1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

"Thung lũng Silicon Việt Nam" chứng kiến sự bùng nổ dự án khởi nghiệp

(Dân trí) - Các dự án khởi nghiệp (Startup) của Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ trong cách nhìn của một số nhà đầu tư khu vực Đông Nam Á.


Các dự án Startup Việt Nam đang được cho là bùng nổ/Ảnh: SCMP

Các dự án Startup Việt Nam đang được cho là "bùng nổ"/Ảnh: SCMP

Eddie Tang đến Việt Nam năm 2012 để làm việc cho 1 doanh nghiệp và cuối cùng đã gia nhập cộng đồng khởi nghiệp công nghệ gồm 500 doanh nhân. Cộng đồng này đã hỗ trợ các công ty liên doanh hoạt động trong các lĩnh vực như phần mềm ứng dụng luyện nói tiếng Anh Elsa và hệ thống phân phối vé và quản lý sự kiện trực tuyến Ticketbox, ứng dụng Lozi dành cho cộng đồng chia sẻ địa điểm ăn uống dành cho giới trẻ, ứng dụng UKYS đo may áo sơ mi.

Hiện, Tang đã là ông chủ của một công ty liên doanh có tổng vốn đầu tư lên tới 10 triệu đô la Mỹ cho một dự án khởi nghiệp tại Việt Nam.

Doanh nhân còn khá trẻ tuổi này (31 tuổi) là người gốc Việt, sinh ra tại thành phố Miami, thuộc tiểu bang Florida, Mỹ, là doanh nhân tiên phong trong việc đưa những ứng dụng công nghệ mới về Việt Nam, khi mà Intel hay Samsung đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường công nghệ phần cứng của Việt Nam.

"Đối với tôi thị trường Việt Nam rất hấp dẫn. Đây là một thị trường rộng lớn, phát triển nhanh chóng, nhưng chưa được khai thác triệt để. Tôi nhận thấy cơ hội đầy triển vọng có thể tạo ra những cú đột phá, doanh thu đã thôi thúc tôi quay trở lại Việt Nam sớm hơn và tiến hành trên quy mô lớn hơn", Tang cho biết.

Theo tính toán của doanh nhân còn khá trẻ tuổi này, Việt Nam có 90 triệu người, 45 triệu người sử dụng internet, 30 triệu người sử dụng điện thoại thông minh và việc truy cập internet tăng 10 lần so với 1 thập kỷ trước. Đó thực sự là một nguồn lực, một thị trường phát triển đầy hứa hẹn.


Chuyên gia nước ngoài đánh giá cao thị trường Startup Việt Nam

Chuyên gia nước ngoài đánh giá cao thị trường Startup Việt Nam

Không chỉ Eddie Tang, nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế hiện nay cũng có những đánh giá cao về thị trường Việt Nam. Theo một khảo sát mới đây nhất của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), người Việt trẻ dược đánh giá cao hơn người Mỹ, Anh vàThụy Điển trong các lĩnh vực toán học và khoa học, nên không khó để lý giải rằng phần lớn những tài năng tham gia vào dự án khởi nghiệp độc đáo này là những nhân tài trong nước.

Những tài năng này là nguồn lực lao động được đào tạo bài bản, và do nguồn lao động giá rẻ hơn thị trường Trung Quốc và Singapore là đặc điểm nhằm khơi gợi sự quan tâm của những đối tác công nghệ hàng đầu. Tháng 12 tới đây, tại Hà Nội, ông Sundar Pichai – Tổng giám đốc của Google sẽ đến và nói chuyện với những doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ.

Số liệu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam cho biết: Doanh thu trong lĩnh vực phàn mềm, dịch vụ công nghệ thông tin năm ngoái đã đạt tới 3 tỷ USD.

Chính phủ cũng đã đưa ra chiến lược cho riêng ngành này và đã thành lập Thung lũng Silicon Việt Nam năm 2013 nhằm tạo ra môi trường mới, thương mại hóa ngành công nghệ.

Tuy nhiên, cũng có một số nhà quan sát đưa ra cảnh bảo: Các nhà đầu tư nên thận trọng với những tiềm năng có thể bị cường điệu, những quy định chưa hoàn thiện.

Việt Nam có tiềm năng về công nghệ nhưng có lẽ phải mất thêm 5 năm nữa mới có thể có những công ty công nghệ cực lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Anh Đỗ Anh Minh – Công ty Vertex Venture Holdings có trụ sở tại Singapore nói: Luật pháp cần hoàn thiện hơn, Chính phủ cần hỗ trợ nhiều hơn, cần có sự tương tác của những người Mỹ gốc Việt, đặc biệt là những người Việt tại California vì đây là nơi kết nối Thung lũng Silicon.

Quy mô dự án khởi nghiệp của Việt Nam nhỏ hơn so với các nước láng giềng đi trước như Indonesia, Malaysia. Thung lũng Silicom càng thắp lên niềm hi vọng về một Việt Nam, đất nước có các ngành xuất khẩu đang phát triển nhanh chóng như may mặc và ngành hàng cafe.

Ông Romain Caillaud – Giám đốc FTI Consulting.khu vực Đông Nam Á nhận xét: Việt Nam đã có những bước tiến trong lĩnh vực công nghệ, xong đến giờ ngành công nghệ của Việt Nam mới thực sự có bước chuyển thành một chuỗi giá trị. Sở dĩ lĩnh vực công nghệ đang co sự phát triển là do Việt Nam đang tạo ra những bước đi mang tính chiến lược về lợi thế cạnh tranh nhằm thu hút đầu tư nước ngoài.

Ông Tang nhận định: Trên một con đường đôi lúc có những đoạn không bằng phẳng. Và ông lạc quan rằng văn hóa khởi nghiệp của Việt Nam sẽ khắc phục được những hạn chế để đạt được những tiến bộ đáng kể, ngay cả khi phải mất thêm vài năm nữa.

"Nhìn chung Việt Nam đang thực hiện chiến lược lùi 1 bước để tiến 2 bước, Hy vọng trong 5 năm, hay 10 năm tới thì tình hình sẽ được cải thiện hơn nữa", chuyên gia khởi nghiệp này nói thêm.

Lương Ngọc

Theo: SCMP