Thưởng cuối năm ở ngân hàng: những con số trong mơ

(Dân trí) - Năm nay, tập đoàn đầu tư tài chính Goldman Sachs quyết định trao cho Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Lloyd C. Blankfein món tiền thưởng kếch xù trị giá 53,4 triệu USD - mức thưởng mà chưa vị lãnh đạo cấp cao nào của phố Wall trước nay dám mơ ước.

Cộng thêm với tiền lương 600.000 USD trong suốt 12 tháng, tính ra năm nay ngài Blankfein bỏ túi được ngót nghét 54 triệu USD, tăng gấp rưỡi so với khoản thu 38 triệu USD của ông hồi năm ngoái. Số tiền thưởng này được chia thành 3 phần, bao gồm 27,3 triệu tiền mặt, 15,7 triệu dưới dạng cổ phần có kiểm soát và 10,5 triệu nằm trong trị giá quyền chọn mua cổ phiếu Goldman.

 

 

Thưởng cuối năm ở ngân hàng: những con số trong mơ - 1
 

Năm ngoái, ông Blankfein
được thưởng 38 triệu USD

Món tiền thưởng khiến nhiều người “ngộp thở” này được ban lãnh đạo Goldman Sachs thông qua sau đúng 1 tuần công bố mức lợi nhuận cao kỷ lục (9,5 tỷ USD) trong năm 2006.

 

Cũng trong năm qua, giá cổ phiếu Goldman tăng gần 60% đã nâng tổng giá trị thị trường của tập đoàn lên 90 tỷ USD, gấp 3 lần giá trị ở thời điểm “lên sàn” hồi tháng 5/1999.

 

Lloyd C. Blankfein tiếp nhận chức Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Goldman Sachs từ cuối tháng 6 năm nay, sau khi Tổng thống Bush cất nhắc vị chủ tịch đương nhiệm lúc đó là ông Henry M. Paulson Jr. vào vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính.

 

Trên cương vị giám đốc Goldman Sachs, ông Gary D. Cohn, 46 tuổi và Jon Winkelried, 47 tuổi nhận món thưởng cùng trị giá 25,7 triệu USD, dưới hình thức cổ phần có kiểm soát và quyền mua tùy chọn.

 

Không chỉ riêng Goldman mới trao cho nhân viên những khoản tiền thưởng kếch xù. Nhìn chung, các ngân hàng thương mại khắp thế giới ngày càng có xu hướng “bù đắp” công sức nhân viên bằng món tiền cuối năm cao ngất ngưởng. Ngân sách dành cho hoạt động này có khi chiếm tới 48-50% doanh thu sau thuế.

 

Năm 2006, ngân hàng Goldman trao cho toàn thể cán bộ công nhân viên (26.467 người, bao gồm cả các chi nhánh toàn cầu) tổng số tiền 16,5 tỷ USD, tính ra trung bình 622.000 USD/người - mức cao nhất thế giới.

 

Tiếp đó là tập đoàn Lehman Brothers 334.000 USD/người; Bear Stearns 320.000 USD/người và Morgan Stanley 264.715 USD/người.

 

Khôi Vinh

Theo NewYork Times