Thương lái Trung Quốc lại săn lùng hạt ươi

Thời gian gần đây tại một số huyện của tỉnh Kon Tum, thương lái người Trung Quốc lại tìm đến thu mua hạt ươi.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Việc này khiến nhiều người dân tại các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy đổ xô vào vùng rừng giáp ranh với Campuchia tại huyện Sa Thầy, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray hái ươi về bán.

Ngày 17-5, đại lý thu mua nông sản N.L trên địa bàn huyện Ngọc Hồi vẫn còn khoảng hơn 5 tạ hạt ươi khô chờ bán. Ông L. chủ cơ sở này cho biết không chỉ có thương lái ở TP Kon Tum, TP HCM, Hà Nội đến hỏi mua hạt ươi mà còn có cả thương lái người Trung Quốc. “Mấy hôm trước có cả người Trung Quốc đi ô tô vào tận đây đặt hàng. Nhưng số lượng lớn quá mà gần cuối vụ rồi nên tôi không đồng ý” - ông L. nói.

Bà H., một đại lý thu gom lớn tại huyện Ngọc Hồi, cho biết lúc cao điểm mỗi ngày bà thu mua được từ 2,5-3 tấn ươi và bán sang Trung Quốc. “Tôi chỉ nghe nói hạt ươi có tác dụng mát gan, thanh lọc cơ thể, chữa vôi cột sống. Còn bên Trung Quốc họ mua làm gì thì tôi cũng chịu” - bà H nói.

Đại lý thu mua nông sản N.L còn hơn 500 kg hạt ươi nhưng chưa chịu bán.
Đại lý thu mua nông sản N.L còn hơn 500 kg hạt ươi nhưng chưa chịu bán.

Theo người dân ở đây, những năm trước cũng có hạt ươi nhưng rất ít. Năm nay là năm nhuận nên ươi mới vào chính vụ. “Cứ 4 năm mới có một lần, nhưng giờ rừng hết rồi nên chúng tôi phải đi rất xa mới hái được quả ươi” - anh H.T.K (xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) cho biết.

Nhóm 6 người của ông T.V.N (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi) sau gần một tuần lặn lội vào khu vực rừng giáp ranh Campuchia, đã nhặt được hơn 200kg hạt ươi mang về bán với giá 190.000/kg. Ông N. cho biết đây là lần thứ năm ông đi tìm ươi trong năm nay. “Bốn chuyến trước chúng tôi đi rồi về chia nhau, mỗi người cũng được hơn 20 triệu đồng” - ông N. nói. Những cây ươi bay (quả già tự rụng) sẽ bán được giá cao hơn loại ươi phải chặt hạ cây để hái.

Người dân ở xã Sa Loong chủ yếu làm nông nghiệp nhưng đi lấy ươi một mùa bằng cả năm thu nhập từ nương rẫy nên có rất nhiều người cùng đổ xô vào rừng chặt ươi lấy hạt. “Những ngày đầu mùa người ta đi vào rừng này kiếm ươi như đi trẩy hội vậy nhưng càng cuối vụ số người vào rừng hái ươi càng ít. Nguyên nhân là do phải đi xa mới tìm được và nếu không may gặp trận mưa thì hạt ươi sẽ nở không còn giá trị” - ông N. cho biết.

Theo một lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Sa Thầy, thực tế tình trạng khai thác ươi không nhiều. “Người dân vào rừng chỉ nhặt hạt ươi bay chứ không chặt hạ cây. Nhưng hiện tại đã có mưa nên không ai vào rừng lấy ươi nữa” - vị này cho biết.

Còn ông Nguyễn Thanh Bình, Phó phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết hạt ươi là lâm sản phụ nên người dân có thể vào rừng nhặt những hạt rụng nhưng nghiêm cấm việc chặt hạ cây để lấy hạt. Hiện Chi cục chưa nhận được phản ánh nào về việc người dân vào rừng chặt hạ cây ươi. Nếu nhận được thông tin sẽ yêu cầu Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray có biện pháp kiểm tra, ngăn chặn.

Cũng theo ông Bình, những năm trước đây trên địa bàn cũng xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua các loại cây kim cương, lá sâm. Riêng việc mua hạt ươi thì chưa nhận được thông tin.

 

Thu mua cả hạt mây

Không chỉ hạt ươi, nhiều đại lý tại huyện Ngọc Hồi còn thu mua hạt mây rừng với giá cao đế bán cho thương lái Trung Quốc. Chủ đại lý thu mua hạt mây rừng tại xã Sa Loong cho biết đã thu mua hạt mây rừng từ nhiều tháng nay. Thời điểm cao giá hạt mây lên tới 300.000-400.000 đồng/kg. Hiện nay giá đã giảm còn 200.000 đồng/kg loại hạt già, vỏ đã chuyển sang màu đen.

Riêng loại hạt mây non, trước đây mua với giá chừng 100.000 đồng/kg nhưng hiện nay không mua nữa.

Ông Nguyễn Bá Lâm, Chánh văn phòng Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, cho biết hiện nay đơn vị này chưa nhận được thông tin nào về tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua hạt mây trên địa bàn.

 

Theo Hoàng Thanh
Người Lao động
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm