Thưởng tết năm 2022: Nhiều gam màu
(Dân trí) - Chỉ còn gần 2 tháng là đến tết Nhâm Dần năm 2022. Thời điểm này, các doanh nghiệp và các cấp công đoàn đang xây dựng kế hoạch chăm lo tết cho người lao động.
Theo các chuyên gia, bức tranh thưởng tết năm nay sẽ có nhiều màu sắc, những lĩnh vực bị tác động mạnh bởi Covid-19 như du lịch, nghỉ dưỡng, vận tải…sẽ khó có thưởng tết. Tuy nhiên, vẫn có doanh nghiệp cố gắng đảm bảo 1-3 tháng lương cho người lao động.
Do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, dự đoán, bức tranh thưởng tết năm 2022 sẽ có nhiều thay đổi. Dịp tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cả nước có 63.000 doanh nghiệp báo cáo về lương, thưởng tết. Với tết Dương lịch, mức thưởng bình quân 2,3 triệu đồng/người, thưởng cao nhất 990 triệu đồng tại một doanh nghiệp tài chính ở TPHCM; tết Nguyên đán mức thưởng bình quân 6,3 triệu đồng/người (tương đương 1 tháng lương, giảm 5% so với năm 2020).
Thế nhưng bước sang năm 2022, TPHCM lại là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 và sẽ khó có thể giữ được vị trí dẫn đầu về tiền lương, tiền thưởng như các năm trước.
Ở phương diện các ngành nghề, theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh như tài chính-ngân hàng, chứng khoán, y tế, dược phẩm, thương mại điện tử... thì khả năng thưởng sẽ vẫn khả quan. Còn lại về tổng thể, tình hình thưởng tết nhìn chung sẽ giảm, các lĩnh vực vẫn khó khăn là du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, vận tải khách... khó có thưởng tết.
Điển hình như ngành vận tải, sau 3 tháng dừng hoạt động, từ cuối tháng 10 tới nay mới được hoạt động tối đa 50% số phương tiện, xe khách liên tỉnh còn khó khăn. Vừa hoạt động lại, giá xăng dầu lại tăng cao. Do đó, nếu như mọi năm thì thời điểm này các doanh nghiệp đã tính tới thưởng tết, nhưng nay chỉ lo có việc làm cho người lao động để có thu nhập đã là may mắn.
Ngành dệt may cũng gặp nhiều khó khăn. Đại diện một doanh nghiệp dệt may chia sẻ, nếu như mọi năm, tùy theo thâm niên và chức vụ, công ty sẽ có mức thưởng từ 5 - 50 triệu đồng/một nhân viên. Năm nay, có thể mức thưởng tết chỉ tượng trưng: gồm một tháng lương cơ bản hoặc phần quà. Doanh nghiệp này cũng chia sẻ trong 4 tháng phải ngưng việc, công ty vẫn đảm bảo chế độ cơ bản cho người lao động. Công ty vẫn luôn đồng hành và phát triển cùng người lao động nhưng do dịch kéo dài nên kinh tế của công ty chưa thể hồi phục, đơn hàng thì có nhưng giá vật liệu cao khiến doanh thu giảm. Người lao động cũng hết sức đồng cảm với lãnh đạo doanh nghiệp.
Một số lĩnh vực vẫn hoạt động tốt trong dịch bệnh như tài chính - ngân hàng, chứng khoán... khả năng mức thưởng vẫn khả quan. Theo tìm hiểu tại một ngân hàng thương mại lớn nằm trong nhóm Big4 (4 NHTM Nhà nước lớn nhất của Việt Nam - pv), chính sách thưởng tết năm nay đến thời điểm hiện tại chưa có gì thay đổi so với năm ngoái. Dịp tết cán bộ nhân viên sẽ được bổ sung thêm 1 tháng lương. Cần phải nói thêm rằng Big4 đều trả lương nhân sự theo KPI (chỉ số đo lường hiệu suất, hiệu quả công việc - pv), tiền lương mỗi tháng sẽ được doanh nghiệp giữ lại 10-20%, sau đó cuối năm căn cứ KPI để quyết toán, khoản này nếu cộng cả năm cũng tương đương thêm 2 tháng lương, nhưng thực chất lại là tiền lương chưa lĩnh trong cả năm của người lao động. Nhìn lại năm nay, một số ngân hàng chi thưởng tết 7-8 tháng lương, tuy nhiên cũng rất ít nhân sự có thể đạt được mức thưởng này.
Đối với lĩnh vực xây dựng, bất động sản, các doanh nghiệp cũng chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm và tiền lương hàng tháng cho người lao động, cùng với mức thưởng tết 3 tháng lương.
"Trong bối cảnh quý III năm nay, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế trầm lắng, doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh trong 3 lĩnh vực chính là xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính, duy trì quyền lợi và chế độ chính sách cho CBNV, người lao động như: Đảm bảo thu nhập 15 tháng lương/năm, không thay đổi so với năm trước, không cắt giảm lương ngay cả đối với những nhân sự làm việc online, bị cách ly do dịch bệnh, hoặc trong thời gian doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng khi áp dụng giãn cách xã hội, đặc biệt vẫn đảm bảo đời sống và thu nhập cho các thầy cô giáo của hệ thống giáo dục Lý Thái Tổ (đơn vị thành viên của Vinaconex), một lĩnh vực bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh. Các nội dung trong thỏa ước lao động cũng được thực hiện đầy đủ (sinh nhật, ngày lễ, hiếu hỷ..). Đây là nỗ lực rất lớn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ban lãnh đạo tới đời sống của người lao động" - ông Nguyễn Mạnh Cường - Chủ tịch công đoàn TCT Vinaconex chia sẻ.
Được biết, trong năm nay, Vinaconex cũng chủ động phối hợp với các cơ sở y tế để tổ chức xét nghiệm, tiêm vaccine sớm cho CBCNV, người lao động; kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định phòng chống dịch bệnh như 5K, 5T; đồng thời chủ động xây dựng kịch bản ứng phó nhằm đảm bảo hoạt động SX - KD an toàn, không bị gián đoạn. Đối với một số công trình xây dựng phải tạm dừng thi công trong điều kiện giãn cách xã hội, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã hỗ trợ lương thực thiết yếu, tiền mặt, hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 theo đúng quy định, bổ sung công cụ, dụng cụ nấu ăn… để người lao động đảm bảo sức khỏe, đời sống và yên tâm thực hiện giãn cách.
Từ câu chuyện lương thưởng nhìn rộng ra có thể thấy rằng, chính sách đầu tư cho người lao động chính là khoản đầu tư sinh lời của doanh nghiệp vì khi được quan tâm, chăm sóc chu đáo, người lao động sẽ tận lực cống hiến cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Điều này càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang thiếu lao động để phục hồi sản xuất.
Trong bối cảnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tiền lương, tiền thưởng tết của người lao động, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với tổng kinh phí lên tới 2.400 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ có 8 triệu lao động được chăm lo tết (mức 300.000 đồng/người) từ nguồn kinh phí công đoàn.