Thương vụ triệu đô mua bán Haivl.com: Ai còn, ai mất?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu giao dịch chuyển nhượng trang mạng xã hội Haivl.com giữa ông Võ Thanh Quảng và Công ty 24h là giao dịch trái pháp luật thì đồng nghĩa với việc hợp đồng không có giá trị, tức là người bán phải chịu rủi ro, còn người mua thì có thể lấy lại tiền. Tuy nhiên, vẫn còn những giả thuyết khác.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Ai sẽ phải chịu tổn thất khi Bộ Thông tin và Truyền thông rút giấy phép hoạt động mạng xã hội của trang mạng Haivl.com? Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành Viên, Công ty Luật Basico.

 

Ngày 24/10, trang mạng xã hội Haivl.com đã chính thức bị rút giấy phép và có ý kiến cho rằng giao dịch chuyển nhượng trang mạng này giữa ông Võ Thanh Quảng và Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h là trái pháp luật. Xin ông cho biết ý kiến về việc này?

 

Tôi không biết nội tình ở bên trong như thế nào, nhưng nếu nhìn bề ngoài thì giao dịch này không có gì trái pháp luật cả. Theo quy định trước đây thì tên miền không được phép chuyển nhượng nhưng hiện nay đã được phép.

 

Bên cạnh đó, đây là tài sản, thương hiệu nên nếu có thể thỏa thuận được với nhau, chấp nhận được mức giá, hoặc kèm theo điều kiện cấp phép, duy trì thương hiệu, những điều kiện liên quan đến pháp luật thì hoàn toàn được.

 

Đương nhiên, nếu giao dịch chuyển nhượng diễn ra trước ngày trang mạng Haivl.com bị rút giấy phép thì vẫn là giao dịch hợp pháp.

 

Ông Võ Thanh Quảng - chủ nhân trước đó của trang Haivl đã xác nhận việc chuyển nhượng trang mạng này cho Công ty 24h hoàn tất từ ngày 17/10, thời điểm trước ngày bị tước giấy phép. Vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật thì đơn vị nào sẽ phải chịu tổn thất khi trang mạng này bị xử phạt và rút giấy phép, thưa ông?

 

Trong quy định, một tài sản được xếp vào loại bất động sản thì khi hoàn tất việc chuyển giao cũng thường cam kết đơn vị mới sẽ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm từ ngày nào, giờ nào. Vì tôi chưa được xem bản hợp đồng này nên không thể khẳng định chắc chắn, nhưng có thể là đơn vị mua, tức Công ty 24h sẽ phải chịu rủi ro.

 

Tuy nhiên, nếu hai bên làm hợp đồng cẩn thận, ràng buộc việc ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những nội dung cũ, những hoạt động cũ thì câu chuyện sẽ khác. Khi đó, người bị phạt sẽ là người cũ, vì Công ty 24h đã tiếp nhận nhưng chưa làm gì, hoặc mới chỉ làm những việc không ảnh hưởng, động chạm gì đến nội dung dẫn đến hậu quả bị tước giấy phép, thì Công ty 24h có thể sẽ không phải chịu tổn thất.

 

Kể cả khi hợp đồng đã chuyển giao toàn bộ cho Công ty 24h thì cũng phải xem xét lại về chuyện ai phải chịu trách nhiệm. Bởi vì đây là rủi ro ngoài mong muốn của hai bên mà bắt nguồn từ lỗi của bên bán.

 

Ngoài ra, cũng phải quay lại câu chuyện việc chuyển nhượng này có hợp pháp hay không? Mặc dù tôi đã nói rằng nhìn bên ngoài thì có thể không có vấn đề gì, nhưng nếu có nội tình bên trong dẫn đến việc mua bán này không hợp pháp thì đồng nghĩa với việc hợp đồng không có giá trị, tức là người bán phải chịu rủi ro, còn người mua thì có thể lấy lại tiền.

 

Còn nếu hợp đồng hợp pháp thì mới tính đến hậu quả, trách nhiệm. Khi hợp đồng chuyển nhượng là hợp pháp rồi thì phải tiếp tục xem nội dung thỏa thuận trong hợp đồng như thế nào, từ đó sẽ biết bên nào sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp không đề cập gì đến vấn đề này thì tiếp tục xét đến tính chất, mức độ, hậu quả từ việc như thế nào? Khi đó, hai bên phải ngồi lại với nhau để thỏa thuận lại.

 

Thường thì người ta hay nói là bên bán phải chịu trách nhiệm về hàng hóa, về sản phẩm của mình, còn bên mua lại không có lỗi gì cả. Giống như khi chúng ta mua một chiếc xe, vừa mới bàn giao, chưa đi vào sử dụng mà đã hỏng thì bên bán phải chịu trách nhiệm. Vấn đề này tôi nghĩ cũng tương tự như vậy.

 

Như vậy, nhiều khả năng là ông Võ Thanh Quảng sẽ phải chịu trách nhiệm và tổn thất?

 

Điều này sẽ dựa vào hồ sơ, hoặc là dựa trên giấy phép, hoặc là dựa vào thông tin đăng tải trên trang mạng này để tìm ra cơ quan chủ quản là ai. Trong trường hợp này thì đúng là nhiều khả năng vẫn là đơn vị cũ. Bởi vì Bộ sẽ phải căn cứ vào đơn vị chủ quản, tên tuổi người đứng đầu để xử phạt, chứ không thể xử trang Haivl được.

 

Mặt khác, trước khi ra quyết định xử phạt sẽ phải có một khoảng thời gian chuẩn bị nhất định, chứ không phải là ra quyết định ngay lập tức. Phải lập biên bản, phải xem xét, cân nhắc kỹ. Trong quá trình đấy, cả hai bên mua và bán đều biết nhưng vẫn cứ làm. Có thể là do họ nghĩ sẽ giải trình, xin phép để tiếp tục duy trì, hoặc có thể họ không nghĩ đến mức độ bị tước giấy phép vĩnh viễn như thế nên họ vẫn giao dịch.

 

Còn đơn vị ra quyết định rất khó để cập nhật những thông tin quá mới khi đang trong quá trình điều tra, làm việc. Như vậy, nhiều khả năng là đơn vị cũ của Haivl sẽ phải nhận quyết định xử phạt.

 

Thực tế, trang mạng xã hội Haivl.com rất được giới trẻ quan tâm yêu thích và không ít người hy vọng trang mạng này sẽ hoạt động trở lại. Theo ông, liệu có khả năng trang mạng này sẽ được cấp phép trở lại?

 

Nếu rút giấy phép có thời hạn thì không nói, nhưng nếu rút giấy phép vĩnh viễn thì đơn vị chủ quản có thể khiếu nại, giải trình, đề nghị xem xét lại. Khi đó, có khả năng sẽ được cấp phép trở lại, kèm theo những điều kiện, sự cam kết đảm bảo hoạt động đúng quy định. Trong trường hợp trang mạng này đã được chuyển nhượng cho Công ty 24h thì đơn vị chủ quản mới hoàn toàn có thể đề nghị cấp phép lại.

 

Tuy nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào việc đánh giá mức độ lỗi như thế nào, có thể chấp nhận để cấp lại giấy phép hay không. Trường hợp rút giấy phép vĩnh viễn là khá nặng, nên phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá của cơ quan quản lý.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Theo Duyên Duyên

Một Thế Giới
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”