Thuế TTĐB với ôtô: Đã “chơi” thì phải chấp nhận!
Theo tờ trình Quốc hội về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) của Bộ Tài chính, để phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia, đối với mặt hàng ôtô sẽ áp dụng chung mức thuế suất thuế TTĐB cho cả ôtô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu.
Mức thếu suất lần lượt là 50%, 30%, 15% tương ứng với 3 loại xe 3- 5 chỗ ngồi; 6- 15 chỗ ngồi và 16- 24 chỗ ngồi.
DN trong nước: Vẫn muốn "chỉnh" lộ trình
Bảo hộ các nhà sản xuất ôtô trong nước, ổn định nguồn thu cho ngân sách và phù hợp với hạ tầng hiện có ở VN là 3 lý do cơ bản mà các DN trong Hiệp hội các DN sản xuất ôtô VN (VAMA) đưa ra để Chính phủ xem xét việc cho giảm thuế NK ôtô nguyên chiếc.
Đại diện các DN lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước đều kiến nghị nên áp dụng mức thuế 40%, 25%, 12,5% tương ứng với 3 loại xe kể trên. Với xe NK nguyên chiếc, cần phải có lộ trình và "ít nhất cũng đến năm 2008 mới có thể áp dụng chung một mức thuế với xe lắp ráp trong nước".
Trong khi đó, Bộ Tài chính buộc phải đưa việc giảm thuế NK ôtô nguyên chiếc lên bàn nghị sự theo những cam kết khi VN gia nhập WTO. Nhưng vấn đề đặt ra là lộ trình giảm thuế này có sớm hay không? Ảnh hưởng của nó đối với các DN ôtô trong nước như thế nào?
Nhiều DN trong ngành phân tích việc tăng thuế TTĐB và thuế GTGT lần đầu đã khiến thị trường tiêu thụ ô tô bị thu hẹp lại, doanh số năm 2004 giảm so với năm 2003. Nếu bây giờ áp dụng chung thuế suất thuế TTĐB cho cả 2 loại xe lắp ráp và NK đồng thời với giảm thuế cho xe NK (từ 100% xuống 50%) sẽ làm cho ngành công nghiệp ô tô trong nước bị thu hẹp lại và đánh mất cơ hội phát triển.
Với lượng xe lắp ráp, sản xuất trong nước hiện nay khoảng 60.000 xe/năm (nước láng giềng Thái Lan khoảng 600.000 - 700.000 xe/năm); với số lượng quá ít ỏi này, để thực hiện chính sách nội địa hóa theo chiến lược của Chính phủ là "vô cùng khó khăn".
Nếu thuế tăng 50%, giá ô tô lắp ráp trong nước sẽ tăng khoảng 11%, lượng xe tiêu thụ sẽ giảm và tất nhiên, chi phí sản xuất sẽ cao hơn. Cũng theo những DN này, cộng thêm việc giảm thuế NK xe nguyên chiếc thì ngành công nghiệp ô tô trong nước chắc chắn sẽ bị "loại" ngay.
Muốn hội nhập: Phải thoát khỏi sự bảo hộ
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nếu VN không muốn trì hoãn việc gia nhập WTO thì phải thống nhất thuế giữa xe lắp ráp và xe NK nguyên chiếc với mức thuế dưới 50% như Bộ Tài chính đã tính toán. Mặc dù lộ trình thống nhất thuế TTĐB rút ngắn 1 năm nhưng trên thực tế thuế suất đã giảm so với dự kiến nên các DN sản xuất, lắp ráp trong nước hoàn toàn có thể chấp nhận mức thuế cao hơn.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế TTĐB có thể gây áp lực cạnh tranh đối với các DN sản xuất, lắp ráp trong nước song có tác động thúc đẩy cải tiến, hạ giá thành...
Thuế không phải là nguyên nhân "chậm phát triển" của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Nếu các DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước hoạt động hết công suất, tăng lượng sản xuất thì sẽ giảm được chi phí khấu hao, giá thành sẽ giảm, thuế sẽ giảm.
Và "lỗi" của việc giá cao, thuế cao chính là do cơ sở hạ tầng còn quá yếu kém, đường xá chật chội nên lượng người mua xe quá thấp. Để bảo hộ sản xuất trong nước, cách tốt nhất là chấp nhận luật chơi chứ không phải nâng hàng rào thuế lên.
Nhưng, cuộc chơi nào cũng có hồi kết, việc giảm thuế NK cho ôtô là việc làm không thể tránh khỏi, cho dù có kéo dài thêm được vài ba năm nữa. Các DN trong nước làm ăn nghiêm túc, có đầu tư theo chiều sâu thì không cần phải lo lắng thái quá, vì như vậy cũng không thể làm giảm tốc độ của bánh xe mang tên "WTO" chậm hơn được.
Các DN ô tô VN cần nhìn thẳng vào thực tế, vì thời điểm hội nhập đang rất gần. Nếu không muốn tụt hậu, cần có những DN mạnh, mạnh cả về tài chính lẫn cả về chiều sâu trong công nghệ. Điều quan trọng, là phải thoát ly khỏi sự bảo hộ để đứng vững trên đôi chân của chính mình.
Theo DĐDN