Thương vụ lịch sử, đại gia Trường Hải chẳng hề thua kém tỷ phú Phạm Nhật Vượng
(Dân trí) - Với việc phát hành cổ phiếu cho đối tác ngoại ở mức giá “khủng” 128.500 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ Trường Hải lên gần 17.000 tỷ đồng, tài sản gia đình ông Trần Bá Dương cũng được định giá lại với quy mô lên tới 6,7 tỷ USD.
Hội đồng quản trị Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa thống nhất sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành hơn 30,3 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,82% lượng cổ phiếu đang lưu hành (1,66 tỷ cổ phiếu) cho Jardine Cycle & Carriage Limited, nhằm tăng tỷ lệ nắm giữ của JC&C tại Thaco từ 25,23% lên 26,57%. Vốn điều lệ của Thaco theo đó cũng sẽ tăng lên 16.950 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá phát hành dự kiến lên tới 128.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng khối lượng vốn cần huy động là 3.894 tỷ đồng. Mức giá này gấp đôi thị giá THA trên thị trường OTC và theo đó, định giá Trường Hải ở mức 217.800 tỷ đồng (khoảng 9,4 tỷ USD).
Tại Thaco, nhóm cổ đông liên quan đến gia đình ông Trần Bá Dương (bao gồm cổ phần của vợ chồng ông Dương và công ty riêng) đang sở hữu tới 71% cổ phần tập đoàn. Theo đó, với mức định giá nói trên, giá trị tài sản trên sàn của gia đình ông Dương vào khoảng 6,7 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo cập nhật của Forbes hiện nay, giá trị khối tài sản của gia đình ông Trần Bá Dương mới chỉ ở mức 1,7 tỷ USD, trong khi tài sản ông Phạm Nhật Vượng là 6,9 tỷ USD.
Cổ phiếu phát hành mới của Thaco cho JC&C sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2019.
Giá cổ phiếu Thaco trên sàn OTC đang giao dịch trong khoảng 62 đến 71 nghìn đồng
Theo kế hoạch của Trường Hải, số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của tập đoàn như đầu tư sản xuất kinh doanh ô tô, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp – đô thị, đầu tư lĩnh vực nông nghiệp năm 2019. Ngoài ra, tập đoàn này cũng dùng hơn 10.183 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại và khấu hao để đầu tư vào các dự án này.
Trên thị trường chứng khoán ngày 12/2, với 356 mã tăng, 51 mã tăng trần so với 236 mã giảm, 32 mã giảm sàn, các chỉ số vẫn tiếp tục giữ được trạng thái tăng đến cuối phiên giao dịch. Cụ thể, VN-Index tăng 11,44 điểm tương ứng 1,24% lên 937,54 điểm; HNX-Index tăng 0,8 điểm tương ứng 0,76% lên 106,04 điểm và UPCoM-Index tăng nhẹ 0,05% lên 55,64 điểm.
Thanh khoản thị trường có cải thiện với khối lượng giao dịch trên HSX đạt 188,42 triệu cổ phiếu tương ứng 4.198,64 tỷ đồng và trên HNX đạt 33,77 triệu cổ phiếu tương ứng 422,34 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu VIC tiếp tục tăng mạnh và qua đó đóng góp cho mức tăng VN-Index tới 4,95 điểm. Bên cạnh đó, SAB, MSN, VCB, VNM, BID… cũng tăng giá và có ảnh hưởng tích cực đến diễn biến thị trường chung. Ngược lại, BVH, FPT, CII… giảm, song mức giảm tại những mã này không ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường hồi phục cùng với thanh khoản tốt là tín hiệu lạc quan ở thời điểm hiện tại.
Nhà đầu tư được khuyến nghị có thể tiếp tục giải ngân đối với các cổ phiếu vốn hoá lớn và vừa, cần thận trọng khi giải ngân đối với cổ phiếu penny, nhất là đối với các cổ phiếu không được hỗ trợ bởi yếu tố cơ bản.
Ở góc độ kỹ thuật, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, trong phiên kế tiếp, thị trường được dự báo sẽ có phiên điều chỉnh giảm khi tiếp cận vùng kháng cự 938-942 điểm. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường dự kiến sẽ bắt đầu có sự phân hóa theo từng dòng cổ phiếu.
Các cổ phiếu ngân hàng và một vài cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ tăng chậm lại hoặc bước vào nhịp điều chỉnh tích lũy để giữ nhịp cho thị trường. Dòng tiền dự báo có thể sẽ luân phiên dịch chuyển vào các nhóm cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang tích lũy để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn…
Các nhịp rung lắc, điều chỉnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội cho các hoạt động mua trading nâng tỷ trọng đối với các vị thế ngắn hạn. Tỷ trọng tổng danh mục giai đoạn này có thể nâng lên mức tối đa 50-60% cổ phiếu.
Mai Chi