên đường sang Hàn Quốc. Trước đó 3 năm, con trai thứ Nguyễn Đức Mẫn cũng sang Hàn Quốc đánh cá thuê và ăn nên làm ra. 

Tiếp bước hai người anh, người con út là Nguyễn Đức Tiến cũng xuất ngoại được 4 năm nay.

Ông Thanh bảo trong nhà chỉ còn 2 vợ chồng cùng đứa con gái ở nhà vui thú điền viên với biệt thự, xe hơi và dãy cửa hàng tạp hóa lớn nhất khu vực. Còn 3 đứa con trai xuất ngoại từ nhiều năm nay gửi tiền về xây nhà sắm xe hơi tiền tỷ. Vợ và con gái ông đứng ra lo cửa hàng tạp hóa, còn ông ngày ngày đánh ô tô ra Đà Nẵng, vào Tam Kỳ chu du kết hợp làm dịch vụ du lịch.

Đưa tay chỉ chiếc ô tô mới coóng, bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông Thanh nói đó là chiếc ô tô của thằng út, mới tậu hơn 1 năm. Cách đây 2 năm, Tiến xuất ngoại theo mấy anh gửi 500 triệu đồng về nhà, bảo ông bà mua ô tô mà đi. 

Xe ô tô của ngư dân xuất ngoại gửi tiền về mua.

Xe ô tô của ngư dân xuất ngoại gửi tiền về mua.

Còn 2 đứa con trai lớn thì gửi tiền về bảo ông bà mở sổ tiết kiệm, khi mô nó về có vốn làm ăn.

“Không biết nó làm ăn thế nào. Nhưng năm nào nó cũng gửi về cho tui cất giữ mỗi đứa từ 400 đến 500 triệu. Số tiền lớn như rứa thực lòng vợ chồng tui hồi trước có nằm mơ cũng không dám” - bà Quý kể.

Rời nhà ông Thanh, tôi tìm về làng Tân An theo lời giới thiệu của Chủ tịch xã Trần Công Minh. Hiện ra trước mắt là căn biệt thự tiền tỷ của ngư dân Trần Công Khuyên.

Anh Khuyên thuộc lớp người đầu tiên của xã xuất ngoại đánh cá thuê ở Hàn Quốc. Anh trở về quê đã gần 3 năm nay và đang làm dịch vụ du lịch. 

Em gái anh Khuyên là chị Trần Thị Mai, cho biết: Ảnh chạy xe đưa khách du lịch suốt cả ngày, hiếm khi ở nhà lắm. Lúc đầu sang Hàn Quốc làm ngư dân cho tàu nước bạn. Nhờ có tay nghề sửa máy nên chỉ vài tháng sau, ảnh chuyển sang nghề cơ khí, xin được vào lắp ráp ô tô. Lương mỗi tháng được hơn 2.000 USD. Làm được 3 năm, ảnh hồi hương lên bờ quyết không theo nghiệp biển.

Cầm tiền tỷ trong tay trở về, anh Khuyên giúp cha xây ngôi biệt thự 2 tầng đẹp nhất nhì xã. Số tiền còn lại anh mua ô tô 4 chỗ làm dịch vụ du lịch.

Tương tự, ngư dân Trần Công Vương, sau 5 năm quần quật nơi xứ người đã  quyết định hồi hương, lên bờ xây biệt thự và mở quán cà phê lớn nhất khu vực.
 
Làng Chanchu xác xơ ngày nào giờ đã đổi đời, trở thành làng tỷ phú. Nhà lầu, biệt thự, xe hơi là không hiếm nơi làng cát ven biển này. Nhưng nhiều lão ngư vẫn thở dài bảo với tôi rằng làng bây giờ giàu có hơn xưa nhưng chỉ thấy toàn con nít với phụ nữ. Thanh niên trai tráng trong làng thì vắng bóng bởi đang mải mưu sinh nơi xứ người.

Nỗi âu lo miền biển

Lão ngư dân Trần Công Tân (70 tuổi), người cha có 3 con trai đang đánh cá thuê trên tàu Hàn Quốc từ nhiều năm nay, thở dài bảo: “Hồi 3 đứa xuất ngoại tui cố cản nhưng không được. Đến bây giờ nó ăn nên làm ra, xây nhà, sắm xe tui vui. Nhưng tui lo là chiếc tàu đánh bắt xa bờ của gia đình hiện không ai cai quản đành phải nằm bờ mấy năm ni. Tui già yếu làm sao cai quản và ra biển được”.

Bà Thắm, vợ ông Tân, than thở: Hồi trước khó khổ nhưng mà vui chú à. Chừ mấy đứa giàu có hết rồi nhưng mỗi năm đến ngày Tết hay giỗ chạp không thấy nó về nên buồn. 

“Hồi 3 đứa còn ở nhà lên tàu ra khơi, hết tháng trở về đoàn tụ. Chừ nó đi biền biệt, vợ chồng tui lỡ có mệnh hệ nào không biết phải nhờ ai” - bà Thắm buồn bã.

Không phải mỗi mình ông Tân lo lắng cho số phận những chiếc tàu đánh bắt xa bờ của gia đình thiếu người đi biển, mà ngay ở cái làng biển Chanchu này có cùng chung nỗi lo khi thanh niên của làng xuất ngoại đi đánh bắt tha hương nơi xứ người.

Lão kình ngư hơn 30 năm bám biển Hoàng Sa Nguyễn Đức Thanh (thôn Hà Bình - làng biển Chanchu xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) cho hay gia đình ông là người may mắn nhất trong đợt bão Chanchu hồi năm 2006 khi cả ông và 3 đứa con thoát chết trở về. Sau bận ấy, mấy cha con nằm nhà gần 1 năm mới dám ra biển trở lại. Nhưng đi biển trên những chiếc tàu đánh thuê ở Đà Nẵng công suất nhỏ nên tai ương luôn rập rình.
 
Nhiều chuyến biển sau đó, ông bàn với con lên bờ vay mượn đóng tàu mới. Nhưng không kham nổi số vốn đầu tư lên đến 4 tỷ đồng, cha con ông đành chấp nhận đi làm thuê.

Rồi mấy đứa con ông lần lượt xuất ngoại đi đánh bắt thuê trên các tàu của ông chủ Hàn Quốc. Thấy ăn nên làm ra nên mấy đứa em lần lượt theo anh xuất ngoại. Bây chừ thì hết khó khổ rồi, chỉ có giàu. “Nhưng chẳng lẽ đi làm thuê tha hương mãi như vậy. Tui có ý định là gọi mấy đứa về góp vốn đóng tàu. Nhưng biển giả kiểu ni không yên tâm đầu tư đóng tàu mới” - ông Thanh kể về nỗi âu lo của mình.

Trên thực tế, hơn 6 năm về trước, một hợp đồng cung ứng lao động giữa lãnh đạo quận Thanh Khê (Đà Nẵng) và xã Bình Minh đã được ký kết. Làng Chanchu, với đội ngũ ngư dân tinh nhuệ nhất, tay nghề giỏi ít nơi nào ở miền Trung bì kịp, sẽ trở thành lao động cho đội tàu xa bờ hơn 20 chiếc của quận Thanh Khê ngày đó đang phải nằm bờ.

Song, hợp đồng đó đã bị bể khi ngư dân ào ạt xuất ngoại.

Không chỉ đau đáu nỗi niềm là những đứa con mãi biền biệt nơi đất khách quê người mà còn là cái nghề cha ông mấy chục đời nay bám biển Hoàng Sa. Ông Thanh nói, không thể vì thấy cái lợi trước mắt là làm giàu nhanh mà bỏ bê vùng biển của cha ông. Ấy là có tội lớn.

Theo Vũ Trung
Vietnamnet

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước